[GG] Có lẽ các bạn nào làm nghề liên quan tới online marketing chắc hẳn có nhiều điều để chia sẻ. Kết quả phỏng vấn sẽ phụ thuộc vào người phỏng vấn bạn. Bạn có giỏi hay am hiểu cỡ nào nhưng không hợp gu với người phỏng vấn bạn thì vẫn bị rớt như thường. Chỉ cần mọi thứ đừng trở nên quá phức tạp.
Ngày đăng: 12-02-2015
2,546 lượt xem
Marketing – một lĩnh vực khá tổng quát và hội tụ nhiều yếu tố để làm nên một thương hiệu. Chính vì thế nhân viên cho bộ phận marketing cũng rất đa dạng: nhân viên chiến lược marketing, nhân viên sáng tạo, nhân viên PR, nhân viên tổ chức sự kiện, copywriter… Mỗi vị trí đều cần những ứng viên có tố chất riêng thích hợp. Đôi khi các nhà tuyển dụng cũng rất mơ hồ khi mong muốn tìm kiếm một nhân sự marketing, họ chỉ cần biết phải bổ sung lực lượng marketing hòng tìm ra hướng đi cho sản phẩm hoặc thương hiệu. Sự mơ hồ đó đã làm không ít nhà tuyển dụng cũng như người tìm việc mất nhiều thời gian để tìm thấy được điểm chung. Như vậy, vấn đề đặt ra ở đây là nhà tuyển dụng phải biết mình cần những gì và các ứng viên phải biết mình có thể làm gì.
Như đã nêu ở trên, bộ phận marketing có nhiều vị trí khác nhau. Giang xin đưa ra một số yêu cầu cơ bản cho mỗi công việc marketing riêng biệt để bạn đọc tham khảo.
- Nhân viên chiến lược marketing (strategy): khả năng phân tích, suy luận logic, khả năng phán đoán, sự sáng tạo…
- Nhân viên PR: khả năng giao tiếp, sự nhạy cảm, khả năng truyền đạt, khả năng thuyết phục…
- Nhân viên tổ chức sự kiện: năng động, nhanh nhạy, khả năng xử lý và giải quyết vấn đề tức thời, khả năng làm việc tập thể…
- Nhân viên sáng tạo (creative): có thể không cần bằng cấp, nhưng phải có cá tính, thậm chí hơi khác người.
- Giám đốc marketing: ngoài những kỹ năng tổng hợp cần thiết cho các vị trí marketing, giám đốc marketing còn phải là người có khả năng nhìn nhận vấn đề một cách tổng quát và đặc biệt phải có một khả năng tưởng chừng như không liên quan đến marketing – cân đối nguồn ngân sách hiện có với chiến lược marketing thực thi.
Theo Giám đốc marketing của hệ thống tuyển dụng VietnamWorks.com: “Phỏng vấn dưới dạng đặt ra các lựa chọn để ứng viên thể hiện cách tư duy là hình thức phổ biến để các nhà tuyển dụng tuyển lựa được ứng viên phù hợp, đặc biệt trong những ngành đòi hỏi nhiều tính sáng tạo, nhạy bén như marketing. Qua cuộc trò chuyện trực tiếp, nhà tuyển dụng sẽ linh hoạt hơn trong việc tìm hiểu cá tính và năng lực của ứng viên. Mặc dù các bài kiểm tra trắc nghiệm hoàn chỉnh cũng thể hiện được phần nào tính cách của ứng viên, nhưng với đặc thù của công việc marketing mà trong đó yếu tố sáng tạo và nhanh nhạy là ưu tiên hàng đầu thì chỉ có thể đánh giá được chính xác ứng viên qua các tình huống cụ thể ngay trong buổi phỏng vấn.”
Marketing truyền thống hay Marketing online đều có những điểm tương đồng.
---
Trong khuôn khổ bài viết này, Giang chỉ chia sẻ những kiến thức và cảm nhận của riêng Giang về một buổi phỏng vấn thực tế mà Giang đã trải qua.
Với ai thì Giang không biết nhưng với những ứng viên đã từng trải qua quá trình làm chủ một doanh nghiệp, dù thất bại hay thành công đều là những ứng viên có nhiều kiến thức thực tiễn. Việc kinh doanh thất bại của ứng viên trước đây không hoàn toàn chứng tỏ ứng viên đó không có khả năng. "Thất bại là mẹ thành công". Các bạn chắc đã từng đọc qua câu chuyện: 11 năm làm việc cho 18 công ty khác nhau? Chàng trai có nói một câu rằng:
- Tôi biết chắc những kinh nghiệm để thành công thường có những điểm tương đồng nhưng lý do để dẫn đến thất bại thì luôn luôn khác nhau. Thật sự rất khó biến kinh nghiệm thành công của người khác thành của cải của chính mình, nhưng chúng ta lại rất dễ phạm sai lầm của kẻ khác.
Khi kinh doanh thì ai cũng muốn mình thành công. Ngoài việc lên kế hoạch cụ thể chi tiết, vẫn chưa chắc việc đảm bảo tới thành công. Một người tại sao thành công, tại sao thất bại có nhiều lý do, thường phần nhiều ở bề chìm, chứ không phải bề nổi. Người ta cũng nói chớ nhìn mặt mà bắt hình dong.
Doanh nghiệp của mình, mình làm chủ, nhân viên mình thuê mướn thì cũng chỉ là nhân viên, và họ không chịu trách nhiệm với sự thành bại của mình. Nhân viên chỉ là những người trợ giúp, đề xuất và đồng vai sát cánh chứ không phải là người để quy trách nhiệm nếu có xảy ra thất bại. Quan trọng là người nhân viên có sự thấu hiểu và thông cảm trên con đường doanh nghiệp đi, đã là một tài sản đáng quý.
Vì sao Giang lại nói ra những điều trên khi tiêu đề bài viết là "Một buổi phỏng vấn vị trí Online Marketing" dường như không liên quan. Nhưng Giang thấy điều này cần thiết để các ứng viên trước khi bước vào buổi phỏng vấn nên tự tin thả lỏng người để là chính mình và chia sẻ những quan điểm và kiến thức mình biết. Và để cho các nhà tuyển dụng hiểu được là sự kì vọng của mình về ứng viên cũng không nên quá khắt khe. Tuyển một người có phẩm chất và tiềm năng tốt hơn rất nhiều so với việc tìm một chú ngựa cứng chạy nhanh nhưng cũng khó cầm cương.
"Nếu như bạn là một chú ngựa khó cầm cương, bạn cần phải có một người chủ giỏi biết cưỡi ngựa cứng. Không có một con ngựa nào mà không có một người chủ phù hợp"
Vậy là chúng ta đã có đủ sự tự tin để bước vào một cuộc phỏng vấn rồi. Hãy thả lỏng và là chính mình nhé.
Một số câu hỏi mà nhà tuyển dụng có thể hỏi bạn
1. Các đồng nghiệp mô tả thế nào về anh/chị?
2. Kinh nghiệm nào của anh/chị trong quá khứ phù hợp với vị trí mới này?
3. Anh/Chị thử cho tôi biết giữa 2 thương hiệu sau (chỉ vào facebook của 2 thương hiệu), thương hiệu nào hiệu quả marketing tốt hơn và vì sao?
4. Giả sử tôi có một sản phẩm tương tự như họ, và thương hiệu của tôi là một thương hiệu mới toanh, anh/chịcó kế hoạch online marketing như thế nào cho một thương hiệu mới toanh?
5. Anh/Chị vẫn còn suy nghĩ in the box lắm, chưa out of the box. Anh/Chị có cách nào khác hơn những gì mọi người đã làm?
6. Anh/Chị có biết lý do tại sao thương hiệu đó lại thành công / thất bại không?
7. Anh/Chị quên mất việc phải phân tích đối tượng khách hàng của sản phẩm này là ai rồi. Nhiệm vụ của Anh/Chị là phải tư vấn đối tượng khách hàng, phương thức và công cụ làm marketing, cũng như đề xuất budget cho BOD xem xét. ...
8. Hãy nói về các điểm mạnh và yếu của Anh/Chị?
9. Hãy nêu lên một chiến lược marketing mà Anh/Chị đã thực hiện?
10. Vì sao Anh/Chị rời bỏ công việc hiện tại?
11. Hãy kể lại một kinh nghiệm khi Anh/Chị phải giải quyết các vấn đề liên quan đến tinh thần của nhân viên.
12. Anh/Chị có câu hỏi nào không? (Thường được nêu ra khi kết thúc buổi phỏng vấn)
...
Còn nhiều câu hỏi và nhận xét khác nữa mà người tuyển dụng có thể hỏi bạn. Tùy vào kiến thức, kinh nghiệm và tính cách của bạn mà mỗi bạn sẽ có những câu trả lời khác nhau, tuy nhiên mình có một nhận xét chủ quan như thế này.
1. Tất cả mọi sự thảo luận đều là lý thuyết, và từ lý thuyết đến thực tế không thể lúc nào cũng đúng.
2. Thành công của người này không thể đem áp dụng cho người kia
3. Thành công hay không của một bản kế hoạch có nhiều yếu tố
4. Đồng ý là buổi phỏng vấn chỉ đơn thuần là hiểu thêm tính cách và kiến thức đối phương, nhưng cả hai bên cũng phải hiểu, một sự đề xuất ấn tượng, đúng và ít bị sửa sai nhất cần có sự đầu tư về thời gian và nghiên cứu, dù kiến thức marketing là chung và nhiều điểm giống nhau. Mỗi sản phẩm đều sẽ có những đối tượng khác nhau để hướng đến dù thực tế ai cũng có thể là khách hàng mua sản phẩm miễn họ có tiền. Có ai nghĩ rằng một công ty bán áo lạnh vẫn có thể bán được hàng trong mùa hè chứ không phải mùa đông?
5. Trước khi nhân viên đề xuất 1 bản kế hoạch nào đó, nhân viên theo đúng quy tắc quy trình phải hỏi sếp những câu hỏi sau, dù sếp có không biết hoặc chưa xác định được nhưng nhân viên vẫn phải hỏi, đó là:
- Sản phẩm và dịch vụ của anh là gì?
- Đối tượng khách hàng của anh là ai?
- Ngân sách dành cho marketing của anh là bao nhiêu?
- Các phương pháp marketing nào mà anh đã làm và muốn làm?
- Anh cho em thời gian nghiên cứu và em sẽ trình anh đề xuất trong vòng xxx ngày.
6. Với 1 buổi phỏng vấn từ 15-30 phút thì bạn không thể có được 1 đề xuất "vĩ đại". Bạn chỉ có thể vừa đủ để PR các kĩ năng và kiến thức cơ bản của bạn. Và điều đó không tránh khỏi sơ xuất. Một số nhà tuyển dụng khó tính còn xem kiến thức của bạn quá "nhàm chán".
Bạn đừng buồn, một buổi phỏng vấn thất bại không có nghĩa là tất cả đã chấm hết. Bạn vẫn còn nhiều cơ hội ở những lần sau với những người chủ hợp tính cách của bạn hơn. Điều quan trọng là bạn đã làm hết sức.
Khi bạn gắn bó với một nơi làm việc nào đó, bạn nên được là chính mình, làm công việc mà bạn yêu thích để bạn làm nó hăng say nhất có thể. Nếu bạn không là chính mình, bạn không thể hạnh phúc dù được làm công việc mình yêu thích.
Một số lý do mà nhà tuyển dụng từ chối bạn:
- Lương bạn này đòi cao quá, ... uhm nhưng vị trí đó lương đó cũng hợp lý, nhưng mà cô ấy/ anh ấy phải làm được những việc này cho mình. Mình có những kì vọng nhất định. Bạn ấy chưa đạt được điều mình mong muốn.
- Tính cách bạn này chắc không phù hợp với môi trường doanh nghiệp hiện nay của mình, và với các bạn nhân viên khác.
- Bạn này tính cách "khủng" quá, chắc mình không cầm cương được.
- Bạn này đao to búa lớn quá, không biết có làm được như bạn ấy nói hay chỉ bốc phét nhỉ. Mình chưa cảm thấy bạn ấy đủ năng lực thật sự.
- Mình vẫn còn ứng viên mới phù hợp hơn.
- Có lẽ các bạn có thể không tin được rằng, có một số ứng viên, rất được nhà tuyển dụng ưng ý, nhưng vì sợ bạn ấy bận bịu công việc riêng, nên có thể ảnh hưởng tới công việc ứng tuyển. Nhà tuyển dụng ấy đến nay vẫn chưa tìm được một ứng viên thật sự ưng ý.
Chúc các bạn thành công và được là chính mình
Một bài viết của deargiang
---
Mời bạn đọc thêm một số tình huống phỏng vấn mà Giang sưu tầm sau đây:
Với yêu cầu về tính sáng tạo, tư duy logic được đặt lên hàng đầu, buổi phỏng vấn nhân viên marketing thường được mở đường một cách ngẫu nhiên với những câu hỏi khá bâng quơ, chẳng hạn như: Bạn xem cái rèm cửa kia có hợp với căn phòng không? Cái cà vạt của tôi đã thích hợp với cái áo chưa? Bạn thấy bình hoa này như thế nào?… Tất cả đều rất bất ngờ để bắt đầu cho một cuộc nói chuyện suôn sẻ và cởi mở. Sẽ ít có không khí nặng nề khi phỏng vấn ứng viên marketing, vì hơn tất cả những vị trí khác, nhà tuyển dụng mong muốn ứng viên bộc lộ càng nhiều càng tốt và như thế họ sẽ dễ dàng khai thác được những tố chất cần có cho công việc sau này.
- Nếu được lựa chọn giữa một cái áo sơ mi hiệu Prada trị giá vài triệu đồng và một chiếc sơ mi Việt Tiến 150.000 đồng và không phải trả tiền, bạn sẽ chọn cái nào?
- Tôi sẽ chọn cái Việt Tiến.
- Bạn không thích hàng hiệu?
- Có chứ, nhưng nó không phù hợp với tôi, ít nhất là tại thời điểm này. Nếu có một chiếc áo hàng hiệu đắt tiền, tôi sẽ phải bỏ ra một số tiền lớn hơn thế để mua quần, giày và thắt lưng hàng hiệu cho đồng bộ. Nếu không, mọi người cũng sẽ nghĩ chiếc áo đó là hàng nhái. Với chiếc áo Việt Tiến, tôi có thể sử dụng cùng những chiếc quần và đôi giày tôi đang có.
Câu trả lời rất sắc sảo này đã ghi điểm quyết định, mang đến cho T.A vị trí Strategy Marketing Executive tại một công ty lớn kinh doanh hàng tiêu dùng của nước ngoài.
Một tình huống khác đặt ra cho Creative Director đã được H.H trả lời thuyết phục khiến ban giám đốc một công ty Anh quốc không hề ngần ngại giao việc cho cô ngay ngày hôm sau:
- Được biết, người Việt Nam nổi tiếng với tinh thần đoàn kết, bạn hãy đưa ra một hình ảnh biểu trưng cho tinh thần đó.- Thông thường, tinh thần đoàn kết của người Việt Nam được nhắc tới với hình ảnh khóm tre, bó đũa thể hiện số đông. Thế nhưng về phía tôi, đoàn kết không chỉ là co cụm lại với nhau mà đoàn kết là còn phải biết chia sẻ. Và hình tượng tôi chọn là bát nước mắm.
- Lý do nào khiến bạn nghĩ bát nước mắm là thể hiện sự đoàn kết?
- Trong bữa ăn ở phương Tây, mỗi người sẽ có một đĩa thức ăn với món ăn được sắp đặt sẵn khá riêng biệt. Còn ở các nước phương Đông như Trung Quốc và Việt Nam, trên bàn ăn thường có bát nước chấm chung và riêng ở Việt Nam, thứ nước chấm không thể thiếu trong bữa ăn là nước mắm. Bát nước mắm chung ấy đã thể hiện rõ sự gắn bó, đồng thời biết chia sẻ của người Việt Nam.
Và một dẫn chứng nữa, tình huống đặt ra cho vị trí PR, nhà tuyển dụng đưa ra câu hỏi khá bất ngờ: Nếu được làm một con vật hay một loài cây, bạn sẽ chọn gì? Yêu cầu chung và thiết yếu của nhân viên PR là khả năng giao tiếp và làm việc với cộng đồng. Với lựa chọn làm con kiến, H.N đã làm hội đồng phỏng vấn bất ngờ nhưng thật sự bị thuyết phục. Không phải là hổ hay sư tử – những con vật biểu trưng cho sự thống trị nhưng không phải là tố chất cần thiết của PR, mà là kiến, con vật tuy nhỏ nhưng luôn đi kèm với nó là cả một đàn – hình ảnh của một cộng đồng thường xuyên giao tiếp và làm việc cùng nhau.
Những câu trả lời nhạy bén và logic như trên luôn là điều mà các nhà tuyển dụng mong muốn và quyết định sự thành công của nhân viên marketing trong cuộc phỏng vấn.