[GG] Job hiện tại của mình việc khá nhiều, nhiều gấp 3 lần hồi mình nhiều việc nhất mà nhân sự chỉ bằng 1/3 thời điểm cũ.
Ngày đăng: 16-04-2022
978 lượt xem
Bạn cứ tưởng tượng đi, tuần nào cũng phải edit content và đảm bảo chất lượng đầu ra cho 18 brands, có bạn hỏi chị có bí quyết gì? Thế là mình suy nghĩ và viết ra đôi dòng sau:
1. Khối lượng công việc càng lớn, càng cần tối ưu hóa khả năng hệ thống toàn bộ đầu việc và hệ thống chúng một cách khoa học >> Giúp hạn chế tối đa việc "quên bất chợt" vì "quá nhiều việc".
2. Kết hợp giữa hệ thống hóa điện tử (excel, laptop) và truyền thống (sổ tay).
3. Giải quyết từng đầu việc một cho dứt điểm rồi quên nó đi để làm việc khác. Đừng bao giờ để bản thân trong tình trạng việc gì cũng dang dở, hay đang việc này nhảy sang việc khác >> Muốn vậy không nên mở quá nhiều tab (trên 5 cái) khi làm việc trên laptop. Nó chỉ khiến bạn lẫn lộn qua lại giữa các file.
4. Phải biết bookmark thông minh = Khả năng truy xuất thông tin nhanh. Điều này liên quan đến khả năng lưu trữ thông tin >> Phải biết tạo folder trên thanh bookmark.
5. Phải biết ưu tiên việc nào làm trước, việc nào làm sau.
6. Phải nắm vững chuyên môn để khả năng ra quyết định nhanh. Muốn giữ chính kiến riêng hay giữ vững quan điểm và lập trường riêng, phải có khả năng lập luận và thuyết phục hợp lý, logic.
7. Phải biết từ chối khéo léo những việc không quan trọng hay không liên quan tới mình. Không biết "Say NO" = "Ôm đồm" = "Khả năng thương lượng/thuyết phục kém". Ở đời này không có việc gì gọi là quá khẩn, quá gấp, trừ việc "cháy nhà" hoặc "người thân qua đời".
8. Phải biết bảo vệ nhân sự của mình. Không có họ, bạn sẽ bị cụt chân cụt tay và làm việc không hiệu quả. Muốn thế, phải biết tâm lý với họ, đừng lôi họ vào những drama hay những cuộc hội thoại tốn thời gian của họ. Đừng có group chat nào cũng add họ vào. Hãy giúp họ có tâm trí để thực hiện tốt công việc bạn giao. Bạn có thương họ, tôn trọng họ thì họ mới thương lại bạn và tôn trọng bạn. Nhiều khi họ làm việc hết mình là vì quý mến bạn chứ không hẳn đó là trách nhiệm và nghĩa vụ của họ.
9. Với đồng nghiệp cũng vậy, phải làm việc trên tinh thần "đắc nhân tâm". Đồng nghiệp cùng cấp hay nhân sự dưới bạn cũng là những nhân vật bạn cần để công việc chung được suông sẻ. Bạn càng tỏ ra mình quyền này quyền kia, hay chứng tỏ mình giỏi giang và nỗ lực hơn người, hay tạo áp lực không đáng có cho đối phương, khi bạn gặp khó khăn, họ cũng không vì điều gì cả để hỗ trợ hết mình cho bạn.
10. Đừng công kích đồng nghiệp/nhân viên cấp dưới trước đám đông. Hãy đóng cửa chỉ hai người nói chuyện với nhau. Thống nhất trong nhà xong hãy mang ra thông báo cho toàn dân thiên hạ. Người ngoài nhìn vào lục đục nội bộ của mình, họ không những KHÔNG thông cảm, mà có khi còn đánh giá tiêu cực về mình.
11. Càng nhiều việc, bạn cần phải có khả năng khiến nhiều người hỗ trợ bạn một cách tự nguyện và vui vẻ. Nếu không "tự nguyện" và "vui vẻ", sớm muộn họ sẽ rời xa bạn.
12. Mua chuộc người khác trong công việc không nằm ở chỗ đãi họ ly trà sữa hay một bữa cơm trưa. Cái mọi người nhìn vào bạn là "khả năng thực" trong việc "điều quân khiển tướng" và "sử dụng nguồn lực" một cách tinh tế để tất cả các bên "cùng hưởng lợi" trong vui vẻ.
13. Bạn phải biết cân bằng giữa công việc và cuộc sống riêng. Nếu bản thân bạn không làm được, đừng lôi người khác theo mình. Nhân sự, đồng nghiệp của bạn sẽ yêu quý bạn hơn nếu bạn không làm phiền họ trong lúc họ đang dành thời gian cho con nhỏ, cho gia đình, cho người yêu, cho tập luyện thể dục thể thao. Thời gian nghỉ ngơi vô cùng quan trọng với bất kỳ ai, vì nó giúp con người nạp lại năng lượng để sáng tạo hơn cho một ngày mới hay một tuần mới.
Nói dài nhưng tóm lại hai điều:
* Hệ thống hóa
* Đắc nhân tâm
>>> Vả lại, bạn không cần một chức danh để trở thành một nhà lãnh đạo đúng nghĩa.
GiangGina [Một bài viết của Deargiang.com]