[GG] Hiện tại mình là một người quản lý trong lĩnh vực Digital Content Marketing. Công việc của mình ban đầu đòi hỏi phải xây dựng team để có đủ nhân sự vận hành mọi công việc theo một nhu cầu nhất định. Và mỗi khi mình phỏng vấn một ứng viên nào, dù cho không nhận bạn vào làm việc, mình cũng luôn chia sẻ lý do và kèm đó là những góp ý để bạn tiến bộ hơn trong những lần phỏng vấn khác với các nhà tuyển dụng khác.
Ngày đăng: 31-10-2019
1,911 lượt xem
Rất nhiều ứng viên nộp đơn xin việc vào một vị trí mà bản thân vừa không có kinh nghiệm, lại chẳng có chút kiến thức gì. Thật ra mình không ngại tuyển dụng một bạn trẻ, đặc biệt là mới tốt nghiệp ra trường. Đối với mình, các bạn trẻ ấy như một tờ giấy trắng, rất dễ để đào tạo, uốn nắn. Thật sự là mình không ngại đào tạo các bạn một cách tỉ mẩn, kiểu toàn tâm toàn ý, nhưng phải kèm một điều kiện: các bạn ấy phải thông minh và có tố chất ham muốn được học hỏi để phát triển. Vì thế, nếu mình nhìn thấy một ứng viên có thể đào tạo được, mình sẽ thích thú tuyển ngay. Còn bảo làm thế nào để mình đánh giá một ứng viên là một nhân tố có thể đào tạo được ư? Rất dễ.
1. Bạn có thể chưa có kinh nghiệm, nhưng trước khi đến một buổi phỏng vấn bất kỳ, bạn hãy cho nhà tuyển dụng thấy được rằng, bạn đã tìm hiểu kỹ càng như thế nào về tính chất công việc bạn đang dự tuyển. Thời đại 4.0 mọi thứ đều có thể hỏi anh google. Mọi thứ đều có thể nghiên cứu, tìm hiểu từ nhiều nguồn khác nhau. Dù là chưa có kinh nghiệm, nhưng ít nhất hiểu được công việc mình sắp làm cũng đáng để nhà tuyển dụng cho bạn một điểm cộng.
2. Người tuyển dụng với chuyên môn trong lĩnh vực của họ, khi tuyển nhân viên cho phòng ban mình chắc chắn sẽ biết họ cần một ứng viên như thế nào, và vì thế, sẽ có nhiều câu hỏi tình huống được đặt ra. Thông qua cách trả lời rành rẽ và chủ động, người tuyển dụng chắc chắn sẽ đánh giá được thái độ và tính cách trong công việc của bạn ra sao, cách bạn nhìn nhận về vấn đề deadline, về trách nhiệm, về mong muốn học hỏi phát triển bản thân thế nào. Tất cả là để đánh giá, bạn có đồng quan điểm và giống tư duy với người sếp bạn sắp sửa làm cùng hay không. Mình nghĩ rằng, kỹ năng có thể học được, chứ tư duy, quan điểm là những thứ thuộc về tính cách. Không hợp gu thì không thể chơi với nhau được. Đơn giản vậy thôi. Nói cao siêu hơn nó liên quan đến văn hóa của phòng ban, của công ty. Nếu ứng viên không sở hữu được những giá trị cốt lõi mà nhà tuyển dụng cần, thì sẽ bị đánh rớt.
Quản lý là một kỹ năng. Quản lý là cũng là một năng khiếu!
Đã gọi là năng khiếu thì không phải ai cũng có để được thừa nhận là một nhà quản lý có tầm.
Nói chung mình nói chuyện với các bạn ứng viên theo tinh thần chia sẻ, mong các bạn tiến bộ lên rất nhiều.
Mình muốn dù các bạn chưa có cơ hội làm việc với mình, nhưng sẽ tìm được một cơ hội "hợp hơn" ở một môi trường khác.
Trong xã hội hiện đại này, bằng cấp không phải là thứ mình chú trọng đầu tiên khi đọc CV của các ứng viên. Mình thường chỉ tập trung đọc các kinh nghiệm và kỹ năng mà ứng viên đó đang sở hữu, đồng thời mình cũng đọc cách các bạn ứng viên ấy trình bày chúng nữa.
Để kết bài viết này, mình muốn nói với tất cả những bạn trẻ, đặc biệt là những ai đang loay hoay tìm việc và đang đọc bài viết này rằng:
"Nếu thật sự các em muốn thăng tiến trong sự nghiệp, có được một công việc tốt, một thu nhập mơ ước, điều đầu tiên các em phải xác định bản thân muốn làm gì, điểm mạnh ở đâu. Khi xác định được rồi, hãy tập trung chỉ nói về những điều đó một cách rõ ràng nhất trong CV của mình. Như thế thì khi bất kỳ một nhà tuyển dụng nào đọc vào sẽ biết rằng họ thật sự ham muốn em, và cảm thấy hài lòng được phỏng vấn một ứng viên biết rất rõ thế mạnh của mình. Một khi đã hiểu các sở thích, sở đoản của mình, các em cần liên tục trau dồi để phát triển bản thân. Có những môn học, mình học không phải để làm việc trực tiếp, mà chỉ là để người khác không qua mặt mình. Có nhiều kiến thức và kỹ năng thì càng tốt chứ sao? Hãy trở thành một nhân viên khó ai có thể thay thế. Và hãy trở thành một người "giỏi đến mức không ai muốn phớt lờ".
Một bài viết của GiangGina (deargiang.com)
Bạn có thể tìm hiểu thêm bài viết "Quản trị con người đòi hỏi có chút năng khiếu" (<< tại đây) để có thể hiểu thêm quan điểm của mình về vấn đề quản trị nhân sự.