[GG] Thế nào là một môi trường làm việc tốt rõ ràng là do quan điểm từng người. Tuy nhiên, theo tôi, sếp tốt đồng nghĩa với 80% môi trường làm việc tốt. Vì sao ư? Bạn hãy thử tham khảo bài viết này của tôi và chia sẻ cùng tôi, như thế nào là một môi trường làm việc tốt theo quan điểm của bạn nhé?
Ngày đăng: 12-07-2019
1,314 lượt xem
Tôi ít khi nào làm văn lắm, các bạn có lẽ cũng để ý. Chỉ là khi nào có cảm hứng mới bắt đầu cầm bút lên ngọ nguậy cho vui. Trưa nay ngồi ăn cơm với một người chị đồng nghiệp bỗng nảy ra ý nghĩ viết về chủ đề này. Chị có nhận xét với tôi rằng tôi có vẻ rất phù hợp với công việc hiện tại, vì chị thấy tôi không phàn nàn gì về công việc cũng như chưa thấy ai phàn nàn gì về tôi. Tôi hỏi làm sao chị biết thì chị nói chị quan sát thấy thế và vì có so sánh với người tiền nhiệm. Tôi có vui vì chị thổ lộ chưa có ai phàn nàn về tôi nhưng ở chiều ngược lại, mọi việc không hẳn giống như những gì chị quan sát. Tôi bắt đầu tâm sự với chị về những quan điểm của mình trong môi trường công sở. Những điều tôi sắp tâm sự dưới đây với các bạn không cụ thể trong môi trường tôi đang làm việc, mà nó là quan điểm chung của cá nhân tôi trong hầu hết các môi trường công sở mà theo tôi đánh giá sẽ là một môi trường làm việc tốt.
Chị ấy có chia sẻ với tôi là tùy mục đích sống của mỗi người tại những thời điểm khác nhau sẽ có những thứ tương tự ưu tiên riêng: lương bổng tốt, đồng nghiệp vui vẻ, sếp tâm lý, tính chất công việc thú vị, sự ổn định ...nên sẽ có những sự lựa chọn khác nhau. Ví dụ như ở độ tuổi của chị ấy thì sự ổn định được đặt lên hàng đầu dù những thứ khác cũng có những điểm vương vướng giống như tôi nhưng chị không xem chúng là rào cản gì ghê gớm lắm. Với tôi thì lại khác. Một trong những nguyên do hàng đầu khiến tôi không thể gắn bó lâu dài ở một nơi nào đó chính là sếp trực tiếp của mình dù lương bổng hay tên tuổi của công ty nào đó có cao và nổi tiếng đến cỡ nào đi chăng nữa.
Vì sao ư?
Tôi là một cô gái "trong công việc" biết rất rõ thế mạnh và điểm yếu của mình. Thế mạnh của tôi là vô cùng tự chủ, có chính kiến cá nhân, có trách nhiệm với những lời nói & hành động của bản thân, khả năng làm chủ thời gian và làm việc tốc độ. Đó là những kỹ năng mềm mà bất kỳ một người ở cấp bậc quản lý nào cũng phải sở hữu. Tôi định hình rất rõ, bất kỳ ai muốn làm sếp của tôi, chuyên môn chưa được giỏi không thành vấn đề nhưng phải sở hữu những tính cách trên + khả năng hỗ trợ và bảo vệ nhân viên trước các phòng ban khác. Theo tôi, người sếp không cần và cũng không bắt buộc phải có chuyên môn cứng quá mạnh nhưng kỹ năng mềm phải thật sự xuất sắc thì mới thu phục được nhân viên gắn bó dài lâu.
Sếp tốt đồng nghĩa với 80% môi trường làm việc tốt.
Tôi nghĩ thế này. Con người sống và làm việc lâu dài được với nhau hay không là ở có hợp gu nhau hay không. Đồng nghiệp, đối tác, khách hàng có xấu xí, làm khó dễ bạn 100 cũng không bằng sếp trực tiếp của bạn làm khó dễ bạn 1. Sếp khó dễ với bạn thì nhiều cách bạn có thể nhận ra lắm. Không tinh tế chẳng hạn. Hay khi bạn gặp khó khăn không dám góp một tiếng bảo vệ bạn trước số đông. Ngại nhất là sếp không có chủ kiến, sợ đụng chạm người này người kia và thường hay khuyên bạn nên giữ im lặng, nâng vị thế mình lên, thể hiện không thèm tranh luận với đối phương dù họ có sai hay vô lý thế nào. Bạn có muốn biết tôi suy nghĩ ra sao không? Tôi đã từng viết một bài chủ đề về sự im lặng trước đây rồi, rằng im lặng có nhiều ý lắm chứ chẳng phải chỉ có nghĩa là "tao chẳng thèm nói chuyện với mày mất thời gian". Quan điểm của tôi thế này, trong công việc ấy, thà bạn im để người khác tưởng bạn thông minh, bận rộn, còn hơn mở lời là một tràng vô lý và ngu dốt. Tôi thà không biết, không nghe, không hiểu. Lỡ nghe rồi tôi không thể giả đò mặc kệ, đặc biệt việc ấy liên quan trực tiếp đến uy tín trong công việc của tôi. Ai đó nói chữ tín là đồ thừa thãi chứ với tôi, chữ tín là kim cương quý giá. Chữ tín là lời nói, là hành động, là thời gian, là chất lượng công việc. Tôi chẳng cần sếp dẫn đi ăn team building nhiều làm gì mà cái cốt lõi nhân viên cần thì lại không đáp ứng được.
Đi làm hơn 8 tiếng đồng hồ vùi đầu vào công việc, tuổi xuân và thời gian trôi qua lúc nào không hay, mà nếu mỗi ngày mở mắt ra, bạn cảm thấy nơi làm là chốn địa ngục trần gian, vừa không phải là ngành là nghiệp mình yêu thích, vừa không có sếp thấu hiểu tâm lý chi bằng tìm cách giải thoát cho chính mình.
Nếu nơi ấy vui, chuyện cống hiến làm ngày làm đêm, làm cuối tuần chỉ là chuyện nhỏ. (P/S: nói thật lòng nha, nếu tôi là sếp hay là chủ doanh nghiệp, tôi cũng chẳng khuyến khích nhân viên mình cày ngày cày đêm, đến lúc nó vào viện tôi lại mất nhân sự mấy ngày công việc chất chồng không có ai giải quyết. Tôi chỉ đánh giá cao những ai biết cách quản trị thời gian hợp lý để hoàn thành tốt công việc được giao. Bận bịu mà làm gì để trên môi không có thời gian nở một nụ cười xã giao.)
Dù bạn là ai, cũng sẽ có một chốn thích hợp dành cho bạn. Trong lúc chờ đợi, hãy kiên nhẫn tranh thủ bổ sung kiến thức cho mình.
Về bản thân mình, tôi thường được nhiều người đánh giá là con ngựa cứng đầu, nguyên tắc, thẳng (có lẽ là những yếu điểm) và bản thân cũng tự nhận mình là người không thích ngọt nhạt, lấy lòng bá quan văn võ, tụ tập đàn đúm, hay thích tiếp xúc, giao lưu với những người lạ, mở rộng mối quan hệ... nhưng nếu tính chất công việc yêu cầu tôi cũng phải làm dù trong lòng tự sẽ có những sự không thoải mái riêng. Thật ra nói về sự nguyên tắc thì ai chẳng có nhưng tôi nghĩ tôi có nhiều sự linh động cần thiết. Cho tới tận ngày hôm nay tôi vẫn chưa thấy mình thay đổi quan điểm này, ngoại trừ khả năng "nhẫn" của tôi ngày càng cao. Tôi tập cho mình phớt lờ những sự vụ không liên quan tới mình. Căn bản để có cuộc sống hạnh phúc, bạn phải biết yêu bản thân và nâng niu những cảm xúc thuộc về mình, thay vì phải đong đo cảm xúc hộ người khác.
Tôi kể ra như trên những trải nghiệm của mình để bạn hình dung phần nào cá tính của bạn thích nghi tới đâu trong môi trường mà bạn đang làm việc. Rõ ràng là mỗi người khác nhau sẽ có những cá tính và quan điểm khác nhau. Rõ ràng là giữa tôi với chị đồng nghiệp trên có những hướng nhìn về công việc của mỗi người khác nhau. Vì là khác nhau nên không thể so sánh hay đánh giá sự việc hay vấn đề của ai là nhỏ hay lớn hơn. Và dù lý do gì, vì sao người tiền nhiệm của tôi không tiếp tục ký gia hạn hợp đồng là điều hoàn toàn có thể thông cảm. Nếu đưa ra lý do một ai đó nghỉ việc là do không có khả năng thì đó chỉ là viện cớ của một người lãnh đạo nhằm bào chữa cho sự không có khả năng quản trị điều hành một điều gì đó, mà có thể là sai lầm từ chính khâu tuyển dụng của họ (vì một số không có khả năng nhìn người chẳng hạn). Hoặc thừa nhận sai lầm của mình (ai mà chẳng có khuyết điểm), hoặc thay vì nói ai đó không có khả năng (tức nhắm trực tiếp vào khía cạnh năng lực của đối phương), hãy nói rằng không phù hợp (văn hóa công ty, văn hóa của người điều hành đóng vai trò tiên quyết). Ở khía cạnh nhân viên, đưa ra quyết định tôi không muốn tiếp tục làm nữa vì cảm thấy không còn nhiệt huyết, hết vui cũng là một lý do hết sức hay ho.
Theo như những gì tôi vừa trình bày ở trên, thế nào là một môi trường làm việc tốt rõ ràng là do quan điểm từng người. Nhưng để chốt lại thì tôi cho rằng, bạn cần biết bản thân muốn gì, hay muốn đạt được những gì ở những thời điểm khác nhau, kèm theo đó là khả năng "tự làm cho bản thân cảm thấy thoải mái nhất có thể", nhằm đạt được các mục tiêu đã đề ra. Nếu sau quá trình tự điều chỉnh bản thân vẫn không thấy hiệu quả, bạn có thể thay đổi cách thức hành động để vẫn hoàn thành mục tiêu. Không làm được ở chỗ này thì nộp đơn làm việc ở chỗ khác. Một cá nhân bản lĩnh thật sự không sợ thiếu việc để làm. Nếu cảm thấy chưa đủ khả năng để bung thì nên nhẫn nại.
Sau cùng, bạn quyết định thế nào cũng được, đừng để mang cảm giác hối hận trong tương lai là được. Cuộc đời của bạn là do bạn định đoạt. Mọi lời khuyên của tôi hay của bất cứ ai cũng chỉ mang tính tham khảo mà thôi.
Hãy sống vì bản thân bạn trước tiên nhé!
Một bài viết của deargiang.com (GiangGina)