[GG] Bài viết này dành cho những ai muốn tìm hiểu về nghề viết trong tương lai, hy vọng các bạn có được cho mình những kiến thức hữu ích.
Ngày đăng: 24-11-2020
2,052 lượt xem
Chuẩn bị hết năm tới nơi rồi mà blog mình thật mốc meo do mấy tháng nay bận quá không ra bài viết mới. Vì thế hôm nay mình ngẫu hứng viết một bài chủ đề về Content Marketing, cũng chính là ngành nghề mà mình đang theo đuổi. Sau bài này có lẽ mình sẽ viết 1 bài liên quan tới giá thị trường tiền nhuận bút của một bài viết để các bạn nào mong muốn theo nghề sẽ hình dung ra được thu nhập của mình sẽ như thế nào trong tương lai. Bạn nào muốn tìm hiểu thêm về Content Marketing có thể tham khảo đọc thêm bài "Những điều có thể bạn chưa hiểu rõ về nghề Content, PR & Biên dịch" mình đã viết từ hồi đầu năm nay nhé.
Không biết các bạn có để ý không chứ mình thấy nghề làm content được khá nhiều các tổ chức và doanh nghiệp quan tâm. Nghề này không những đòi hỏi sự sáng tạo mà tư duy logic cũng phải cao. Theo kinh nghiệm làm quản lý nội dung số của mình trong những năm qua thì mình có đúc kết được các bước để viết một bài article hoàn chỉnh như sau:
Bước 1: HIỂU YÊU CẦU ĐƯỢC GIAO
Đây là bước vô cùng quan trọng. Khi nhận một nhiệm vụ, bạn phải hiểu rõ yêu cầu dành cho mình là gì, bao gồm:
- Chủ đề bài viết (Viết về đề tài gì?)
- Mục đích bài viết (Bài viết để xây dựng thương hiệu? Hay để bán hàng? Hay để cung cấp kiến thức cho người dùng?)
- Đối tượng độc giả (Bài PR đi báo hay bài trong mục blog của công ty? Bài dành cho báo in hay dành cho báo mạng? Bài dành cho độc giả là chủ doanh nghiệp đọc hay cho khách hàng là người dùng cuối? Bài chỉ để phục vụ làm content SEO?)
- Độ dài của bài viết (300 chữ? 1000 chữ hay 2000 chữ?)
- Format bài viết (Dạng phỏng vấn? Hay tự sự? Hay đưa tin? ...)
- Những ý chính nào bắt buộc phải nhắc đến trong bài? (Có xuất hiện slogan không? Có đề cập các giá trị cốt lõi không? Có đề cập chương trình khuyến mãi không?....)
- Deadline thời gian phải hoàn thành (Phải xong trong ngày? 1 tuần cũng được?). Tùy độ phức tạp của bài viết, mức độ gấp gáp & quan trọng phải hoàn thành và số lượng công việc hiện tại, người viết có thể trao đổi, thỏa thuận thêm về deadline này.
Bước 2: NGHIÊN CỨU
Không một ai có sẵn thông tin trong đầu mà bỏ qua bước nghiên cứu thông tin. Trước khi bắt tay vào viết bất cứ một điều gì, mình thường tìm đọc rất nhiều thông tin về lĩnh vực đó. Nguồn dữ liệu có thể vô chừng, vì thế người viết cần tỉnh táo, chỉ lựa chọn đọc những nguồn thông tin uy tín, đó có thể là tư liệu ngành hàng, phỏng vấn nhân vật, ...
Bước 3: CHỌN ANGLE CHO BÀI VIẾT
Cùng một nội dung có thể được khai thác theo những khía cạnh khác nhau. Cần xác định khía cạnh nào để tập trung khai thác nội dung một cách hiệu quả, sáng tạo nhất.
Bước 4: LẬP DÀN Ý
Mục đích lập dàn ý là để chúng ta không bị lan man, sót ý khi triển khai bài viết. Lập dàn ý đặc biệt giúp rất nhiều cho mình, giúp mình biết nên bắt đầu từ đâu, như thế nào. Lập dàn ý cũng sẽ giúp cho cấu trúc bài viết được rõ ràng, đâu là ý chính, đâu là ý phụ.
Bước 5: VIẾT
Trong bước này mình có thể viết chuẩn theo từ khóa SEO luôn. Khi viết chúng ta cũng không nên dùng nhiều câu ghép quá dài. Nên xúc tich, ngắn gọn, sử dụng linh hoạt các dấu chấm câu. Khi cần thiết hãy xuống dòng, tách biệt thành những đoạn văn khác nhau, giúp người đọc có những khoảng nghỉ cho mắt nhất định.
Bước 6: CHÈN HÌNH ẢNH, TƯ LIỆU MINH HỌA
Mình thường có thói quen viết một lèo, sau đó mới quay lại thêm thắt, trình bày, chèn hình ảnh, chèn link, bổ sung các phần cần in đậm, in nghiêng, tô màu để bài viết được sinh động và chuyên nghiệp hơn.
Bước 7: BIÊN TẬP
Nếu có thể, nên nhờ người khác edit lại nội dung hoặc bản thân phải tự xem lại bài viết của mình. Trong quá trình viết dù người viết có cứng tay đến mấy cũng không thể tránh khỏi những sai sót không đáng có.
Ngoài 7 bước cơ bản trên, các bạn có muốn bổ sung gì không?
---
Xem thêm:
Nghệ thuật của ”NHỮNG CÂU HỎI”
Một bài viết của GiangGina (deargiang.com)