[GG] Từ hôm qua tới hôm nay có vẻ dân tình quan tâm rất nhiều tới bài PV Hiệu trưởng ĐH Ngoại Thương về việc sinh viên trường này được quyền "chảnh" khi nộp đơn xin việc sau khi tốt nghiệp. Sẵn dịp mình xin được bày tỏ một chút quan điểm của mình về vấn đề này và thêm một vấn đề nữa là năng lực của một nhân viên được đánh giá như thế nào nơi công sở.
Ngày đăng: 28-08-2019
1,150 lượt xem
1. Mình tốt nghiệp ĐH Kinh tế TP.HCM, chưa học Ngoại Thương bao giờ nên mình khó có thể so sánh SV 2 trường. Tuy nhiên mình nghĩ ở đâu cũng có người này người kia. SV mới ra trường nộp đơn ở cty nào cũng sẽ bị đánh giá là chưa đủ kỹ năng và kinh nghiệm dù lúc còn là SV các bạn có năng nổ đến đâu, đi làm part-time/freelance khắp nơi. Cái nhà tuyển dụng cần vẫn là CV bạn trình bày như thế nào, lúc phỏng vấn tư duy trả lời các câu hỏi từ nhà tuyển dụng ra sao. Nếu bạn có nhiều kỹ năng, kinh nghiệm liên quan tới công việc được tuyển dụng mà không có khả năng "khoe" và thuyết phục người nghe thì bạn vẫn có thể bị đánh rớt. Kỹ năng thuyết trình/trình bày là một loại kỹ năng mềm đặc biệt quan trọng khi bạn muốn làm bất cứ việc gì và đòi hỏi mức thu nhập cao. Kỹ năng thuyết trình/trình bày bao gồm cả sự khôn khéo, khả năng ứng biến trong xử lý tình huống để người nghe không cảm thấy bạn quá "bốc phét" hay "chảnh", mà chỉ là bạn tự tin với những sự kiện đã xảy ra trong quá khứ của mình.
2. Nói qua cũng phải nói lại, ở vị trí một nhà quản lý, ngoài việc bản thân đã từng phỏng vấn rất nhiều ứng viên thì mình cũng đã từng nộp đơn vào rất nhiều công ty và tham dự kha khá các buổi phỏng vấn. Không phải người hỏi phỏng vấn nào cũng có chuyên môn phỏng vấn ứng viên tốt. Tiêu biểu mình thấy khá nhiều công ty tỷ lệ người nộp đơn xin thôi việc cao sau vài tháng làm việc. Phỏng vấn là để lọc ứng viên ngoài việc phù hợp với vị trí cần tuyển, còn là phù hợp với văn hóa đội nhóm hiện tại, to lớn hơn là văn hóa doanh nghiệp. Ngoài ra mức lương ứng viên yêu cầu phải nằm trong ngân sách tuyển dụng cho vị trí ấy và việc này thường được lên kế hoạch cụ thể rõ ràng từ trước. Một ứng viên để mà nói có phù hợp để trúng tuyển không tùy thuộc khá nhiều thứ như mình mới vừa liệt kê ở trên.
3. Chúng ta, ai cũng đều có những mong muốn và yêu cầu riêng nên việc rớt phỏng vấn chỗ này, hoặc nghỉ việc ở chỗ này để qua một chỗ khác là điều bình thường. Năng lực cá nhân của mỗi người sẽ có những nhận xét đánh giá riêng, xét cả khía cạnh người đánh giá và người được đánh giá. Ví dụ, có người cho rằng kỹ năng đó là bình thường, nhưng số khác đó là sự hiếm có khó tìm. Khi hai bên không cùng chung tiếng nói, tư duy, tầm nhìn thì không thể sáp lại thành một đội. Cũng như việc một người làm việc chậm mà cứ tưởng như thế là nhanh và hiệu quả phải trao đổi công việc với một nhân sự tốc độ làm việc lúc nào cũng thần tốc thì rất là khó để có một tiếng nói chung.
4. Dù gì thì tôi luôn ủng hộ những ai biết tự tin vào năng lực của mình. Việc biết rõ những điểm mạnh và điểm yếu của bản thân sẽ cho chúng ta một tầm nhìn đúng và không thái quá mọi thứ. Còn để mà biết thị trường đang trả bao nhiêu cho vị trí dự tuyển, mọi người đều có thể lên các trang web việc làm tham khảo, hoặc nhờ tư vấn người thân. Mình cũng không thích tư duy bị bóc lột sức lao động hay tư duy "chủ tớ". Khi mà cả hai đã thuận mua vừa bán loại hàng hóa là "chất xám" hoặc "sức lao động" thì mỗi bên phải biết hài lòng với thành quả có được sau một loạt các đánh giá, kiểm tra chất lượng từ trước - từ cả hai phía.
5. Khi một nhân viên đã được nhận vào làm rồi thì việc đầu tiên là nhân viên ấy phải trình diễn được khả năng của mình. Một nhân viên nếu thích làm việc tốc độ nhanh hãy làm việc tốc độ nhanh, mình không khuyến khích nhân viên phải giả đò làm việc chậm cho giống mọi người xung quanh hay để khỏi bị Sếp bóc lột sức lao động hơn bình thường. Bởi mình nghĩ, động lực làm việc của một nhân viên chính là được làm việc theo đúng khả năng của mình, được mọi người thừa nhận, một số khác còn là được học hỏi nhiều điều mới mẻ qua nhiều thể loại công việc khác nhau. Một số còn yêu cái áp lực cần có trong công việc nữa. Nếu thích bị bóc lột thì vui vẻ thể hiện mình thôi. Nhưng trong trường hợp không muốn nhận một nhiệm vụ nào đó vì một số lý do abc thì cũng phải biết từ chối. Còn nếu mà sếp và môi trường làm việc không thích những tính cách hiện hữu của mình thì có thể mình phải xem lại: một là tự thay đổi để thích nghi, hai là thay luôn công việc tìm việc mới. Mình nghĩ người khác đánh giá năng lực của bạn như thế nào không quan trọng bằng bạn tự đánh giá năng lực của bản thân mình như thế nào. Mình đã thực sự tận tâm với công việc và làm tốt nhất yêu cầu được giao hay chưa?
6. Mình nghĩ trong xã hội hiện đại nhảy việc dù không hay ho gì nhưng cũng không phải là việc quá to tát hay nên bị lên án. Những nhân vật có bản lĩnh họ sẽ không sợ thất nghiệp hay phải đối phó với những khó khăn trước mắt. Những ai nếu tự cảm thấy chưa đủ bản lĩnh thì điều hiển nhiên làm việc gì cũng đều suy xét.
7. Mình không bao giờ khuyên ai một chiều cả vì đối với mình mọi thứ đều có hai mặt. Kinh nghiệm một người không thể áp đặt cho người khác mà mỗi người phải tự có những đúc kết riêng. Tự vấp ngã rồi mới tự biết đứng dậy và đi hướng nào. Nhìn vấn đề vậy mà không phải vậy nếu mình không đứng được vào vị trí của đối phương. Mọi phép so sánh đều là tương đối. Vẫn chỉ có bạn mới hiểu được điều gì là tốt và đúng đắn nhất với bản thân tại mỗi thời điểm. Những người xung quanh không thể sống giùm cuộc đời của bất kỳ ai dù họ có ban phát nhiều lời khuyên đến thế nào.
Hãy xem thế giới và các bài học quanh ta là những câu chuyện truyền cảm hứng. Đó là điều cuối mình muốn gởi gắm đến những ai đang đọc bài viết này của mình. Vậy nên, học trường nào mà cảm thấy tốt nhất với khả năng của bản thân là được, không cứ nhất nhất là phải ngoại thương thì đi xin việc mới có lương cao. Học trường khác mà học giỏi, đủ bản lĩnh trong vòng phỏng vấn vẫn có công việc ngon lành thôi mà.
P/S: Ghét nhất mấy đứa mang "mác" này "mác" kia đi dọa khắp thế gian.