[GG] Là một newbie yêu thích nghề content, bạn cần có những kỹ năng gì, làm sao biết bản thân có khả năng theo đuổi nghề nghiệp đó hay không? Làm sao để xin được việc? Nên yêu cầu người thuê trả nhuận bút cho bài viết của bạn bao nhiêu?... Tất cả sẽ có trong bài viết này.
Ngày đăng: 11-01-2021
1,594 lượt xem
Dạo này mình rất có cảm hứng viết về Nghề Content, đặc biệt mỗi lần nghe một ai đó đặt câu hỏi liên quan tới nghề. Vì mình chuyên làm quản lý content nên mình sẽ ưu tiên chia sẻ "góc nhìn quản trị" của một người làm quản lý, thay vì đào sâu tính chuyên môn như: bài này không hay ở chỗ nào, nên viết lại như thế nào cho nó hay hơn. Hy vọng độc giả của mình khi đọc bài này sẽ hiểu thêm về Nghề Content trên phương diện tư duy, từ đó tự định hướng một phương pháp làm việc cho phù hợp. Mình sẽ thực hiện bài viết này dưới dạng trả lời các câu hỏi thường gặp ở các bạn trẻ mới vào nghề hoặc chuẩn bị bước vào nghề.
1. Khi tuyển dụng, điều kiện tiên quyết hay khả năng cá nhân nào để xác định người đó làm content ổn?
Điều kiện tiên quyết theo mình là chất lượng bài test. Tức mỗi khi mình tuyển dụng một bạn nào cho team content, mình sẽ gởi bạn ấy viết một bài test; và/hoặc yêu cầu bạn ấy gởi cho mình các bài đã từng viết trong quá khứ rồi mới làm bài test.
Bài test yêu thích của mình gần đây đó là mình sẽ đưa ứng viên một đoạn văn nước ngoài (tiếng Anh) và yêu cầu bạn ấy dịch lại. Thông qua cách dịch mình sẽ hiểu thêm được: khả năng tiếng Anh, cách hành văn, vốn từ tiếng Việt và tốc độ nộp bài. Sau đó mình sẽ so sánh bài dịch ấy với các ứng viên khác rồi chọn ra một bài dịch chất lượng nhất và nhanh nhất.
Người viết ổn là người:
- Dịch phải thoát ý nhưng cũng phải đúng nghĩa và không được dài dòng
- Cách chọn danh từ/ động từ/ tính từ trong đoạn văn yêu cầu dịch sẽ thể hiện vốn từ tiếng Việt của ứng viên
- Dịch đúng và hay còn thể hiện mức độ am hiểu về sản phẩm/ dịch vụ mục tiêu (thể hiện kỹ năng tìm hiểu, nghiên cứu về lĩnh vực trước khi viết)
[Bài viết hay hay dở phụ thuộc người viết có phù hợp với gu cảm nhận của người tuyển dụng hay không, thế nên yếu tố đúng và không sai lỗi chính tả (sự cẩn thận) sẽ được quan tâm hàng đầu]
- Tốc độ nộp bài nhanh chứng tỏ ứng viên thật sự cần công việc, nhanh nhẹn và trân trọng cơ hội. Có khả năng làm việc dưới áp lực cao.
Ngoài chuyên môn "cứng" ra thì các vấn đề "mềm" khác cũng quan trọng không kém:
- Lương/nhuận bút của ứng viên có khớp với ngân sách của công ty?
- Tính cách của ứng viên có hòa hợp với môi trường tập thể hiện hữu trong team Content hay không?
>>> Chuyên môn ổn mà mấy cái trên chưa ổn thì cũng khó đậu vòng tuyển dụng.
2. Động lực và khoảnh khắc nào khiến các anh chị em đã theo nghề xác định mình sẽ theo đuổi content kiếm sống?
Đối với bản thân mình, nghề Content chọn mình, mình không phải là người ban đầu chọn nghề. Mình không tốt nghiệp báo chí, không học Đại học Khoa Học Xã Hội & Nhân Văn, ra trường không xác định sẽ vào làm ở phòng Content, cũng chưa từng hiểu nghề Content là nghề gì cho đến một hôm, mình được nhận vào làm tại tòa soạn báo ELLE với vị trí Biên Tập Viên. Hành trang mình mang theo gồm có link blog deargiang.com, background thạc sĩ Marketing, đã học khóa SEO và trải qua một bài test vô cùng phức tạp. Bài test của mình không đơn thuần là viết mà là lập kế hoạch giả định (mình đã sử dụng powerpoint) để sản xuất ra một tờ báo. Cuối cùng thì như bạn bè mình cũng đã biết, mình có được vị trí mà mình nộp đơn, sau đó mình cũng đã phấn đấu trở thành Digital Web & Operation Manager. Tính chất thực tế công việc của mình là quản lý team Digital Content của tạp chí ELLE Việt Nam (bao gồm ELLE, ELLE Man, ELLE Decoration)
Với những thành tích đạt được trong nghề, nhìn thấy được lượng organic traffic tăng, số lượng tương tác các bài post facebook dẫn link từ website cũng vô cùng tốt, được sếp đề bạt, tăng lương,... đã khiến mình nhận ra, mình có thể tiếp tục theo đuổi con đường này để kiếm sống.
3. Là một newbie yêu thích nghề content, bạn cần có những kỹ năng gì để hành nghề?
Theo mình nếu chỉ yêu thích nghề content thôi chưa đủ, bạn cần phải có kỹ năng viết và kỹ năng thể hiện ý tưởng bằng câu chữ, hình ảnh nữa thì mới có thể hành nghề. Ngoài ra, nếu mình là người tuyển nhân viên cho team content, mình sẽ ưu tiên ứng viên có thêm kỹ năng tiếng Anh tốt (vì mình muốn nhân viên phải có khả năng nghiên cứu các nguồn thông tin và kiến thức từ các tài liệu tiếng nước ngoài).
Nhiệm vụ đầu tiên của ứng viên đó chính là tạo nội dung cho chính CV xin việc của mình. Bạn có giỏi cỡ nào mà bạn thể hiện trong CV không được tốt thì khả năng bạn qua vòng gởi xe cũng khó!
4. Làm sao biết bản thân có khả năng theo đuổi nghề Content hay không?
Muốn biết phải thử thôi bạn ạ.
Sau đó bạn sẽ nhận được các tín hiệu gởi về giúp bạn phân tích tiếp là mình có năng khiếu theo đuổi nghề này hay không, hoặc có duyên với nghề này hay không. Tín hiệu có thể là:
- Người thuê bạn viết phê bình, nhận xét bài viết của bạn như thế nào?
- Bạn có thiện ý cải thiện kỹ năng của bản thân sau khi lắng nghe?
- Người thuê có tiếp tục thuê bạn viết bài nữa không?
- Bạn có thấy thích thú khi ngày nào cũng phải viết bài hay không?
- Bạn nộp đơn xin việc vào các vị trí content có thuận lợi hay không?
- Mức thu nhập có phù hợp với kỳ vọng/tham vọng của bạn hay không?
5. Phương pháp viết một bài Article hoàn chỉnh?
Bạn vui lòng tham khảo bài viết Content Marketing - 7 bước để viết một bài article hoàn chỉnh này nhé.
6. Một bài viết chuẩn SEO, bao nhiêu là đúng giá?
Theo mình, chuẩn SEO chỉ là bonus thêm, giá của một bài viết nên được định theo nội dung của bài viết đó chứ không định ra dựa trên có chuẩn SEO hay không.
Khá nhiều bạn làm nghề content đồng quan điểm với mình rằng: chuẩn SEO mỗi đơn vị mỗi khác nên không nên sử dụng chuẩn SEO làm luận điểm để thương lượng giá.
Trong nhiều trường hợp team SEO inhouse sẽ làm điều đó, hoặc editor sẽ làm điều đó vì SEO thiên về kỹ thuật chứ không thiên về sáng tạo. Giá trị bài viết nên dựa vào khối lượng thông tin có trong bài viết, nội dung có chuyên sâu hay không? Mức độ khó thế nào? Cách hành văn có thu hút không? Angle bài viết đã đủ sáng tạo? Có sai nhiều lỗi chính tả hay không? ...
Việc bạn tự tin ra giá bao nhiêu cũng phụ thuộc một phần số năm kinh nghiệm bạn có (chỉ một phần vì có người nhiều năm kinh nghiệm cũng chưa hẳn viết tốt), đánh giá của mọi người xung quanh, số lỗi bị editor sửa và tự nhận định bản thân đã đầu tư chất xám đến đâu cho bài viết đó.
Thường một người giá cao cũng phụ thuộc danh tiếng của họ. Làm sao có danh tiếng thì người ấy phải xây dựng Porfolio cho bản thân qua năm tháng thì họ mới có cơ sở để mạnh miệng ra giá/trả giá. Ví dụ họ là chuyên gia lĩnh vực nào đó, có bằng thạc sĩ lĩnh vực đó, đã từng giữ chức vụ a trong công ty rất nổi tiếng b thuộc phòng c và từng có bài d đăng báo f v.v...
Về barem nhuận bút bạn thử tham khảo thêm bài viết này: NGHỀ CONTENT: Nhuận bút bao nhiêu? Có KPI doanh thu không? Số lượng bài viết mỗi ngày? BẠN CẦN BIẾT
7. Cách xây dựng một Porfolio đẹp
Nghề Content là nghề yêu cầu kỹ năng viết và thể hiện nội dung. Nếu bạn thật sự yêu thích và nghiêm túc với nghề, bạn có thể bằng nhiều cách xây dựng một Porfolio đẹp cho riêng mình:
- Xin làm internship cho các team content
- Viết blog
- Xây dựng một trang mạng xã hội nhiều tương tác
- Học thêm các kỹ năng bổ trợ cho nghề content: SEO, PTS, Edit Video...
- Tham gia cộng tác viết báo...
- Kiến thức/kỹ năng liên quan tới nghề viết: PR, Marketing, Dịch thuật, Digital Performance...
Bạn nào muốn tìm hiểu thêm về Content Marketing có thể tham khảo đọc thêm bài "Những điều có thể bạn chưa hiểu rõ về nghề Content, PR & Biên dịch" mình đã viết từ hồi đầu năm nay 2020 nhé.
Nếu bạn nào có thêm câu hỏi cho mình, hãy đặt ở bên dưới phần bình luận của bài viết này nhé, mình sẽ thu xếp trả lời các thắc mắc của bạn.
Một bài viết của GiangGina (deargiang.com)