NGHỀ CONTENT: Nhuận bút bao nhiêu? Có KPI doanh thu không? Số lượng bài viết mỗi ngày? BẠN CẦN BIẾT

[GG] Mình mới gia nhập group “Tâm Sự Con Sen” trên Facebook và đã cảm thấy khá là thú vị. Có rất nhiều thông tin về nghề Content trong group này. Cũng có rất nhiều băn khoăn các bạn trong nghề tự đặt ra với nhau.

Ngày đăng: 19-12-2020

2,480 lượt xem

Đôi nét về bản thân mình: Mình sinh năm 1983, tốt nghiệp khoa QTKD thuộc trường ĐH Kinh Tế TP.HCM năm 2005. Tới năm 2010 mình lấy thêm bằng Thạc sĩ chuyên ngành Quản Trị Marketing Đại học Heriot - Watt University. Với kinh nghiệm nhiều năm liền giữ chức vụ quản lý - Digital Content Manager của nhiều thương hiệu có tiếng như ELLE Vietnam, ELLE Man, California Fitness & Yoga, California Centuryon, Yoga Plus, UFC Gym, Calikid Academy & Eri International, Abbott, LEEP.APP, Vua Nệm & TopClass, việc xây dựng team, tuyển nhân sự, tìm và hợp tác với các CTV hay Intern là những công việc bắt buộc và thường xuyên của mình. Sở dĩ mình phải giới thiệu đôi nét về bản thân để bạn đọc có thể hiểu hơn, những gì mình sắp viết ra dưới đây xuất phát từ những kinh nghiệm thực tế của mình chứ mình không nói lý thuyết suông. Khi thấy các bạn trẻ trong nghề vẫn còn đang loay hoay với công việc này, mình rất muốn được đóng góp một điều gì đó.      

Trong khuôn khổ của bài viết này, mình muốn được chia sẻ các kiến thức và trải nghiệm thực tế của mình thông qua việc trả lời 3 câu hỏi lớn dưới đây mà mình nhận thấy có rất nhiều bạn làm trong nghề này quan tâm.

 

1. Nhuận bút một bài viết nên trả cho người viết nội dung là bao nhiêu tiền?

 

Từ ngày đầu tiên mình làm quản lý nội dung cho một tổ chức, và ở tổ chức đầu tiên mình đã trả nhuận bút cho các bạn CTV tối thiểu 300K/bài. Đối với các bài phức tạp và đòi hỏi tính chuyên sâu hơn, mình đã trả họ 500K/bài.

Thật sự thì đồng nghiệp của mình trả cho CTV của họ còn dữ dội hơn. 1 triệu, 3 triệu, 5 triệu! 

Sau đó mình chuyển công tác sang một tổ chức khác có ngân sách eo hẹp hơn nhưng mức trả thấp nhất cũng từ 120K/bài. 

Choáng nhất phải kể tới thời gian mình làm cho Abbott, CTV là các bác sĩ viết các đề tài về sức khỏe, mức nhuận bút có thể lên tới 10 triệu đồng. Tất nhiên người viết phải có học hàm học vị rất cao.

Các bạn có nghĩ là các mức giá tiền triệu thì bài viết sẽ dài ư? Không. Mỗi bài viết cũng chỉ có độ dài từ 1 tới 2 trang A4.

Doanh nghiệp của mình theo đúng nghĩa là bỏ tiền ra để mua chất xám và kinh nghiệm của những người này.

Câu hỏi đặt ra là, với những bài trả nhuận bút khủng như vậy thì chắc chắn bài viết sẽ rất chuẩn?

Rất tiếc, câu trả lời không như bạn suy đoán. Những bài viết ấy vẫn phải qua biên tập, hiệu đính, chỉnh sửa như thường. 

Một bác sĩ cũng có thể viết sai về chuyên môn của họ, huống hồ gì hiện tại mình thấy rất nhiều công ty thuê các em sinh viên, các bạn trẻ mới ra trường để viết những đề tài khoa học giá vô cùng bèo bọt. 

Đó là mức mình đã trả cho các bạn CTV. Còn với Intern, thường ngân sách công ty giao động từ 2 triệu - 3 triệu / tháng, số lượng thỏa thuận (Mình sẽ đề cập số lượng cụ thể trong câu trả lời của câu hỏi bên dưới)

Khi quyết định trả bao nhiêu cho ai, mình đều thương lượng và đánh giá năng lực kỹ càng của bạn ứng viên đó thông qua việc giao bài test. Chỉ những bài đạt yêu cầu mình mới tiến hành hợp tác. Tuy nhiên mình cũng luôn luôn lưu ý và ghi nhớ trong đầu là "Tiền nào của đó". Với những mức giá tiền khác nhau, mình sẽ nhận được chất lượng các bài viết khác nhau. Giá tiền càng thấp, mình chỉnh sửa bài càng nhiều và không được phép than thở vì hiểu rằng đó là ngân sách của công ty.

Tất nhiên là mình chấp nhận mất thời gian một chút để tuyển kỹ, và chẳng bao giờ muốn tuyển những bạn yếu kỹ năng viết nếu muốn việc biên tập được nhẹ nhàng. 

Gần đây nhất khi sếp mình yêu cầu lên kế hoạch ngân sách cho team Content, mình không đưa ra một con số cụ thể mà thay vào đó, mình đưa ra một vài sự lựa chọn là các mức nhuận bút/ chi phí khác nhau (kèm với thông tin mặt lợi mặt hại) cho sếp mình có cơ sở phân tích và đưa ra quyết định. 

Mình thừa biết trên thị trường có rất nhiều mức giá bèo bọt như 30K, 50K hay 80K nhưng một khi có quyền đề xuất và hoạch định chiến lược cho phòng ban của mình, mình thề là không bao giờ đưa ra những con số đó. Nếu sếp có đề cập những con số đó mình cũng sẽ tìm nhiều cách lập luận, phản bác. Không chỉ là ngân sách, chi phí, cả việc nếu sếp giao hẹn deadline không hợp lý mình cũng (đã, đang và sẽ) lên tiếng.

Bản thân mình cũng là một người viết và là một biên tập viên, mình hiểu rõ để được đọc một bài viết ít lỗi, hay ho, nhiều thông tin giá trị, người viết phải đầu tư thời gian tìm tòi và sáng tạo như thế nào. Chưa kể lượng kiến thức họ bỏ vào đó cầu kỳ ra sao. Như mình đang viết bài viết này chẳng hạn. Để viết một bài viết thật sự có chất lượng, mình sẽ không bao giờ chấp nhận bán đứa con tinh thần với một giá quá rẻ được. Ngược lại, mình cũng sẽ không muốn sản xuất ra những bài viết kém chất lượng, vay mượn hay qua loa cho có chỉ để đổi lấy vài đồng bạc lẻ. 

Thường những người chấp nhận mức nhuận bút giá rẻ là những bạn sinh viên, hoặc mới ra trường, hoặc người trẻ bởi họ cần kinh nghiệm hơn thu nhập. Vì họ trẻ nên những trải nghiệm và kiến thức của họ chưa đủ nhiều và chưa đủ sâu. Các bạn trẻ có thể rành những sản phẩm liên quan tới giới trẻ như thời trang, mỹ phẩm, showbiz nhưng các sản phẩm khoa học hơn như sức khỏe, tài chính, giáo dục, kỹ thuật, ... người tuyển dụng nếu có tuyển các bạn cũng phải lưu ý tuyển dụng và kèm cặp kỹ lưỡng.

Bản thân mình luôn cho các bạn trẻ các cơ hội. Tuy nhiên với những chủ đề khó, mình kèm các bạn rất kỹ, thậm chí soạn sẵn các nguồn để các bạn đọc và dịch ra. Mình cũng phải kiên nhẫn với thời gian bản thân để chỉnh lỗi dịch sai của các bạn. Làm Content Manager là phải quản lý chất lượng nội dung đầu ra. Nếu đầu vào không kỹ vì bất kỳ lý do gì bao gồm cả lý do ngân sách thì bản thân phải gánh.

Nói chung phải đánh đổi nhiều thứ nếu ngân sách công ty eo hẹp.

 

2. Số lượng bài viết mỗi ngày của team content nên là bao nhiêu?

 

Đây là một câu hỏi mình thấy khá nhiều bạn quan tâm và bản thân mình cũng đã từng phải đấu tranh và bảo vệ cho team của mình khi sếp có những yêu cầu quá sức. 

Đối với mình, lý tưởng nhất cho một người làm công ăn lương và tiện cả cho sếp là một ngày 2 bài. Buổi sáng viết một bài, buổi chiều viết một bài.

[Còn riêng cá nhân mình không bắt buộc viết kiếm cơm trả bài cho ai thì mỗi ngày mình chỉ viết một bài thôi. Mỗi ngày một bài đối với mình đã là giỏi, vì mình có rất nhiều công việc kiếm ra tiền khác khiến mình bận tâm hơn. Thỉnh thoảng mình cũng viết dạo hoặc biên tập dạo nhưng hạn nộp thường là một tuần và tiền nhuận bút của mình thường là 7 con số mình mới nhận làm]

Như đã chia sẻ ở trên, hiện tại mặc dù đang ở vị trí cấp quản lý nhưng bản thân mình cũng là một người viết. Khi viết mình biết là phải cần những yếu tố gì để bài viết được hấp dẫn và có chiều sâu. 

Người viết phải động não, nghiên cứu, tìm đọc nhiều tư liệu, hiểu vấn đề, sau đó suy nghĩ hướng đi cho bài viết, lập dàn ý, v.v... (Bạn có thể đọc thêm "7 bước để viết một bài article hoàn chỉnh" tại đây. Bài này mình mới viết tháng trước)

Ngoài ra, mỗi khi hoàn tất một bài viết, não bộ của người viết cần có thời gian nghỉ ngơi.

Mỗi khi mình viết xong một bài là não mình tắt luôn, không muốn suy nghĩ thêm chủ đề mới. Mình chỉ muốn tận hưởng bài viết, đọc đi đọc lại xem có thể bổ sung, chỉnh sửa và khiến nó hay hơn được nữa không. Chỉ như vậy là hết thời gian rồi.

Vì vậy mình nghĩ với những công ty yêu cầu một ngày viết 7 - 8 bài/ngày chắc bạn đó chỉ có một cách duy nhất là đi copy và xào nấu lại hời hợt để nộp bài cho kịp, không thể nào sáng tạo và hiệu quả về mặt chất lượng.

Số lượng không bao giờ có thể đi đôi được với chất lượng, bạn có tin điều đó hay không? 

Nếu chưa thì ngay bây giờ, mình xin bạn hãy cố gắng tin điều đó.

 

3. Có nên áp KPI về doanh thu cho nhân viên content không?

 

Trong tất cả các tổ chức mình đã đi làm thì không nơi nào áp KPI về doanh thu cho nhân viên team Content.

Có lần một người em của mình nhắn tin hỏi mình "Chị ơi khi chị nhận làm manager cho content thường KPI công ty đưa ra là gì vậy chị? Mình trả lời là: "Sẽ là các chỉ số về traffic. Đặc biệt là organic traffic ngoài việc số lượng bài vở phải lên mỗi ngày". Em ấy lại hỏi tiếp: "Dạ, có chỗ kia yêu cầu về doanh thu nữa, mà em nghĩ cái này content đâu quyết định nhiều chị ha". Mình lại tiếp tục trả lời em rằng: "Em không nên nhận công việc content liên quan tới doanh thu".

Thông thường tất cả các KPI của team mình do chính mình đề xuất. Đối với mình, việc thiết lập KPI vô lý thể hiện trình độ của một người sếp kém cỏi. 

Mình đã trả lời câu hỏi "Có nên áp KPI về doanh thu cho nhân viên content không?" cho một bạn trong group "Tâm Sự Con Sen" như thế này:

"Team performance marketing có content chạy ads áp doanh thu được, nhưng content chạy ads nó khác với những thể loại content khác của team content. Người làm content chạy ads thuộc team performance marketing không thuộc team content nhé bạn. Phải xác định rõ cấu trúc các team để có KPI phù hợp. Content chạy ads phụ thuộc rất nhiều vào việc test các loại ads post khác nhau mà chỉ có team performance marketing mới có thể linh động thay đổi cho kịp thời được. Còn team content thông thường quản trị blog, thông tin sản phẩm hay PR, social thì chỉ KPI traffic và các chỉ số tương tác thôi vì nhiệm vụ của họ là nuôi dưỡng khách hàng tiềm năng và chăm sóc khách hàng trung thành. Bạn xem lại kiến thức về phễu trong Marketing nhé."

Thật ra để nói về phễu Marketing và thế giới Digital Marketing thì nó rộng lớn lắm, nếu bạn nào hứng thú muốn tìm hiểu, bạn có thể đọc thêm những bài viết về Digital Marketing mà mình đã viết dưới đây:

>>>>  Những kiến thức tổng quát về Digital Marketing 

>>>> Phễu trong Digital Marketing - Những điều có thể bạn hiểu chưa rõ! 

Mình có một số nguyên tắc nhất định. Mình tin là bạn nào cũng có những nguyên tắc riêng cho mình. Đối với mình, nếu vi phạm vào những nguyên tắc nghề nghiệp ấy, hoặc sếp không xứng đáng vì quá vô lý hay thiếu năng lực quản lý, mình sẽ xin nghỉ việc để tìm một nơi chốn và cơ hội mới khiến bản thân cảm thấy hạnh phúc và được trân trọng hơn. 

Mình tính viết thêm về "Các khái niệm căn bản, bao gồm một số thuật ngữ thường sử dụng trong nghề content", "Mối liên hệ giữa Content Manager & SEO Manager" và "Kinh nghiệm nộp đơn xin việc cho các Newbie" nhưng có lẽ mình sẽ tách ra viết trong các bài sau cho chuyên sâu. Hy vọng bài viết này của mình một phần nào hữu ích, dành cho các bạn đang và sẽ theo đuổi nghề Content có một góc nhìn khác màu sắc hơn. 

Bạn nào muốn tìm hiểu thêm về Content Marketing có thể tham khảo đọc thêm bài "Những điều có thể bạn chưa hiểu rõ về nghề Content, PR & Biên dịch" mình đã viết từ hồi đầu năm nay nhé.

Một bài viết của GiangGina (deargiang.com)

Blogger:GiangGina

Thành lập vào một ngày tháng 6/2014, deargiang.com là nơi mình chia sẻ mọi cảm xúc, kiến thức và mối quan tâm về Digital - Management - Travel cũng như các vấn đề về cuộc sống khác. Các bài viết trên deargiang một phần do mình viết, một phần do mình sưu tầm. Các bài viết này có điểm chung là những kiến thức, những câu chuyện, những quan điểm và những chia sẻ về cuộc sống có giá trị lâu dài. Mình hi vọng các chia sẻ của mình nhận được sự đồng cảm. Mọi đóng góp nếu có vui lòng gởi về email: gianggina@yahoo.com

Thống kê lượt xem

Tổng truy cập 1,369,846

Đang online3