[GG] Chủ đề viết của mình ngày hôm nay có vẻ hơi tế nhị, nhưng rất thực tế và đáng để bận tâm. Chắc chắn ai trong số chúng ta sớm muộn đều phải trải qua cảm giác chán nản, hụt hẫng, thất vọng, nên tiếp tục hay nên nghỉ việc để tìm một cơ hội mới tốt hơn. Mình rất muốn chia sẻ một số quan điểm cá nhân về đề tài này.
Ngày đăng: 25-05-2018
1,780 lượt xem
Mình năm nay 35 tuổi, trải qua khá nhiều vị trí, cấp bậc, công ty và nhiều môi trường công việc khác nhau. Cũng như nhiều bạn khác, mình không phải trường hợp ngoại lệ, cũng đã trải qua những cảm giác trên và nhiều lần phải đứng ở ngã ba đường lựa chọn: Nên đi hay ở?
Tại sao phải nghỉ việc?
Hồi còn trẻ, mới tốt nghiệp ra trường, mình không có quan niệm xin việc là phải chạy chọt và sử dụng các mối quan hệ. Mình cũng không có quan niệm giữ việc bằng phương pháp nịnh nọt thông thường. Mình càng không có quan niệm trái ngọt tự nhiên từ trên trời rớt xuống. Mọi nỗ lực đều có giá. Sự thông minh luôn có chỗ đứng. Thái độ mỏng khéo trong công việc đặc biệt quan trọng. Kiến thức và kỹ năng phải được bổ sung thường xuyên. Vì thế mình không ngại trải nghiệm các thể loại công việc khác nhau, nhảy việc để tìm kiếm những cơ hội tốt hơn cho bản thân. Hầu hết các lý do nghỉ việc của mình khi đó đều là: công việc chán không có nhiều thử thách / nhà xa / môi trường làm việc không còn phù hợp / cơ hội mới tốt hơn, hoặc gần đây có thêm lý do vì sếp mình yêu thích nghỉ việc đồng thời/hoặc mình không hợp với cách làm việc của sếp (mới). Bạn có thể tìm hiểu thêm những lý do khác của mình trong bài viết này: Nếu không phải những lý do sau đây, tôi sẽ không nghĩ tới vấn đề nghỉ việc! (<< click vào đây để đọc nhé)
Tất cả các lý do trên theo mình đều hợp tình hợp lý. Không ai lại đang yêu thích và đang cảm thấy thoải mái với một công việc nào đó lại tự nhiên bỏ đi. Thỉnh thoảng được nghe một số anh chị thâm niên cống hiến cả chục năm tại một công ty nào đó, mình cảm thấy thật ngưỡng mộ. Họ trung thành và kiên cường. Mình không được như họ!
Mỗi lần chuyển qua một môi trường làm việc mới, mọi thứ như bắt đầu lại từ đầu: công việc mới, đồng nghiệp mới, sếp mới, văn hóa mới, cách quản lý điều hành mới... Chẳng sao cả, vì mình còn trẻ, chưa vướng bận gia đình, năng lực có, mọi thứ mới mẻ đều thú vị.
Bạn đã trải nghiệm và học hỏi đủ để tự tin là mình đã giỏi đến mức không ai dám phớt lờ bạn?
Thật sự mình đã học được rất nhiều thứ, ngẫm ra rất nhiều điều, nhìn ra được rất nhiều khía cạnh của cuộc sống: tiêu cực có, tích cực có. Mình hiểu được như nào gọi là sếp tốt, sếp có năng lực, như nào gọi là môi trường làm việc khốc liệt, như nào gọi là bóc lột sức lao động, công việc như nào gọi là bận bịu hay nhàn rỗi, vị trí nào trong công ty được xem là quan trọng và vì sao? Và làm thế nào để bản thân có được một chỗ đứng khó thay thế? Có sếp khi biết mình nghỉ việc một nơi nào đó có khuyên là đừng nên đi, vì ngoài kia khó có nơi nào tốt hơn nơi đây, nơi cho mình nhiều sự tự do và cơ hội thể hiện bản thân. Mình đã trả lời với sếp ấy và cả những người bạn khác có cùng chung câu hỏi rằng: đừng lo, chỉ cần một chút thời gian, khi mọi nỗ lực và năng lực được công nhận, chẳng có điều gì mình muốn là không thể. Chẳng nơi nào, sếp nào chịu thiệt đến mức không biết trân trọng những giá trị mà một nhân viên có năng lực, trình độ, đa kỹ năng, tốc độ làm việc cao, năng suất làm việc hiệu quả, thừa nhiệt huyết, siêng năng, tự chủ, tự giác, biết nghe lời, biết đề xuất và đóng góp ý kiến cho sự phát triển của công ty mang lại, trừ phi ... bạn không may gặp phải một sếp năng lực quản trị yếu kém và có bệnh "sợ" người khác giỏi hơn mình.
Bạn không cần phải quá xuất chúng, xuất sắc, hoàn hảo ở mọi lĩnh vực công việc bạn tham gia, nhưng "hãy giỏi đến mức không ai dám phớt lờ bạn" để hạn chế những bàn luận về năng lực của bạn một cách tiêu cực. Món quà nịnh nọt sếp hiệu quả nhất chính là kết quả công việc của bạn đã vượt xa mọi sự kỳ vọng từ sếp bạn.
Làm bao lâu là đủ lâu?
Những lập luận ở trên cốt lõi mình muốn chia sẻ rằng, bất kì ai có năng lực và sự nghiêm túc, không quá khó khăn để họ được quyền lựa chọn cho mình những cơ hội và môi trường làm việc phù hợp nhất. Nhưng, có một luận điểm mới trong những lập luận ở trên: nếu bạn là người thật sự có năng lực, bạn sẽ có khả năng điều khiển môi trường làm việc chưa thật sự phù hợp trở nên phù hợp hơn đối với bạn. Nếu bạn chưa có được cơ hội mình mong muốn, hãy thử chủ động từng bước tạo ra cơ hội cho chính mình tại ngay nơi mình đang gắn bó, thay vì phải tìm kiếm nơi đâu xa xôi. Hãy cho mình một khoảng thời gian thử thách đủ dài ít nhất 2 năm để phấn đấu hết mức có thể, để khai phá mọi cơ hội công việc mà mình chưa nhìn thấy, để đấu tranh cho lý tưởng mà mình mong muốn đạt được, để có được một vị trí, một chức danh mà mình ao ước... Mục đích là để bạn có được cảm giác thoải mái nhất, phát huy năng lực cao nhất và phát triển bản thân nhiều nhất.
Nên nhớ, bất kì một tổ chức nào cũng đều có những vấn đề riêng: không vấn đề này cũng vấn đề kia, không người này hách dịch cũng sẽ có người kia cau có, không có yêu sách A cũng có yêu sách B, v.v...Thật ra, tìm một môi trường làm việc tốt cũng không phải dễ, vì không ai có thể biết trước một môi trường làm việc gọi là tốt hay xấu khi chưa thật sự bắt đầu công việc ấy. Bạn không nên nghỉ việc khi chưa dám thử thách bản thân đủ hoặc nghỉ chỉ bởi cảm thấy những trải nghiệm và cống hiến như thế đã đủ, trừ khi bạn đang được offer một vị trí công việc mới hấp dẫn hơn, hoặc bạn không bận tâm về vấn đề tài chính. Dù bạn giỏi xuất sắc cỡ mấy cũng cần một khoảng thời gian để tìm một công việc mới, ít nhất mọi tiêu chuẩn phải ngang ngửa công việc cũ hoặc tốt hơn. Dù bạn có khó chịu và không hạnh phúc với môi trường công việc đang làm cỡ mấy cũng phải rèn cho mình một tinh thần thép, tự đặt bản thân vào vị trí của người đối diện, của những người có liên quan, hoặc của người gây ra cho bạn những cảm giác tiêu cực ấy để cảm thông cho người ta, từ đó tìm ra các giải pháp cho tình huống hiện tại của bạn. Tinh thần mà yếu đuối sợ áp lực quá thì dù có đến nơi đâu công tác, bạn cũng sẽ lại nhảy việc thêm nhiều lần nữa.
Và cuối cùng, mỗi khi bạn có ý định nghỉ việc, hãy thử tự hỏi bản thân: bao nhiêu được gọi là đủ? Sếp hiện tại của mình có năng lực không? Anh/cô ấy có đủ hiểu và nhìn nhận năng lực của bạn không? Có tạo điều kiện để bạn phát triển không? Đồng nghiệp hiện tại có thân thiện không? Giữa hồ sơ ứng viên kinh nghiệm làm việc ở một công ty 1 năm và hồ sơ ứng viên kinh nghiệm làm việc ở một công ty 3 năm, nếu là nhà tuyển dụng, bạn chọn ứng viên nào vào vòng phỏng vấn?
Đừng nghỉ việc vì tiền. Nghỉ việc để tìm việc lương cao hơn, bạn sẽ sớm thất vọng, vì chả có việc gì dễ mà lương cao cả. (GiaoGiao)
Đẹp nhất mà nói thì từ 3 năm trở đi, bạn có thể thoải mái cân nhắc môi trường làm việc mới rồi, căn bản 3 năm cũng gọi là đủ. Mình phải kết lại bằng câu này vì thừa nhận, chúng ta không nên cống hiến cả đời cho một công ty duy nhất, vì nó nhàm chán và cũ kỹ lắm!
Một bài viết của gianggina (deargiang.com)