Chia sẻ quan điểm về 1 CEO giỏi & Chương trình ”Chìa Khóa Thành Công”

[GG] Chẳng là qua facebook, tôi đọc được New Feed của một người anh, đàn anh từng học và tốt nghiệp chung trường đào tạo bậc cao học với tôi nhiều năm về trước.

Ngày đăng: 20-07-2015

3,389 lượt xem

Căn bản tôi là một người rất dễ "bị" thu hút bởi những chương trình, hoặc kiến thức liên quan tới Quản Trị Kinh Doanh hoặc Kỹ năng Hoạch định Giải quyết vấn đề trong một tổ chức. Chương trình "Chìa Khóa Thành Công" được phát sóng trên kênh VTV1 vào mỗi sáng Chủ Nhật hàng tuần là chương trình bạn nên đón xem nếu như bạn có cùng chung sở thích như tôi.

Tôi rất yêu quản trị, hứng thú với marketing nên khi xem một tập liên quan tới việc một CEO khi đứng trước quyết định nên thuê một nhân viên Marketing Manager là người Việt Nam hay người Singapore, tôi thật sự bị cuốn hút. Cũng như nhiều chủ đề khác mà chương trình này mang lại, tôi cảm thấy được học hỏi rất nhiều từ những kiến thức cố vấn về mặt chuyên môn của Tiến sĩ Lê Thẩm Dương. Tôi hoàn toàn bị thuyết phục bởi cách hùng biện của thầy Lê Thẩm Dương trong quá trình tư vấn cho các CEO tham gia chương trình. Cần nhấn mạnh rằng, người chơi trong chương trình này là các anh chị CEO hoặc Giám Đốc thật sự của các công ty ở ngoài đời.

Tất nhiên không phải anh chị nào leo lên được vị trí CEO hoặc Giám Đốc thì sức nặng trong lời nói của họ trên truyền hình khi giải quyết tình huống cũng khiến tôi nể phục. Nhiều trong số họ có tư duy lỗi thời, bảo thủ một cách cứng nhắc và khiến cho những người xem như tôi cảm thấy không thuyết phục, mặc dù tuổi đời, kinh nghiệm, cấp bậc của tôi có thể thua họ nhiều. Có thể vì phải lên truyền hình nên sức nóng và áp lực phải chứng tỏ mình là một người quyền lực ở vị trí mình đang có khiến họ có những suy nghĩ, giải pháp, cách xử lý tình huống "nông" hơn ngoài đời chăng? Nếu vậy thì tôi có thể thông cảm cho họ.

Quay về quan điểm của tôi về một vị trí CEO hay Director. Đây là những vị trí cấp cao đòi hỏi những con người có bản lĩnh. Văn hóa và sự thành công của công ty quyết định phần nhiều bởi người đứng đầu con thuyền. Nếu tư duy và nhận thức của người đứng đầu sai sẽ khiến cho con thuyền sẽ đi sai hướng, khiến những nhân viên giỏi thật sự sẽ không phục và bỏ đi nơi khác. Một trong những phương thức lãnh đạo lỗi thời mà tôi thường thấy ở các vị Giám Đốc và CEO thế hệ trước là tư duy cấp bậc và ra lệnh. Đây là phong cách lãnh đạo nói chung của các nước khu vực Châu Á, trong khi tư duy lãnh đạo ở các doanh nghiệp Châu Âu và Châu Mỹ sẽ theo hướng hợp tác và cởi mở trong khuôn khổ. Khi phải giải quyết bất kì tình huống khó khăn trong kinh doanh nào, như thầy Lê Thẩm Dương có tư vấn, chúng ta không nên khăng khăng bảo thủ một quan điểm từ đầu đến cuối. Tôi cũng đồng ý, mọi bài toán có nhiều cách giải. 

Nói sâu hơn vị trí Marketing Manager trong một công ty thì hồi trước mọi người định nghĩa về Marketing khác bây giờ. Phần nhiều họ chưa đánh giá cao tầm quan trọng và cần thiết của bộ phận Marketing trong sự phát triển và thành công của một doanh nghiệp. Mặc dù Giám Đốc Marketing không phải là xương sống như Giám Đốc Nhân Sự và Giám Đốc Tài Chính, nhưng chúng ta cần phải hiểu Giám Đốc Marketing chính là một "tướng tiên phong" - như theo cách nói của thầy Lê Thẩm Dương. Mà trách nhiệm của một vị tướng cũng giống như vị trí CEO vậy, cùng CEO lèo lái con thuyền tới thành công. Giám Đốc Marketing thời nay phải am hiểu tất cả các khâu trong quá trình sản xuất một sản phẩm/dịch vụ, hiểu được các kênh phân phối, các yếu tố môi trường và nội lực tác động để có được đúng chiến lược về giá cũng như các chương trình khuyến mại, PR, sự kiện ... những công cụ đòn bẩy giúp Giám Đốc Kinh Doanh đạt được chỉ tiêu doanh số. Điều này khá đúng với những kiến thức tôi được học trong chương trình Marketing ở bậc Thạc sĩ. 

Với câu hỏi nên thuê người Việt hay người nước ngoài (trong trường hợp cụ thể này là người Singapore), giả sử chúng ta không có vướng mắc về mặt ngân sách, và cả hai ứng viên đều có kiến thức và kĩ năng quản lý tương đồng, nhưng cái chúng ta cần là về mặt hội nhập, thì rõ ràng người Singapore chiếm ưu thế. Vì sao? vì anh ta có những mối liên hệ với thị trường mà chúng ta cần hội nhập, tư duy hội nhập của anh ta chắc chắn sẽ khác với tư duy non trẻ của người Việt. Người Việt chỉ có thế mạnh là am hiểu thị trường Việt. Nói đến đây có thể một số người sẽ ném đá vì tôi sính ngoại. Tuy nhiên, sự thật vẫn là sự thật. Con ếch ngồi đáy giếng luôn nghĩ rất hạn hẹp. Nếu như người Việt được đào tạo ở môi trường nước ngoài nhiều điều kiện văn minh hơn ở nước mình nhiều năm, được đi đây đi đó nhiều nơi, có thể tôi sẽ cân nhắc lại suy nghĩ của mình.

Một người thật sự giỏi sẽ không cần phải chứng minh quá nhiều năng lực cá nhân, mà tự thân sự giỏi của họ được toát ra bằng lời nói và nhận được nhiều sự nể trọng và ngưỡng mộ. Không phải ai cũng dễ dàng có được điều này nếu chính bản thân họ không biết mình vẫn còn nhỏ bé và nhiều thứ trên đời cần được khám phá. Giữ một sự tự tin nhất định là cần thiết để đạt được thành công, nhưng không nên biến thành sự tự tin thái quá để bảo vệ cái tôi và sự tự ái quá cao. Người thành công luôn biết lắng nghe, sau đó là hành động nhiều hơn là nói suông.

Biết mình, biết ta, khiêm nhường một chút, mọi sự tất thành công. Đây luôn là câu tâm niệm của tôi khi phải đối phó những tình huống nan giải trong cuộc sống và công việc. Để có được một sự tự tin nào đó, bản thân tôi không ngừng cố gắng nắm vững và trau dồi kiến thức từ lý thuyết đến thực tế trong lĩnh vực mà tôi phải thể hiện bản lĩnh cá nhân để có được sự thừa nhận và thăng tiến. Mọi kiến thức mù mờ dù là ở một khâu nào đó cũng dễ trở thành gót chân achilles của chính bạn. Khi bạn muốn chứng tỏ cho một ai về năng lực của bạn, đó không chỉ là lời nói, mà cần phải có những dữ liệu của hành động cụ thể khách quan chứng minh cho những điều bạn nói là xác đáng.

Những người thông minh thường hiểu lời nói thì gió bay, uy tín và dữ liệu là quan trọng hơn. Tuy nhiên, người thông minh và kinh nghiệm cũng hiểu được lời nói nào là có sức nặng của sự thuyết phục, vì bản thân họ đã từng vấp ngã và chinh chiến qua nhiều con đường. Con mắt nhìn sự việc từ những người có kinh nghiệm hoàn toàn khác với những người có ít kinh nghiệm hơn. Đặc biệt hơn nữa, quan điểm lãnh đạo của những người đã từng làm chủ khác hoàn toàn với quan điểm của những nhà lãnh đạo chỉ biết làm công ăn lương cả đời. Suy nghĩ đơn giản: giữa việc tiêu tiền của mình bao giờ cũng khác với cảm giác và tâm thế tiêu tiền của kẻ khác. Tuy nhiên điều này không đồng nghĩa với việc tôi sẽ kết luận, ai giỏi hơn ai. Mỗi người sẽ có một thế mạnh riêng. Mà thế mạnh sẽ chỉ được phát huy nếu được đặt đúng thời điểm và môi trường. Thế mạnh hoàn toàn có thể trở thành thế yếu nếu người ấy trở nên lạc hậu do không bắt kịp với xu thế hội nhập. Đây là điều đương nhiên. Luôn luôn có những người giỏi hơn bạn dù bạn đã đứng thứ nhất trong nhiều năm ở thế giới nhỏ bé của bạn. Chỉ là bạn chưa gặp được họ hay là họ chưa muốn được gặp bạn mà thôi.

Xem thêm Cách lập bảng kế hoạch Kinh Doanh và Marketing từ A-Z

GiangGina

Blogger:GiangGina

Thành lập vào một ngày tháng 6/2014, deargiang.com là nơi mình chia sẻ mọi cảm xúc, kiến thức và mối quan tâm về Digital - Management - Travel cũng như các vấn đề về cuộc sống khác. Các bài viết trên deargiang một phần do mình viết, một phần do mình sưu tầm. Các bài viết này có điểm chung là những kiến thức, những câu chuyện, những quan điểm và những chia sẻ về cuộc sống có giá trị lâu dài. Mình hi vọng các chia sẻ của mình nhận được sự đồng cảm. Mọi đóng góp nếu có vui lòng gởi về email: gianggina@yahoo.com

Thống kê lượt xem

Tổng truy cập 1,379,689

Đang online18