Tổng hợp 12 TRÒ, THỦ ĐOẠN, CÂU CHUYỆN LỪA ĐẢO phổ biến qua Điện Thoại, Internet & Mạng Xã Hội

[GG] Mình nghĩ đây là nội dung cần thiết nên mình muốn tổng hợp lại để chia sẻ đến tất cả mọi người.

Ngày đăng: 02-09-2021

1,304 lượt xem

Những câu chuyện này một số mình từng gặp, một số khác người thân quen của mình gặp, và mình cũng sẽ tổng hợp thêm các thông tin rải rác khác trên các diễn đàn của các trang mạng & báo chí.

Tây dỏm Lừa Tình & Lừa Tiền

Trong tất cả các thể loại lừa đảo qua mạng Internet thì mình thấy đây là hình thức phổ biến nhất.

Có thể mỗi nạn nhân sẽ có những câu chuyện khác nhau nhưng chung quy chỉ là một kiểu lừa: Đó là ban đầu làm quen với bạn, sau đó giả vờ quan tâm, hỏi han, lấy lòng, tạo niềm tin, rồi bày tỏ tình cảm yêu đương, mong muốn được gặp gỡ và gắn bó dài lâu, và cuối cùng là muốn bạn chuyển khoản.

Thường nạn nhân là các bạn nữ, và người lừa chúng ta là những tên ranh mượn hình ảnh các chàng trai có sắc vóc và nghề nghiệp đáng mơ ước, nhiều tiền như Phi Công, Kỹ Sư Dầu Khí, hay làm việc trong quân đội... Những nghề này có chung một đặc điểm là thường phải làm việc với giờ giấc khó nắm bắt, hoặc làm việc ngoài khơi xa, nên việc liên lạc bằng video calls sẽ bị cấm.

Ngoài ra, họ còn tạo cho bản thân một sơ yếu lý lịch như: vợ mất, cha mẹ mất, hoặc có cha mẹ bạo hành nên đã từ mặt cha mẹ từ lâu, hoặc đang là một ông bố đơn thân. Những câu chuyện thương tâm như vậy nhằm đánh vào sự cảm thông và lòng nhân hậu của người "được chọn".

Những đối tượng chuyên đi lừa đảo này có mặt không chỉ trên các trang mạng hẹn họ, mà họ còn có thể chủ động bắt chuyện với mình qua các trang mạng khác như Instagram, Facebook, hay thậm chí LinkedIn.

>>> Lời Khuyên: Hãy cố gắng điều tra thân thế thật sự của những bức ảnh mà họ gởi đến, bao gồm ảnh đại diện. Có thể các bạn sẽ bắt gặp những bức ảnh này nhưng dưới tên gọi khác bởi những tên lừa đảo thường đi ăn cắp profile của một nhân vật nào đó để tạo nên một diện mạo hoàn hảo cho riêng mình. Một số có thể ma mãnh hơn khiến bạn không thể tìm thấy bất cứ hình ảnh nào đáng nghi, tuy nhiên nếu bạn tìm kỹ, ngay cả tên gọi cũng sẽ cho bạn một số thông tin nào đó hữu ích. 

Việc lần ra các đối tượng lừa đảo nêu trên không phải dễ thực hiện sau khi bạn đã bị lừa thành công. Bởi ngay sau khi các nạn nhân chuyển tiền, đối tượng liền rút ngay khỏi tài khoản và xóa luôn facebook, tắt điện thoại.

Nếu các bạn vẫn còn băn khoăn, hãy tiếp tục tham khảo những câu chuyện dưới đây:

 

CÂU CHUYỆN 1:

Sau khoảng hơn 1 tuần hoặc 10 ngày nói chuyện tìm hiểu, họ Muốn được tặng quà cho bạn, nhưng để nhận được món quà đó, bạn phải trả phí cho chuyển phát nhanh. Họ ranh mãnh tới mức tạo luôn một trang web phát chuyển nhanh, có ô cho bạn nhập số vận đơn để kiểm tra tình trạng món hàng, đang được chuyển tới đâu, v.v... trông có vẻ rất chuyên nghiệp.

>>> Lời Khuyên: Hãy cảnh giác kiểm tra tên công ty chuyển phát nhanh trên google, xem ngoài tên miền của công ty đó ra còn có các trang mạng hay diễn đàn nào khác có người dùng phản hồi dịch vụ hay không. Một công ty lớn, có tiếng tăm mà không có trang báo mạng nào nhắc tới, hay chẳng người dùng nào quan tâm tranh luận về dịch vụ của mình thì phần nhiều trang web này lập ra cho tiện việc lừa đảo mà thôi. 

Bạn cần lưu ý thêm, nếu là một công ty lớn của nước ngoài thì tài khoản yêu cầu mình chuyển phí dịch vụ không thể là một tài khoản cá nhân, càng không phải là một tài khoản đứng tên của một cá nhân người Việt Nam. 

 

CÂU CHUYỆN 2:

Cũng sau khoảng hơn 1 tuần hoặc 10 ngày nói chuyện, đối phương muốn bạn thật sự tin tưởng họ nên đã trao cho bạn tên truy cập và mật khẩu để truy cập vào một ngân hàng để nhờ bạn chuyển khoản hộ một món tiền từ tài khoản ngân hàng này (của họ) vào một tài khoản ngân hàng khác với lý do là chỗ họ đang làm việc không giao dịch được, bị trục trặc do đang ở ngoài đảo khơi nơi có nhiều cướp biển và tình hình an ninh không đảm bảo nên ngân hàng từ chối mọi giao dịch. 

Ban đầu có thể bạn sẽ rất bất ngờ vì tại sao, mình chỉ mới quen người ta chưa đầy 2 tuần mà người ta lại tin tưởng giao cho mình thông tin riêng tư như vậy. Đăng nhập vào tài khoản ngân hàng của người ta tức là biết hết trong tài khoản của người ta có bao nhiêu tiền rồi còn gì, biết luôn họ chi tiêu như thế nào, người ta không sợ mình là kẻ xấu sao?! Oh không như bạn nghĩ đâu. Chỉ riêng cái khái niệm cho người ta tên truy cập và mật khẩu ngân hàng là đã thấy đáng nghi rồi, vì trên đời này làm gì có ai hành xử như vậy.

Có thể bạn sẽ giúp vì dù sao cũng không phải tiền của mình, và mình cũng chưa bị mất một đồng xu nào, và khi chuyển thì phải nhập mã OTP 2 lớp lận, nhỡ đâu mình là người đặc biệt thật!

Tuy nhiên không lâu sau đó, tức chỉ một ngày thôi, bạn sẽ được họ nhờ chuyển tiếp lần 2. Tuy nhiên lần này bạn không chuyển được. Họ cũng giả vờ làm việc lại với ngân hàng, rồi phản hồi với bạn rằng ngân hàng thấy dấu hiệu chuyển khoản hai nơi khác biệt nên nghi ngờ và khóa luôn. Để mở khóa họ phải đến gặp ngân hàng trực tiếp rồi trình giấy tờ tuy thân mà họ thì đang ngoài khơi xa hoặc đang ở một nơi đâu đó không thể nào đến ngân hàng ngay được, mà số tiền cần phải giao dịch kia lại vô cùng gấp, không thể chờ được. Thế là họ năn nỉ bạn giúp bằng cách mượn tiền của bạn rồi họ sẽ trả lại sau. 

Tài khoản ma, Website ma

>>> Lời Khuyên: Có khùng điên mới chuyển dùm. Tiền trong túi bạn mà bảo chuyển cho một người chưa từng gặp mặt, chưa từng video calls, chưa từng gì cả mà nói chuyển là chuyển sao? Bạn sẽ sực nhớ kiểm tra lại tài khoản ngân hàng của đối phương cho mình, trong đó sẽ có một vài điểm đáng nghi. Ví dụ thời điểm các giao dịch, các loại giao dịch, thời điểm mở tài khoản, địa chỉ email dùng để đăng ký tài khoản, và cả tên miền của ngân hàng đó nữa, chỉ là một trang web vô hồn, không một tờ báo chính thống nào đưa tin, thậm chí không một diễn đàn nào trên mạng internet thảo luận về. Nếu là một ngân hàng có tiếng thì tin tức về nó phải có mặt ở nhiều trang mạng khác nhau mới hợp lý. Hãy so sánh với ngân hàng VCB nước Việt Nam mình, website họ đưa chắc chắn rất sơ sài và vô cùng "cho có"!

Cả hai câu chuyện 1 và 2 mình mới kể trên mình đều đã trải qua. 

 

CÂU CHUYỆN 3:

Chị X., 38 tuổi, nhân viên văn phòng, tiếng Anh như gió, sống tại Hải Phòng. Cuối tháng 1-2019, tài khoản có tên Jonnics gửi lời mời kết bạn và được chấp nhận. Từ đó là các cuộc chát chit, gọi Facetime làm quen, tâm sự, thổ lộ tình cảm. Jonnics chia sẻ rằng, anh ta 40 tuổi, độc thân, quân nhân Mỹ, đang đóng quân ở Trung Đông. Anh ta đang có 300.000 USD, một số vàng và tài sản có giá trị nhưng không chuyển về Mỹ được mà nhờ chị X nhận giúp, sau khi ra quân sẽ xin lại.

Đổi lại, anh này tặng chị điện thoại Iphone đời mới, vòng vàng… Anh này còn gửi hình ảnh quà tặng cho chị X. và nói, phí hải quan anh đã đã gửi trước rồi, nên chị không phải nộp. Ít hôm sau, một phụ nữ xưng là nhân viên Hải quan gọi báo tin chị có hàng gửi từ nước ngoài về, phí đã chuyển trước. Liên hệ lại với Jonnics, người này cũng xác nhận đúng. Tuy nhiên, sau đó 2 ngày người phụ nữ kia gọi lại và báo, do Hải quan soi ra gói hàng có ngoại tên nên X. phải gửi vào tài khoản chị ta 200 triệu để… lo lót.

Những "món quà" đối tượng lừa đảo gửi cho chị X. ở Hải Phòng qua Facebook nhằm tạo niềm tin

Chị X sau đó đã chát với Jonnics và người này khuyên chị nên làm theo hướng dẫn, anh ta sẽ bù cho chị sau khi nhận hàng. Do không sẵn tiền, nên chị X tìm đến bạn mình để tâm sự và định hỏi vay tiền thì người bạn này cho biết, chính mình vừa bị lừa mất 50 triệu với tình huống tương tự.

Khi chị X. đánh bài ngửa, thì cả  phụ nữ “nhân viên Hải quan” lẫn Jonnics đều lặn mắt tăm… Ngay sau khi sự việc xảy ra, chị X. đã tìm đến Văn phòng đại diện Báo CAND để chia sẻ câu chuyện của mình với mong muốn được đăng tải để tránh cho những chị em “làng fây” khác cái nạn tình ảo.

CÂU CHUYỆN 4:

Vào một ngày tháng 4-2019, một phụ nữ khảng 50 tuổi rụt rè tới cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Quảng Ninh trình báo vừa bị lừa tiền qua mạng fecabook. Chị H. cho biết, trú tại phường Giếng Đáy, TP Hạ Long, bị đối tượng sử dụng tài khoản facebook tên "Ankush Lihe" lừa đảo chiếm đoạt số tiền 673.800.000 đồng. Theo lời khai của chị H., cuối tháng 12-2018, khi đang "lang thang" trên facebook, một người đàn ông sử dụng tài khoản mang tên "Ankush Lihe" làm quen và kết bạn với chị. Người này giới thiệu là quản lý công ty tư nhân chuyên xuất khẩu dầu cọ cho các hãng mỹ phẩm, đã bỏ vợ, các con đang theo vợ sinh sống bên Anh. Sau đó, người đàn ông này xin số điện thoại của chị H. và nói với chị sử dụng mạng xã hội Whatsapp để trò chuyện cho tiện.

Khi chị sử dụng tài khoản Whatsapp, người này chặn Facebook của chị, đồng thời gửi cho chị ảnh chụp bằng lái xe mang tên Ankush Yong, sinh ngày 20-4-1966, quốc tịch Mỹ. Hằng ngày trò chuyện qua lại, hai người đã thân thiết, cảm tình chị H. dành cho đối phương cũng tăng lên. Cuối tháng 1-2019, Ankush Yong nói đang thiếu tiền trả cho công nhân về quê ăn tết nên muốn vay của chị H. 850 USD, hứa sẽ trả đầy đủ. Tin tưởng vào người bạn mới, chị H. ra ngân hàng chuyển 19.800.000 đồng vào tài khoản của một ngân hàng thương mại chi nhánh TP Hồ Chí Minh do Ankush Yong chỉ định. 

Một thời gian sau, Ankush Yong lại nói bố mới bị mất trong một vụ tai nạn tại New York, hiện có một căn nhà tại Malaysia đang có người muốn mua, đối tượng này đang ở đây để làm thủ tục bán nhà. Do khi sống bên Mỹ, Ankush Yong có thuê người trông ngôi nhà trên và người này chưa đóng tiền thuế mấy năm liền nên chưa bán được.

Ankush Yong hỏi vay tiếp chị H. 90 triệu đồng, nói bán nhà được sẽ trả đầy đủ cả gốc lẫn lãi theo mong muốn của chị. Ngày 11-2-2019, chị H. đến một ngân hàng thương mại chi nhánh Hạ Long chuyển 35 triệu đồng và ngày hôm sau đến một ngân hàng khác chi nhánh Bãi Cháy chuyển tiếp 55 triệu đồng vào tài khoản do Ankush Yong chỉ định.

Tiếp đó, Ankush Yong nói phải ở lại Malaysia nhiều ngày, chưa bán nhà ngay được, ngỏ ý muốn vay thêm chị Hạnh tiền để sinh hoạt cá nhân. Ngày 18-2-2019, chị H. tiếp tục đến một ngân hàng chi nhánh Bãi Cháy chuyển 49 triệu đồng vào một tài khoản ngân hàng do Ankush Yong chỉ định. Một thời gian sau, lấy lý do nộp thuế nhà, Ankush Yong tiếp tục hỏi vay 500 triệu đồng, tuy nhiên chị H. nói chỉ có 200 triệu.

Ban đầu, đối tượng này đồng ý nhưng sau đó nói phải có đủ 500 triệu mới bán được nhà, hứa sẽ trả đủ tiền đã vay khi bán nhà bán được. Trong 2 ngày 21 và 15-3-2019, chị H. đến một ngân hàng chi nhánh Bãi Cháy chuyển đủ 500 triệu đồng vào tài khoản ngân hàng chi nhánh Tây Sài Gòn mang tên Nguyễn Thị Quỳnh Như.

Sau khi chuyển tiền, Ankush Yong nói đã bán được nhà, nhận được một tờ séc của người mua, đang mang ra ngân hàng để lấy tiền từ séc sang tài khoản của mình, phải mất phí và tiếp tục hỏi vay chị H. 70.000 USD. Đối tượng này hứa sau khi khi lấy được tiền sẽ trả chị H. tất cả là 500.000 USD, nhưng nạn nhân không còn tiền để chuyển cho Ankush Yong.

 

Đánh vào lòng tham

CÂU CHUYỆN 5:

Có một dạo email mình rất thường xuyên nhận được những lá thư từ đàn ông nước ngoài gởi về với nội dung: Có một khoản tiền được thừa kế bất ngờ hoặc có một khoản tiền lớn cần được lấy ra nhưng vì lý do nào đó chính họ không lấy ra được nên nhờ chúng ta lấy ra giúp, yêu cầu chúng ta cung cấp số tài khoản và thông tin ngân hàng, vân vân và mây mây. Có thể một số bạn cho rằng chỉ là cung cấp thông tin để nhận tiền dùm thôi mà, có tốn đồng nào đâu. 

>>> Lời Khuyên: Chẳng có ai cho không ai cái gì. Thông tin cá nhân, thông tin tài khoản ngân hàng, v.v... tất cả đều có thể được sử dụng để chống lại bạn, có thể bạn sẽ trở thành đồng phạm của một tổ chức chuyên rửa tiền, hoặc bạn bị lấy cắp thông tin để làm giấy tờ tùy thân giả cho các khách hàng của họ, hoặc nhờ những thông tin này, thay vì họ gởi tiền cho bạn, họ sẽ ăn cắp tiền từ trong tài khoản của bạn. Lời khuyên của mình luôn là: đừng bao giờ tin vào một điều vô tưởng và phi thực tế. Tốt nhất khi gặp những thể loại email mưu cầu sự thương hại và đáng nghi như thế này, bạn không nên đọc và thẳng tay vứt ngay vào thùng rác. 

 

CÂU CHUYỆN 6:

Là một câu chuyện liên quan tới cái điện thoại. Có một đợt mình nhận được một cú điện thoại kêu mình trúng thưởng gì đó vì là khách hàng thân thiết của một thương hiệu có tiếng, yêu cầu mình cung cấp thông tin để đối chứng. Lúc đó sóng điện thoại tại nhà mình rất yếu nên đang nghe thì nó cúp máy. Rồi họ gọi lại, giọng có vẻ khó chịu. Mình tận dụng cơ hội điện thoại sóng yếu cúp luôn. Sau đó block số đó luôn.

Theo số liệu từ Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (CT&BVNTD), tính đến tháng 6 năm 2021, Tổng đài tư vấn, hỗ trợ người tiêu dùng (NTD) 1800.6838 của Cục CT&BVNTD đã nhận được hàng trăm cuộc gọi tư vấn, hướng dẫn, hỗ trợ những vụ việc liên quan đến các chương trình trúng thưởng của các doanh nghiệp, các kênh quảng cáo trên truyền hình hoặc nhận được những tin nhắn trúng thưởng qua messenger của Facebook… Hầu hết NTD đều có tâm lý chung là hoang mang, lo lắng vì tin và làm theo hướng dẫn của những đối tượng lạ khiến họ đã mất từ vài triệu đến hàng trăm triệu nhưng không nhận được bất cứ phần thưởng hoặc quà khuyến mại nào.

Trên Shopee cũng xuất hiện khá nhiều tin nhắn lừa đảo đánh vào lòng tham của con người như thế này. Sau 24 tiếng gởi tin nhắn đã bị hệ thống Shopee khóa tài khoản này. Tuy nhiên nếu bạn nào nhẹ dạ cả tin nhấn vào các đường link trong tin nhắn sẽ có nguy cơ bị đánh cắp thông tin cá nhân và thông tin ngân hàng và bạn sau đó sẽ bị rút tiền từ tài khoản của mình mà không rõ nguyên nhân.

Thông báo trúng thưởng qua tin nhắn Facebook: Chỉ là mánh khóe lừa đảo. Nếu chẳng may bạn truy cập vào đường link trong tin nhắn, tài khoản trong ngân hàng của bạn sẽ bị đe dọa! Nhiều nạn nhân không biết đây là trang web phishing (một hình thức lừa đảo giả mạo các tổ chức uy tín như ngân hàng) nên đã nhập các thông tin tài khoản, mật khẩu internet banking vào trang web giả mạo rồi gửi đi và đối tượng lừa đảo sẽ nhận được.

 

Từ những phản ánh của NTD, Cục CT&BVNTD đã liệt kê ra 3 chiêu thức lừa đảo phổ biến như:

Thứ nhất, gọi điện thông báo trúng thưởng: Hình thức rất phổ biến của chiêu thức này là NTD nhận được cuộc gọi của đối tượng lạ, tự xưng là nhân viên của Công ty X nào đó thông báo trúng thưởng. Để tạo lòng tin cho NTD, khi gọi điện đến, các đối tượng đều tự xưng là người của cơ quan chức năng có uy tín hoặc chương trình đã được Bộ Công Thương cấp phép, thậm chí cung cấp đầy đủ tên công ty, địa chỉ, số điện thoại hotline, zalo... (Ví dụ như Thế giới Samsung, Thế giới di động, Siêu thị Điện máy hay giải thưởng được cấp phép hoặc gắn mác các cơ quan chức năng như Bộ Công Thương, Đài truyền hình TP. Hồ Chí Minh…) Vì số tiền hoặc món hàng trúng thưởng có giá trị lớn nên khi đối tượng lạ yêu cầu NTD phải đóng vài triệu làm tiền cọc để nhận thưởng, thậm chí còn hứa hẹn khi trả thưởng sẽ trả lại số tiền cọc đó, NTD đã ngay lập tức mắc bẫy và nhanh chóng chuyển tiền.

Thứ hai, mời chào mua hàng để tiếp tục nhận mã trúng thưởng: Hình thức này, sau khi được thông báo trúng thưởng, ngoài hình thức chuyển tiền thuế, đối tượng lừa đảo còn đưa thêm chiêu trò dụ dỗ NTD mua thêm sản phẩm để nhận thêm mã quay thưởng với lời hứa hẹn càng mua nhiều mã, càng trúng thưởng nhiều, số tiền trúng thưởng càng lớn. NTD cũng không tìm hiểu, xác minh thông tin, tiếp tục đặt mua những sản phẩm với trị giá cao từ vài triệu đến hơn chục triệu với mong muốn trúng được nhiều phần thưởng.

Thứ ba, nhắn tin trúng thưởng qua Facebook: NTD nhận được thông báo trúng thưởng qua tin nhắn messenger của Facebook với nội dung: “ Xin chúc mừng tài khoản messenger… đã may mắn nhận được giải nhất/giải đặc biệt từ sự kiện Tuần lễ tri ân khách hàng,… Giải thưởng là 01 xe máy SHi, 100-200 triệu đồng tiền mặt và nhiều phần quà giá trị khác…” nhằm tạo niềm tin cho người nhận, trong tin nhắn còn thông báo đây là tin nhắn chính xác được xác nhận từ hệ thống và đề nghị người nhận không cung cấp mã trúng thưởng cho bất kỳ ai. Để nhận được giải thưởng như thông báo thì người nhận cần làm hồ sơ theo hướng dẫn trong đó bao gồm đầy đủ thông tin của người nhận để hoàn tất thủ tục nhận giải thưởng. Nhiều NTD khá cảnh giác nên cũng thử liên hệ với số điện thoại được cung cấp trên tin nhắn, nhưng sau khi nghe xong cuộc gọi lại hoàn toàn tin tưởng và thực hiện theo hướng dẫn, làm thủ tục chuyển tiền cho đối tượng lạ. Tuy nhiên sau khi chuyển tiền xong thì NTD sẽ không thể nào liên hệ được với số điện thoại này nữa và tài khoản thông báo trúng thưởng kia cũng chặn luôn facebook của NTD.

>>> Lời Khuyên: Những thứ từ trên trời rơi xuống các bạn nên coi đó là điều BẤT BÌNH THƯỜNG. Thay vì gọi đến số điện thoại người lạ cung cấp, hãy tìm số điện thoại của chính tổ chức/ công ty/ thương hiệu nổi tiếng đó trên google để gọi hỏi. Vì số điện thoại người lạ cung cấp có thể là số điện thoại giả mạo nên dù bạn có gọi đến thì bạn cũng chỉ nhận được các thông tin giả mà thôi.

 

Đánh vào nỗi sợ

CÂU CHUYỆN 7:

Mình đọc được rất nhiều câu chuyện trên mạng thấy rằng nhiều người dân đã bị kẻ lừa đảo mạo danh là cảnh sát giao thông, cảnh sát điều tra, kiểm sát viên... nhằm đe dọa, đề nghị cung cấp thông tin cá nhân, chiếm đoạt tiền trong tài khoản.

Một câu chuyện cụ thể để bạn dễ hình dung thủ đoạn nham hiểm này:

Vừa về nước sau nhiệm kỳ 3 năm thường trú tại nước ngoài, đang thực hiện cách ly tập trung, nhưng anh T.P.H (phóng viên TTXVN, trú tại quận Đống Đa, Hà Nội) bỗng nhận được điện thoại thông báo nộp tiền phạt vi phạm giao thông.

Cụ thể, sáng 22/6, anh T.P.H nhận được một cuộc gọi từ số điện thoại cố định, có giọng tổng đài tự động thông báo anh đang nợ tiền phạt vì vi phạm luật giao thông, bấm số 9 để biết thông tin. Sau đó, một người đàn ông nghe máy, xưng là cảnh sát giao thông thành phố Đà Nẵng, giải thích với anh T.P.H rằng anh đã thuê một chiếc xe ô tô rồi gây tai nạn tại Đà Nẵng và bỏ trốn. Khi anh T.P.H nói rằng mình vừa từ nước ngoài về nên không thể có mặt tại Đà Nẵng, đối tượng giải thích rằng, anh đã bị trộm thông tin cá nhân để mang đi thuê xe, sẽ chuyển vụ việc này cho cảnh sát điều tra. Bằng nghiệp vụ phóng viên, anh T.P.H đã nhận ra thủ đoạn của nhóm lừa đảo nhưng vẫn vờ lo lắng, làm theo hướng dẫn để tìm hiểu thêm.

Sau đó, một giọng nói khác xưng là cán bộ điều tra Công an thành phố Đà Nẵng tiếp tục gọi điện cho anh T.P.H thông báo có tài khoản đứng tên anh đang thực hiện "rửa tiền" cho tổ chức tội phạm. Người này bắt đầu dọa nạt anh T.P.H bằng nhiều chiêu trò gửi ảnh một phạm nhân (qua Zalo) hỏi anh có quen biết người này không, gửi lệnh bắt tạm giam và niêm phong tài sản (qua Zalo), dọa sẽ bắt ngay trong ngày, khuyên nhủ anh hãy nghĩ đến vợ con và làm theo hướng dẫn... Khi đối tượng yêu cầu anh T.P.H cung cấp tài khoản ngân hàng, anh đề nghị tới trụ sở Công an làm việc, đối tượng ngắt điện thoại.

Anh T.P.H nhận định: “Đây là nhóm đối tượng lừa đảo rất tinh vi, với kịch bản chi tiết nên có thể khiến nhiều người tin và bị lừa. Để tạo niềm tin, chúng sử dụng ngôn từ rất giống với lực lượng chức năng, vờ gọi điện thoại 'lên Bộ,' chuyển máy cho 'thủ trưởng,' thậm chí vờ bật Zalo quên tắt camerađể lộ hình ảnh người mặc đồng phục cảnh sát (chỉ trong vài giây khiến bị hại không kịp chụp màn hình)... Đặc biệt, khi giả mạo lực lượng chức năng của thành phố Đà Nẵng, các đối tượng đều nói giọng Đà Nẵng và đưa ra ảnh lệnh bắt (giả mạo) của Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Đà Nẵng.”

 

CÂU CHUYỆN 8:

Không may mắn như anh T.P.H, chị N.T.N.Y (24 tuổi, tạm trú tại Khu ký túc xá phía Tây, phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu, thành phố Đà nẵng) đã bị kẻ gian lừa hơn 800 triệu đồng cũng với thủ đoạn trên. Chị N.T.N.Y kể lại, khoảng 9 giờ ngày 8/6, chị nhận được cuộc gọi từ số điện thoại lạ, giọng đàn ông xưng cảnh sát giao thông nói rằng, chị Y vi phạm Luật Giao thông đường bộ, liên quan đến một chiếc ôtô. Chị Y không hiểu chuyện gì, giải thích, người đàn ông cúp máy. Ngay sau đó, chị nhận được cuộc gọi từ số 832363822300, xưng là cán bộ Công an thành phố Đà Nẵng trao đổi về việc đang điều tra một vụ án có liên quan đến chị Y và yêu cầu chị Y làm theo hướng dẫn nếu không muốn bị khởi tố, tạm giam. Sau khi đăng nhập vào đường link đối tượng gửi cho và soạn tin nhắn theo cú pháp, tài khoản ngân hàng của chị Y bị trừ tổng cộng 837 triệu đồng. 

 

CÂU CHUYỆN 9:

Một trường hợp khác xảy ra với một phụ nữ trú tại quận Hoàng Mai, trình báo với cơ quan công an, chiều 19.3.2021, có nhận được số điện thoại 88223638768 gọi vào số di động của bà. Kẻ này giới thiệu là nhân viên bưu điện, nói bà có 1 thư bảo mật, hỏi có cần xem trước nội dung không. Bà này đồng ý, thì bên kia điện thoại nói bà có mở một thẻ ngân hàng Chi nhánh Đà Nẵng, hiện nợ hơn 38 triệu đồng. Nghe vậy bà phủ nhận. Kẻ lạ hỏi bà có muốn "báo án" hay không và yêu cầu bà giữ máy. 5 phút sau, giọng nam giới thiệu là Trung uý Nguyễn Hùng Sơn, đang công tác tại Công an thành phố Đà Nẵng... “Trung úy Sơn” tuyên bố bà Trần liên quan đến tội phạm rửa tiền quốc gia, và yêu cầu bà kết bạn với tài khoản Zalo tên là Nguyễn Hùng Sơn. Ngay sau đó, “Trung úy Sơn” còn gửi một lệnh bắt tạm giam đến bà Trần. Thấy nạn nhân đã hoảng loạn, kẻ này yêu cầu bà cung cấp số tài khoản ngân hàng và mật khẩu tài khoản Internet Banking để phối hợp điều tra. Đối tượng gửi tin nhắn Zalo cho bà 5 hình ảnh mã QR code, yêu cầu đăng nhập. Làm theo hướng dẫn của “Trung úy Sơn”, bà kiểm tra tài khoản, phát hiện tổng số tiền 620 triệu đồng đã bị rút hết.

Khi bà hỏi lại, đối tượng nói là đang phong toả tiền để… quốc gia giữ hộ. Sáng hôm sau (20.3), “Trung úy Sơn” tiếp tục sử dụng tài khoản Zalo liên lạc, yêu cầu bà rút nốt số tiền 200 triệu đồng từ sổ tiết kiệm ngân hàng. Lúc này nạn nhân mới bừng tỉnh biết bị lừa đảo.

>>> Lời Khuyên: Đúng là khi rơi vào những trường hợp trên trời rơi xuống như thế này sẽ khiến không ít người lo lắng, nhưng cứ đường hoàng ra thẳng hoặc hỏi thẳng công an khu vực nhờ giúp đỡ sẽ sáng tỏ ngay. Những trường hợp phạm tội nghiêm trọng nếu có, các cơ quan chức năng sẽ đến gõ cửa tận nhà bạn chứ chẳng phải mất công điện thoại nhắn tin thiếu chuyên nghiệp như vậy. Chỉ có những ai thiếu hiểu biết mới bấn loạn mà thôi. Chưa kể nếu muốn triệu hồi bạn tới công an làm việc, công an phải gởi giấy triệu hồi đến tận nhà bạn, có giấy bạn mới phải lên trình diện. Còn nếu họ không triệu hồi bạn không cần phải đi đâu cả. Tất cả những gì liên quan tới chính quyền, công an, cảnh sát, hãy ra ngay đồn công an, cảnh sát gần nhất để hỏi cho rõ thông tin. Họ sẽ tư vấn cho bạn rằng đây là những trò lừa đảo không hơn không kém.

Để tránh bị lộ, các đối tượng lừa đảo thường dùng Chứng minh nhân dân giả để lập tài khoản ngân hàng giả mạo, sim “rác,” tài khoản mạng xã hội giả... Sau khi phạm tội, các đối tượng sẽ xóa các dấu vết điện tử nên dễ dàng che dấu hành vi phạm tội của mình, gây khó khăn trong việc thu thập chứng cứ. Bên cạnh đó, tội phạm sử dụng thiết bị công nghệ thông tin, không trực tiếp tiếp xúc với người bị hại nên việc nhận diện đối tượng cũng rất khó khăn. Vì vậy nếu bạn chẳng may bị lừa thì cơ hội để lấy lại khoản tiền bị lừa có thể bất khả thi.

Một lời khuyên chung khác mình muốn mọi người lưu ý, đó là KHÔNG CLICK VÀO BẤT KỲ ĐƯỜNG LINK NÀO GỞI ĐẾN CHO BẠN. Ngay cả người thân của bạn cũng có thể tài khoản của họ bị hack và kẻ gian sẽ lợi dụng gởi những đường link để ăn cắp thông tin cá nhân của bạn thông qua chính người thân và bạn bè của bạn. Chỉ click vào những link bạn chắc chắn là an toàn hay bạn biết chắc đó là người thân bạn gởi cho mình mà thôi (Ví dụ bạn bạn vừa gọi điện thoại cho bạn và nói là lát nữa cúp máy sẽ gởi bạn một cái link chẳng hạn)

Các bạn cũng nên chú ý không đăng nhập tài khoản ngân hàng vào các trang web lạ. Không nhập OTP linh tinh, không gửi OTP cho người khác. Đổi mật khẩu tài khoản, báo cho ngân hàng sớm nhất có thể khi có những hành vi không an toàn.

 

Lừa đảo mùa Covid

CÂU CHUYỆN 10:

Vừa rồi mẹ có gởi cho mình một tin nhắn như thế này với tiêu đề "Cảnh báo khẩn!". Nội dung là: Vừa rồi, đồng nghiệp của tôi nhận được một cuộc gọi hỏi rằng anh ấy đã được tiêm phòng chưa. Nếu anh ta đã được tiêm phòng, hãy nhấn phím 1; Nếu anh ta chưa được tiêm phòng, nhấn phím 2. Kết quả là anh ta nhấn phím 1, và điện thoại bị chặn, và thông tin ngân hàng trực tuyến và thanh toán swk thường xuyên sử dụng của anh ta đều được chuyển. Mọi người cẩn thận nha ~ Nhanh tay chuyển đến cho nhiều người cùng biết; Chỉ cần bấm theo hướng dẫn của nó là trong 3 giây nó lấy đc hết thông tin tk ngân hàng, nó vô hiệu hoá điện thoại mình, máy chủ nó điều khiển. Khi nó rút tiền ngân hàng nó nhắn mã OTP vào số điện thoại của mình nhưng nó nhận được, máy mình vô hiệu hoá.

>>> Lời Khuyên: Với những cuộc gọi mà số gọi lạ hoắc yêu cầu mình làm cái này cái kia tốt nhất nên cúp máy và lên google tìm hiểu thêm thông tin về tổ chức/ công ty đó có phát đi những thông báo như vậy hay không. Nếu là về tiêm phòng, covid... hãy gọi cho tổ trưởng tổ dân phố, hỏi thêm những người thân quen. Bây giờ mấy trò lừa đảo trên mạng kinh khủng lắm, không biết đường nào đâu mà lần. Tốt nhất không nên tin bất kỳ "bố con thằng nào".

Ngân hàng Việt Nam Thịnh vượng- VPB mới đây đã có cảnh báo đối với khách hàng về các chiêu thức lừa đảo trợ cấp COVID-19. Theo đó, các đối tượng giả mạo email của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam với nội dung “Công đoàn hỗ trợ tiền mặt cho người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID – 19” và đề nghị toàn thể cán bộ, nhân viên trong doanh nghiệp điền đầy đủ thông tin theo đường link có sẵn.

CÂU CHUYỆN 11:

Đặc biệt, các đối tượng còn xoáy nhiều vào các thủ đoạn liên quan như tạo các website bán hàng trực tuyến vật tư y tế như khẩu trang y tế, nước rửa tay khử khuẩn… Tuy nhiên, sau khi nhận tiền của người mua hàng, đối tượng lừa đảo ngắt liên lạc và không giao hàng như thỏa thuận. Ngoài ra, các đối tượng lừa đảo còn sử dụng mạng xã hội và các diễn đàn trực tuyến để quảng bá dịch vụ tiêm vaccine, bán các sản phẩm có khả năng phòng ngừa virus để lừa nạn nhân.

Cao tay hơn, các đối tượng còn dùng các “App” lừa đảo mạo danh đầu tư vaccine COVID-19, thiết bị y tế như khẩu trang, kính bảo hộ kêu gọi các nhà đầu tư góp vốn tham gia. Khi “con mồi” sập bẫy thì “App” cũng sập theo và không thể rút lại tiền…

 

Chiếm đoạt sim số điện thoại để lấy mã OTP từ ngân hàng

CÂU CHUYỆN 12:

Một trong những chiêu thức lừa đảo khác của tội phạm công nghệ đó là chiếm đoạt quyền kiểm soát sim của chủ thuê bao di động để lấy mã OTP từ ngân hàng. Sau đó thực hiện hành vi chuyển, rút tiền hoặc vay tiền online.

Thủ đoạn chung là mạo danh nhân viên nhà mạng, gọi điện thoại giới thiệu đang có chương trình “hỗ trợ chuyển đổi sim từ 3G lên 4G", hoặc đổi sim để nhận ưu đãi và hối thúc nạn nhân nâng cấp lên sim 4G nếu không sẽ không thể sử dụng. Đối tượng sẽ hướng dẫn chủ sim số điện thoại soạn tin theo cú pháp. Sau khi thực hiện thao tác soạn và gửi tin nhắn, ngay lập tức sim số điện thoại đã bị đánh cắp. Sau khi chiếm quyền kiểm soát sim của người dùng, kẻ gian dùng chính sim đó lấy mã OTP từ ngân hàng gửi về sử dụng các dịch vụ tín dụng, vay tiền online… dưới danh nghĩa nạn nhân.

Với những tin nhắn như thế này, tốt nhất bạn gọi thẳng ngân hàng cho ra lẽ. Đừng nhanh nhẩu bấm ngay vào link trong tin nhắn bạn nhé, dù có vẻ đường link khá đáng tin nhưng tuyệt đối không làm theo bất kỳ điều gì tin nhắn gởi đến. Cẩn tắc vô áy náy.

>>> Lời Khuyên: Theo khuyến cáo của Vinaphone và MobiFone, người dùng cần cảnh giác với các cuộc gọi, tin nhắn từ số lạ với các nội dung, như đề nghị hỗ trợ thay sim, nâng cấp sim hoặc thông báo trúng thưởng. Khi gặp các hiện tượng bất thường, như mất tín hiệu, bị vô hiệu hóa số điện thoại không rõ nguyên nhân, nhiều số điện thoại lạ gọi vào máy trong cùng một khoảng thời gian, người dùng nên liên hệ tổng đài chăm sóc khách hàng. Ngoài ra, người dùng không truy cập vào các đường link gắn kèm trong nội dung tin nhắn lạ; không thực hiện thao tác trên điện thoại theo các cú pháp được hướng dẫn bởi người lạ.

Một chuyên gia an ninh mạng chia sẻ, bạn chỉ nên kết bạn với những người bạn quen biết ngoài đời hoặc chỉ kết bạn với những tài khoản có nhiều bạn chung trên mạng xã hội.

Luôn nhớ, miếng pho mát chỉ có trong chiếc bẫy chuột. Trước khi chuyển tiền đến một tài khoản của một người mình không quen với mong muốn sẽ nhận lại nhiều hơn, hãy nghĩ đến câu nói này.

GiangGina [Một bài viết của Deargiang.com] - Có sử dụng tư liệu từ nhiều nguồn

Có thể bạn sẽ thích đọc thêm: Hơn 20 sự thật phũ phàng về cuộc sống. ĐỪNG LẦM TƯỞNG NỮA! (<< Click vào đây)

Blogger:GiangGina

Thành lập vào một ngày tháng 6/2014, deargiang.com là nơi mình chia sẻ mọi cảm xúc, kiến thức và mối quan tâm về Digital - Management - Travel cũng như các vấn đề về cuộc sống khác. Các bài viết trên deargiang một phần do mình viết, một phần do mình sưu tầm. Các bài viết này có điểm chung là những kiến thức, những câu chuyện, những quan điểm và những chia sẻ về cuộc sống có giá trị lâu dài. Mình hi vọng các chia sẻ của mình nhận được sự đồng cảm. Mọi đóng góp nếu có vui lòng gởi về email: gianggina@yahoo.com

Thống kê lượt xem

Tổng truy cập 1,369,805

Đang online6