[GG] Khởi nghiệp - Mình biết là có rất nhiều bạn trẻ mong muốn được làm chủ một doanh nghiệp vì các bạn muốn được thành công sớm trong vấn đề tài chính và quan trọng hơn nữa là được thỏa lòng đam mê khi làm những điều mình thích và không bị ai khiển trách, đuổi việc nếu lỡ có làm điều gì sai. Tuy nhiên, các bạn nên lường trước những rủi ro mà các bạn phải chấp nhận khi quyết định khởi nghiệp. Những rủi ro đó là gì? Mời các bạn đọc bài viết sau.
Ngày đăng: 01-12-2014
2,949 lượt xem
Khi viết ra những dòng tâm sự này, bản thân mình cũng đã từng khởi nghiệp. Mình khởi nghiệp khi bước vào tuổi 28. Mình biết có nhiều bạn khởi nghiệp sớm hơn mình và cũng có nhiều anh chị khởi nghiệp sau 30 tuổi. Số tuổi để khởi nghiệp không quan trọng. Việc quan trọng là thời điểm khởi nghiệp của bạn phải là thời điểm bạn thật sự sẵn sàng. Khi bạn trẻ, bạn sẽ khởi nghiệp kiểu khác và khi bạn nhiều tuổi hơn thì bạn sẽ khởi nghiệp kiểu khác. Những người trẻ luôn có xu hướng khởi nghiệp mạo hiểm hơn những người nhiều tuổi hơn. Đơn giản vì đối với những người trẻ tuổi, họ chưa có gì nhiều để mất, tất cả đối với họ chỉ là sự trải nghiệm, sức trẻ, sự năng động và thử thách bản thân. Ngược lại, đối với những người lớn tuổi hơn một chút, họ đã trải qua một số kinh nghiệm trong công việc và các mối quan hệ, việc họ muốn cẩn trọng trong mọi hoàn cảnh để có được thành công cụ thể là việc tiên quyết.
Một số rủi ro bạn có thể gặp sau đây.
1. Bạn không có tiền lương cố định:
Đối với những bạn khởi nghiệp, tài chính khá là quan trọng. Tuy nhiên trước khi nói tới tài chính, bạn nên xác định niềm đam mê với lĩnh vực kinh doanh nào. "Làm mà như chơi" thì công việc kinh doanh của bạn sẽ tự động được đầu tư và chăm chút bằng chính niềm đam mê của bạn. Tiền đến lúc nào không còn quan trọng lắm. Tuy nhiên, bạn cũng cần có tiền để tồn tại và tiếp tục công việc của mình. Thậm chí bạn phải chấp nhận 6 tháng tới 1 năm chưa có lợi nhuận, thậm chí chưa hòa vốn. Bạn bận tối mắt tối mũi cho công việc kinh doanh nên việc đi làm một công việc cố định để có được khoản tiền lương cố định là điều rất khó. Thường là tài chính của bạn phải đủ mạnh. Nguồn tài chính đó có thể đến từ gia đình bạn, hoặc là khoản tiền bạn dành dụm được.
2. Nguy cơ thua lỗ và phải đóng cửa:
Không ai chắc chắn được việc kinh doanh của mình luôn thuận lợi như những gì mình hoạch định ban đầu. Người khởi nghiệp luôn có xu hướng đánh giá quá cao tiềm năng thị trường mà sản phẩm mình dự tính kinh doanh. Hoặc họ có "hơi dư thừa" về sự tự tin vào khả năng lèo lái con thuyền khởi nghiệp và những cộng sự liên quan. Đề tồn tại, hoặc họ phải chuyển hướng mục tiêu kinh doanh, thay đổi cách điều hành quản lý, thậm chí sự thay đổi có thể là 180 độ, khác xa với những mơ ước hoạch định ban đầu. Nếu không thay đổi, việc phá sản trắng tay là điều không thể tránh khỏi (ít ra bạn chỉ trắng tay về việc tiền bạc, nhưng bạn rất giàu có về kinh nghiệm khởi nghiệp ... "tự an ủi bản thân"). Chưa chắc bạn có nhiều vốn thì việc khởi nghiệp của bạn thành công rực rỡ. Và ngược lại, chưa chắc ít tiền thì không thể khởi nghiệp hoặc khởi nghiệp không thành công bằng những người có nhiều vốn liếng hơn.
3. Không có thời gian dành cho bản thân:
Bạn có quá nhiều áp lực. Áp lực về tiền, áp lực phải làm kinh doanh tốt, áp lực về thời gian. Mọi người đang dõi theo bạn để đánh giá, để nhòm ngó, để xì xào ... Những áp lực vô hình khiến cho bạn không có thời gian để thư giãn. Có nhiều khả năng bạn có thể đưa ra những quyết định vội vàng trong tâm trạng căng thẳng, mệt mỏi. Khi khởi nghiệp, bạn dành toàn bộ thời gian cho công việc kinh doanh. Thời gian rảnh còn lại bạn dành cho việc lo lắng những việc chưa làm, sắp làm, hoặc đã làm nhưng chưa tốt. Bạn có thể bị mất ngủ.
Những trải nghiệm công việc lúc này sẽ gây stress nhiều hơn thường lệ.
Kết luận: Mọi sự trải nghiệm đều có một cái giá nhất định. Và nếu như thành quả bạn đạt được xứng đáng cho những nỗ lực và những rủi ro trên, bạn ắt sẽ cảm thấy tự hào về bản thân. Tuy nhiên bạn cần phải vững tâm lý và chuẩn bị điều chỉnh lối sống sao cho phù hợp với những kinh nghiệm mới bạn sắp trải qua. Một khi khởi nghiệp thì chắc chắn là phải mạo hiểm. Bạn đừng lo sợ việc khởi nghiệp nếu bạn đã chuẩn bị cho mình một tâm lý vững vàng. Nếu thất bại lần 1, bạn có dám tiếp tục khởi nghiệp lần 2???
Chúc bạn thành công.
GiangGina
Bài viết liên quan có thể bạn quan tâm:
Cách lập bảng kế hoạch Kinh Doanh và Marketing từ A-Z << click để đọc
Nên đi làm trước khi khởi nghiệp dù gia đình có điều kiện << click để đọc
Nỗi khổ của SẾP << click để đọc