[GG] Cuộc sống có rất nhiều vấn đề xảy ra, có cái biết trước có cái không, có cái tốt có cái xấu, nhưng làm thế nào để mỗi chúng ta có thể tiếp nhận, cân bằng, tồn tại và phát triển?
Ngày đăng: 30-08-2016
6,143 lượt xem
Người ta nói đúng, bạn phải đạt được đến một ngưỡng nhất định về sự trưởng thành thì mới có thể thấu hiểu một số chân lý trong cuộc sống, tuy có vẻ đơn giản với người này nhưng lại khá phức tạp với người kia. Càng trưởng thành bao nhiêu, bạn càng nhận thấy tư duy của bạn được đơn giản hóa bấy nhiêu vì khi bạn nhìn nhận một vấn đề, bạn luôn quan tâm đến khía cạnh tích cực của vấn đề đó.
"Hãy giỏi đến mức không ai dám phớt lờ bạn".
Dạo gần đây tôi rất may mắn được gặp những con người tốt và đọc được những quyển sách hay nên tư duy của tôi rất khác so với trước đây. Dĩ nhiên có những điều thuộc về bản chất thì bạn không thể thay đổi được, nhưng tư duy và thái độ sống là điều bạn hoàn toàn có thể rèn luyện. Trên đời này không có cái gì là tuyệt đối, không có ai là biết tất cả, và cũng chẳng có thứ tình yêu nào vĩnh cửu, cũng vì thế chúng ta nên nhanh chóng gạt ra khỏi đầu những khái niệm kiểu như "tôi không thể sống thiếu bạn". Vì không có bạn hẳn tôi sẽ tìm ra được người khác thay thế bạn thôi. Chắc chắn tôi phải trả một cái giá nào đó, miễn tôi có thể chấp nhận được cái giá đó. Hiểu được thế, chúng ta sẽ trang bị tâm lý tự làm chủ bản thân. Có câu nói này khiến tôi rất tâm đắc: "Hãy giỏi đến mức không ai dám phớt lờ bạn" trích từ quyển "Kỹ năng đi trước đam mê" của tác giả Cal Newport (Dịch giả Uông Xuân Vy - Trần Đăng Khoa). Thật tình thì tôi chưa đọc quyển sách này nhưng câu trích ngoài bìa sách "Hãy giỏi đến mức không ai dám phớt lờ bạn" đã khiến tôi bỏ tiền mua nó.
Nếu được bạn hãy dành ra một chút thời gian để ngẫm về câu nói "Hãy giỏi đến mức không ai dám phớt lờ bạn".
Thật vậy, có lẽ một số người không tin, nhưng tôi không quan trọng hóa việc kí kết một hợp đồng lao động nhiều năm, ngắn hạn hay dài hạn, miễn thời gian đó nó đủ để tôi cho mọi người thấy khả năng của mình ở đâu, người tuyển dụng có thật sự khai thác được năng lực của tôi hay không, công việc tôi đang làm có phù hợp với tôi hay không, hay tôi có yêu thích công việc đó hay không... ? Có rất nhiều lý do để một người lao động quyết định gắn bó với một công ty hoặc công ty quyết định ký hợp đồng dài hạn với người lao động, nhưng trên hết vẫn phải xuất phát từ cốt rễ "đôi bên cùng có lợi." Có người suy nghĩ những cái lợi "dài hạn" nhưng cũng có người chỉ nghĩ được một "khoảng hẹp" trước mắt. Với tôi, nếu tự tin rằng mình thật sự giỏi đến mức công ty không thể phớt lờ thì việc ông chủ có muốn giữ mình hay không là điều không cần phải bàn cãi nữa.Tuy nhiên, để giỏi và thông minh đến nhường ấy, bạn cần phải tập cho mình thói quen suy nghĩ rộng ra, quan điểm trung lập với một cặp mắt bao quát, cũng nên biết khiêm tốn một chút để nhìn thấy những hạn chế của bản thân, dù người khác có khen bạn như thế nào thì bản thân bạn phải tự hiểu, bạn chưa phải là một cá thể hoàn hảo và bạn luôn cần những cơ hội để phát triển. Ở đời chẳng có là bao cơ hội tốt, nếu bạn không chuẩn bị sẵn tinh thần và thái độ, tôi e là bạn không biết được nó trôi qua lúc nào rồi đâu.
Cuộc đời ngắn lắm!
Hiểu thế nào về "Kiến Thức", "Kinh Nghiệm" và "Cơ Hội" của một người thành công?
Bạn hẳn đã từng nghe nói tới câu thành công của bạn có được 90% là do cần cù, chỉ 10% là do thông minh. Thông minh quan trọng chứ, nhưng cần cù quan trọng hơn. Cần cù bù thông minh mà. Cần cù thể hiện thái độ chịu khó học hỏi, chịu khó tiếp thu, chịu khó lắng nghe; cộng với thông minh, bạn sẽ chắt lọc điều gì đúng và hợp lý với bản thân, điều gì cần học hỏi, điều gì không nên làm, đâu là cơ hội, đâu là khiếm khuyết cần khắc phục; và thông minh cho bạn biết bạn cần phải nhẫn nại như thế nào để đạt được thành công.
Một người chưa có kinh nghiệm, chưa có kiến thức vẫn có thể có kinh nghiệm và kiến thức nếu người đó có đam mê về việc phải học và dung nạp thêm kinh nghiệm và kiến thức. Có lẽ thứ họ thiếu hoặc chưa có đó là cơ hội: điều kiện gia đình, môi trường xã hội, ... Vì vậy sẽ rất là phiến diện để quy kết một ai đó là kém cỏi, là không đủ năng lực, là không có tầm để thực hiện một công việc nào đó ... nếu bạn chưa cho họ đủ cơ hội.
Việc bạn cho phép một người có đam mê thực sự thực hiện công việc họ yêu thích và để chứng tỏ bản thân là rất cần thiết; biết đâu, bạn đang sở hữu một viên kim cương to, "thô", nhưng mà quý!
Đâu có thành công nào là dễ dàng!
Để thuyết phục những người xung quanh thương bạn, quý bạn, tôn trọng bạn, nể bạn ... để "không ai dám phớt lờ bạn" đâu có dễ! Có những viên kim cương thô may mắn được phát hiện và mài dũa sớm, nhưng cũng có nhiều viên không được may mắn đến thế. Suy cho cùng, con người có thời cả. Bạn sẽ được phát hiện vào một thời điểm thích hợp. Bạn sẽ "sáng" và sẽ "long lanh". Bạn cũng sẽ không phải gồng quá nhiều mà hương thơm vẫn tỏa ngát.
Con đường ngắn nhất dẫn tới thành công vẫn là "tự biết mình, biết người". Bạn là ai, thời gian sẽ trả lời.
Tất nhiên bạn phải cố gắng hoàn thiện bản thân theo thời gian. Chẳng ai cho bạn điều gì mà không kèm điều kiện. Nếu bạn muốn đạt được điều bạn ước, đừng nỗ lực ra giá hay trả giá, phương pháp đó giờ xưa rồi. Chỉ cần bạn phân tích được cho người bạn đang nói chuyện, tại sao họ phải thỏa mãn những điều bạn muốn. Tất cả những điều bạn thảo luận phải hợp lý và đủ thuyết phục. Tôi nói đơn giản, trước khi ra trận, bạn phải chuẩn bị áo giáp và lên các phương án hỗ trợ khi cần thiết.
Im lặng không phải luôn là vàng
Tôi rất ghét im lặng. Bạn muốn gì bạn phải nói ra. Một là người ta không hiểu bạn muốn gì, hai là cũng không có thời gian để quan tâm bạn muốn gì. Có những vị sếp tinh ý, bạn biết không cần bạn phải nói ra, sếp bạn cũng ghi nhận năng lực cũng như sự nỗ lực của bạn; nhưng có những vị sếp không được tâm lý như thế. Dù là sếp kiểu nào thì việc nói ra, trình bày ra hoặc kể ra dưới dạng văn bản là nên làm để bảo vệ chính bạn. Chúng ta không thể lường trước hết mọi sự cố trong cuộc sống và vì thế, đừng để nước đến chân mới đi giải thích vì điều đó sẽ tốn rất rất nhiều thời gian mà chưa chắc người nghe chịu tin tưởng hoàn toàn. Niềm tin là phải được xây dựng theo thời gian, chứ đùng một cái bảo ai đó tin bạn thì thật là khó. Vả lại, bạn phải hiểu, có những chân lý được hình thành đơn giản lắm, vì chúng hiện hữu trước mắt chúng ta mỗi ngày, từng chút một, không ai phản đối hay thắc mắc gì, và thế là thành chân lý thôi! Cái gì mà đã thành chân lý thì bẻ lại cho thẳng cũng khó lắm. Đối với họ cái đó thẳng quá rồi còn gì!.
Sếp bạn cũng chỉ là một nhân viên làm công ăn lương như bạn, chỉ có điều vị trí và trách nhiệm công việc giữa bạn và sếp khác nhau. Biết đâu tương lai bạn có một vị sếp mới. Quan trọng để tồn tại ở bất kì môi trường nào đó chính là: bạn hãy tự tin là chính bạn, bạn làm điều đúng, bạn không bè phái. Nếu sếp bạn là người cũng biết làm điều đúng giống bạn, hãy trân trọng.
Đừng để ai đó có được một cái cớ dù nhỏ nhất đả động đến mình! "Hãy giỏi đến mức không ai dám phớt lờ bạn"
GiangGina