[GG] Tình cờ mình đọc một status nói về đề tài nhân sự và cảm thấy muốn chia sẻ một chút quan điểm về vấn đề này.
Ngày đăng: 27-04-2018
1,531 lượt xem
Con người là một thực thể phức tạp bởi tính cách, trình độ, kinh nghiệm, trải nghiệm của mỗi người là mỗi khác nhau. Nếu bạn quan tâm đến chủ đề này, hãy dành một ngày rảnh rỗi, tự soi bản thân những gì bạn đã trải qua và những bài học bạn đã đúc kết. Để được như hôm nay bản thân bạn hẳn có nhiều vấp ngã. Bạn từng tranh đấu cãi nhau với người này người kia. Bạn từng quên một vài chi tiết và hoàn thành công việc không như ý. Bạn từng rất cảm xúc, cứng đầu, thiếu kinh nghiệm và hàng tỉ thứ khác. Bạn không hoàn hảo so với bạn ở thì tương lai và so với sự đánh giá của mọi người xung quanh. Nhưng liệu tất cả những điều đó có thực sự quan trọng?
Không ai có quyền đòi hỏi bạn một sự hoàn hảo
Vì không ai đủ hoàn hảo để đòi hỏi một người nào đó hoàn hảo. Mọi vật đều có tính tương đối và sự hoàn hảo có tính tương đối. Trong mắt một số người định nghĩa sự hoàn hảo khác so với số còn lại. Tựu chung, những người có cùng quan điểm về sự hoàn hảo nên ở chung với nhau thì mọi thứ người đó làm, người còn lại cũng sẽ thấy ưng ý. Đó là một tình huống hoàn hảo.
Rất nhiều khả năng chúng ta không thể tìm được những người cùng chung quan điểm vì nhiều lý do khác nhau. Cũng giống như trong tình yêu, một nửa theo ta suốt cuộc đời chỉ có một, những thứ na ná có rất nhiều. Khi đã là vợ chồng, là người lớn, việc bất đồng, gây tổn thương cho nhau đôi khi vẫn xảy ra. Đó đã là sự không hoàn hảo. Vậy tại sao một người sếp, một người chủ doanh nghiệp lại luôn đòi hỏi phải tìm được cho mình một nhân viên hoàn hảo, một nhân viên không mắc sai phạm, một nhân viên phải chú ý đến từng tiểu tiết như mình dù theo quan điểm của họ những tiểu tiết ấy là không quan trọng.
Thêm nữa, những gì xảy ra trong tương lai thường không thể tiên đoán trước dù có plan A, plan B, plan C. Hãy dành chỗ cho sự không lường trước này để giảm thiểu cảm xúc hụt hẫng và tức giận. Biết chấp nhận bản thân và tình huống có thể xảy ra không có nghĩa bạn yếu kém. Quan trọng hơn hết, bạn đã cố gắng hết mức, bạn đã lường trước và bạn chuẩn bị tâm lý cho những điều đó.
Bạn tự nguyện cho đi sự hoàn hảo của mình
Nếu may mắn, sếp sẽ gặp được một nhân viên biết tự nguyện cho đi sự hoàn hảo của mình. Họ làm vậy vì họ thật sự yêu quý công việc và yêu quý ông sếp / bà sếp ấy. Họ làm vậy vì họ cảm thấy được trân quý, thông cảm. Họ làm vậy vì cảm thấy bản thân chưa hoàn hảo và muốn được học hỏi. Họ làm vậy vì sếp khơi gợi được cho họ thứ mong muốn được ghi nhận công sức đóng góp cho công việc.
Làm sếp cần một chút năng khiếu. Nhiều sếp tự nghĩ là mình đã ghi nhận nhân viên này nhân viên kia, cho rằng mình đã cung cấp đủ mọi thứ cho nhân viên ấy làm việc nhưng vẫn thường xuyên tự hỏi tại sao thế hệ trẻ luôn có nhiều vấn đề? Trước khi hỏi người khác, có nên chăng tự hỏi chính mình: phương pháp quản trị mình đang áp dụng liệu có phù hợp? Mình có thật sự thấu hiểu năng lực và những khó khăn mà nhân viên mình đang trải qua? Nên chăng mình đã dùng sai từ ngữ, cách nhấn nhá trong giọng nói và sai hoàn cảnh truyền đạt thông điệp khi giao tiếp với nhân viên của mình. Hay mình có thật sự là người nhạy cảm và cầu toàn quá mức cần thiết? Căn bản hãy tự hỏi, mình thật sự muốn gì?
Đắc nhân tâm là gì mà sao người ta vẫn phải học cả đời?
Con người, bản thân là vật thể có cảm xúc: tức có khả năng cười, nói, giận, buồn, khóc và tổn thương. Quản trị con người tức là quản trị cảm xúc của họ, sao cho họ luôn ở trạng thái tích cực và tràn đầy năng lượng nhất. Những gì tác động đến cảm xúc tiêu cực nên tránh xa. Vì về lâu dài, thứ cảm xúc tiêu cực sẽ giết chết ý chí phấn đấu và cống hiến cho công việc mà bạn đang trả công bảo họ làm. Một khi cảm xúc lên đến đỉnh điểm, tiền bạc, danh lợi và địa vị sẽ chẳng còn ý nghĩa gì. Vì rốt cục, con người sinh ra là để mưu cầu hạnh phúc, không phải để làm nô lệ cho đồng tiền.
Chúng ta không ai giống ai, càng không thể bắt thế hệ trẻ phải giống như mình: mạnh mẽ như mình, thông minh và khôn khéo như mình. Không thể đòi hỏi một người không phải là mình có những kỹ năng và sự hiểu biết như mình. Ông chủ dùng tiền để thuê con người làm điều họ giỏi nhất phục vụ cho công ty, chứ không dùng tiền để bẻ cong một người nào đó thành một người mới. Nếu cảm thấy người chúng ta tuyển dụng không còn phù hợp với công việc hiện tại, không thể linh hoạt thay đổi cho phù hợp với định hướng phát triển công ty, hãy thuê người khác. Còn không, hãy điều chuyển công việc cho họ làm tốt nhất. Đừng phàn nàn, đừng chê trách, đừng đổ lỗi vì mọi quyết định bạn làm bạn phải lường trước kết quả. Làm sếp hẳn phải có nhiều phương án và chấp nhận mọi hậu quả cho từng quyết định của mình. Làm sếp phải có khả năng thu phục nhân viên.
Khả năng điều khiển cảm xúc của con người chưa bao giờ là một việc dễ dàng nên nếu bạn chưa thành công, đừng tỏ ra bất bình và đổ lỗi cho người khác.
[Một bài viết của GiangGina]