[GG] Mình có cô nhân viên tuổi đời còn khá trẻ, kinh nghiệm một vài năm, chắc chưa trải qua nhiều môi trường công việc khắc nghiệt nên đã mắc lỗi. Mình có cảm nhận cô ấy rất sợ và lo lắng khi gặp phải việc này. Vì vấn đề đó nên mình muốn chia sẻ với các bạn trẻ một số kinh nghiệm của mình, mong các bạn đọc hết.
Ngày đăng: 28-06-2018
1,681 lượt xem
Môi trường công ty nào cũng vậy, đều có những cạm bẫy về sai phạm lỗi trong công việc mà mọi người không thể lường trước, từ người trẻ tới người có nhiều năm kinh nghiệm vì không ai hoàn hảo. Nhưng những người có nhiều năm kinh nghiệm, họ sẽ có kỹ năng chặn đứng các tình huống xấu có thể xảy ở tỉ lệ cao hơn. Những tình huống đó có thể là: bị đồng nghiệp nói xấu, đổ lỗi, vu khống, bắt nhận trách nhiệm khi lỗi đó không phải của mình. Người bị vu khống trở nên hoang mang, lo lắng vì không biết phải giải thích với sếp làm sao vì không chứng cớ, không ghi chép. Vậy để tránh những tình huống xấu này có thể xảy ra, bạn nên làm gì? Sau đây là vài phương cách mình thường xuyên áp dụng trong công việc và mình thấy chúng rất hiệu quả.
1. Không trao đổi thông tin qua lại bằng lời nói vì những lời nói thường vô thưởng vô phạt và không thể làm bằng chứng, trừ phi bạn thu âm được đoạn hội thoại đó.
2. Mọi yêu cầu từ sếp hoặc đồng nghiệp bắt bạn làm gì (đặc biệt những việc quan trọng như liên quan tới tiền bạc, khách hàng, uy tín của công ty, ...) bạn nên ghi chép lại bắt sếp hoặc người có thẩm quyền ký, hoặc email bắt người đó confirm lại. Tệ lắm tin nhắn sms, facebook message, instagram message, ... tóm lại tất cả những gì là văn bản viết đều có thể được đem ra áp dụng. Đặc biệt lưu ý những đồng ý bằng lời nói của sếp như tặng voucher, tặng gói trị liệu, gói dịch vụ, tiền mặt hay tặng sản phẩm hữu hình nào đó, nhất thiết phải có được văn bản xác nhận đồng ý từ sếp hoặc người có thẩm quyền trước khi phổ biến thông tin tới khách hàng mình đang kết nối. Với những trường hợp cao cấp hơn giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp phải cần cả con dấu.
3. Nên nhớ ngay cả khi bạn đã là sếp và phía dưới bạn phải quản lý rất nhiều nhân viên thì bạn vẫn có người khác là sếp của bạn.
4. Mọi việc chúng ta không nên tự biết tự xử lý. Hãy cho sếp biết bạn đã tự xử lý cụ thể thế nào. Không gì dễ dàng và tránh làm phiền sếp hơn là email công việc cc sếp vào. Sếp bạn do tính chất công việc sẽ có quyền hạn và nhiều thông tin hơn bạn, nên sẽ dễ dàng trợ giúp bạn khi cần thiết. Vì công việc của bạn ảnh hưởng trực tiếp đến performance của sếp. Mà khi bạn gặp rắc rối, thông tin có sẵn sếp sẽ ra tay kịp thời, bạn không phải lo lắng. Nếu bạn làm tốt, các email qua lại trong công việc của bạn còn là bằng chứng chứng minh năng lực của bạn, có thể sếp sẽ đề xuất tăng lương cho bạn, hay bạn đề xuất sếp tăng lương cho mình ở thì tương lai nào đó.
5. Khi thấy nhân viên hay đồng nghiệp khác làm sai, bạn không nên mặc định mình cũng có quyền như họ. Việc người khác làm sai, họ sẽ có những khiển trách hay hậu quả liên quan. Việc bạn làm sai bạn cũng sẽ phải chịu trách nhiệm sớm hay muộn. Bạn không nên để bản thân bị ảnh hưởng tiêu cực từ những việc sai mà người khác làm tác động đến quyết định trong công việc và sự nghiệp của bạn.
6. Liên quan tới ý trên, thiết nghĩ chúng ta cần có lập trường riêng. Nếu các bạn tự trang bị cho mình khối lượng kiến thức và trải nghiệm đủ lớn, bạn không phải sợ điều gì cả. Nhưng, nhớ là phải đúng và có lý.
7. Trong công việc bạn hãy chi tiết và rõ ràng, đừng che dấu khi sếp yêu cầu bạn kể đầu đuôi câu chuyện (nếu bạn cc email cho sếp từ đầu đến cuối thì sếp sẽ không phải hỏi bạn câu hỏi này). Sếp cũng như luật sư của bạn, thông tin càng cụ thể, càng có lợi cho quyền lợi của bạn về sau. Anh A hay cô B gì đó có xuất hiện trong câu chuyện của bạn đều là những dữ liệu quan trọng giúp sếp bạn suy đoán và tìm giải pháp phù hợp khi bạn gặp rắc rối. Vì thế mình khuyến khích, để email khỏi qua lại nhiều lần, bạn nên trình bày đầy đủ tiểu tiết các tình huống có thể xảy ra, tránh để người nhận email đọc xong vẫn phải hỏi bạn vô vàn ti tỉ thứ khác.
8. Nếu chẳng may bạn làm sai thật sự, hãy nhanh chóng nhận lỗi. Vì sai là sai, không thể bẻ cong sự thật. Làm sai hay đúng trong công việc dựa trên quy trình quy định của công ty. Bạn làm khác người, một mình một cõi thì ngay cả sếp bạn có quý bạn cách mấy cũng không thể cứu bạn được. Trong trường hợp này, xin lỗi thành khẩn, nhanh chóng là giải pháp tối ưu. Xin lỗi sẽ xoa dịu người đối diện đang bất bình, nóng giận và dùng tình lý để mong họ thông cảm bỏ qua. Lúc đó sếp bạn muốn cứu bạn cũng dễ dàng bênh bạn.
Hi vọng bạn tìm thấy sự hữu ích của bài viết này. Chúc các bạn một ngày làm việc vui vẻ.
Một bài viết của GiangGina (deargiang.com)