[GG] Đây là câu chuyện của mình, do mình đúc kết và dần dần trở thành quan điểm riêng. Hy vọng có nhiều người đồng quan điểm với mình.
Ngày đăng: 25-02-2021
1,123 lượt xem
Trong quá khứ có một khoảng thời gian trên hai năm mình làm Biên tập viên của một tờ tạp chí, khi ấy mình thường kết thúc ngày làm việc của bản thân “một mình” vào lúc 9 giờ tối. Do tính chất nghề buộc một người làm báo phải làm việc không kể ngày đêm. Sau khi thôi công việc này, mình có dặn lòng là không quay trở về nghề báo chí nữa.
Hiện tại mình đã chuyển hẳn sang làm cho brand được vài năm nên chỉ thỉnh thoảng mình mới cho phép bản thân làm tới 7 hoặc 8 giờ tối. Trường hợp cá biệt khi phải lên sóng gấp một sản phẩm nào, hoặc phải cung cấp một tài liệu gấp nào vào ngày hôm sau, một ngày của mình có thể kéo dài vô tận, có thể kéo dài tới 4 giờ sáng hoặc thậm chí không đi ngủ luôn tối hôm đó. Đây không phải là điều mình thấy tự hào.
Mình chưa bao giờ đánh giá cao những cá nhân làm trên 10 tiếng/ngày. Làm được nhiều việc, phát triển được nhiều kỹ năng cũng có tốt thật, giúp mình luôn hoàn thành đúng deadline, tốt cho công ty, tốt cho khách hàng nhưng ở một khía cạnh nào đó, mình không hề nghĩ nó thật sự tốt cho mình.
Vì có quan điểm vậy nên khi nhìn tới những đồng nghiệp cày ngày cày đêm không có thời gian dành cho gia đình, mình cảm thấy xót xa. Tương tự khi mình chứng kiến cảnh một số người lấy lý do bận bịu công việc vì là Trưởng phòng, Giám đốc, vì Thu nhập cao v.v... không thể chăm lo cho gia đình, không thể tán gẫu cafe với bạn bè, không thể nhiều thứ thì mình liền thấy họ có vấn đề về mặt quản trị thời gian hoặc về mặt đời tư.
Tệ hơn cả là những bạn làm trên 10 tiếng/ngày nhưng luôn lấy lý do bận bịu để trễ deadline trong công việc. Họ thường là những đối tượng hoàn toàn không đáng tin để giao việc.
Là một phụ nữ 38 tuổi, hiện đang làm quản lý nội dung cho một nền tảng giáo dục online của một start-up mới nổi có nguồn lực hạn hẹp, mình xem việc quản trị deadline lẫn quản trị nguồn lực có sẵn là điều vô cùng quan trọng.
Đầu tiên là Tư duy (Không Có Gì Gọi Là "Gấp Quá Thể" Mà "Không Thể" Thương Lượng Lại Được Về Mặt Thời Gian Sao Cho "Hợp Lý Nhất" Với "Nguồn Lực Hiện Có").
Kế đó bạn cần nắm vững Chuyên môn để hoàn thiện nhanh các đầu việc, biết phân tích thứ tự công việc ưu tiên để Quản trị thời gian và biết lập luận vững vàng trong quá trình Đàm phán. Nếu thiếu chỉ một trong những điều này, bạn sẽ không bao giờ có được một cuộc sống đúng nghĩa dành cho mình, được mọi người nể trọng (không tận thu lẫn tận dụng)
Mình từng viết chi tiết một bài về quản trị thời gian vì thời điểm đó mình gặp khá nhiều đồng nghiệp hứa lèo không hoàn thành đúng deadline, bạn nào có hứng thú, có thể click đọc bài này của mình: Quản lý thời gian làm việc ”khẩn” và ”quan trọng” theo ma trận Eisenhower.
Mình có ý định ra riêng không? Câu trả lời là Có. Khởi nghiệp cần gì? 3 rủi ro bạn phải chấp nhận khi khởi nghiệp thì mình cũng đã từng viết rồi. Bởi mình từng ra riêng một lần nên mình hiểu thời gian dành cho việc kinh doanh riêng có thể ăn lẹm thời gian dành cho bản thân là như thế nào. Mình cũng từng đi làm thuê trên 10 tiếng/ngày stress ngập đầu dẫn đến việc ăn uống vô tổ chức thành ra mập ù. Mình cũng có chút hứng khởi khi biết nhân viên mình thi thoảng làm trên 10 tiếng/ngày tuy nhiên mình không hề buồn phiền nếu họ chỉ làm đúng 8 tiếng mỗi ngày mà công việc vẫn hoàn thành theo đúng kế hoạch đặt ra. Việc có ai đó phải liên tục làm trên 8 tiếng tiêu chuẩn một ngày là một dấu hiệu: hoặc là quá nhiều việc, thiếu nguồn lực hoặc nhân viên ấy có vấn đề.
Mỗi một vị trí đều có sức nóng của nó. Mình chưa muốn đón nhận lại sức nóng dành cho một chủ doanh nghiệp ngày đêm đau đáu làm sao giải quyết hàng núi việc, kiếm đủ tài chính trả lương cho từng nhân viên như các sếp của mình hoặc phá sản, bởi mình biết một ngày nào đó, mình cũng sẽ bước vào vị trí đó. Mình sẽ để dành năng lượng và thời gian cần thiết khi điều đó đến chứ không phải ngay bây giờ hay ngay lúc này.
Mà thật ra cũng rất nhiều người họ không muốn trở thành ông/bà chủ vì họ cảm thấy không thể/không muốn lo lắng quá mức, và vì thế họ làm nhân viên, và họ có thể làm nhân viên cả đời để được hưởng thứ ân huệ là những giây phút được buông bỏ công việc về với gia đình, nấu cơm, xem ti vi, shopping, tập thể dục, đọc sách và không phải vướng bận gì.
Để tìm được một môi trường làm việc phù hợp, thật ra mình có thể giới thiệu bạn đọc thử bài này: Đánh giá “ngược” nhà tuyển dụng trong buổi phỏng vấn bằng những câu hỏi. Còn nếu bạn muốn biết lý do tại sao mình lại không khuyên bạn nên đem việc về nhà thì bạn nên đọc thêm bài viết này: Những lý do mang việc về nhà hủy hoại cuộc sống của bạn.
Chúc các bạn vui!