Phan Hoàng - Phỏng Vấn Tướng Lĩnh Việt Nam - Tư liệu về Chuẩn đô đốc Hải Quân Nguyễn Dưỡng

[GG] Nhà mình không giàu, không tài phiệt, không ai màng danh lợi hay mưu cầu sự nổi tiếng bằng mọi giá, cũng không ai trí tuệ siêu phàm nhưng lại may mắn sở hữu một gia tài vô giá vô cùng tự hào, đó chính là những ký ức về một người Ông, người Cha, người Lính vô cùng khiêm tốn, chính trực, liêm khiết, yêu nước, thương gia đình và lãnh đạo giỏi. Người đó không ai khác chính là Ông Ngoại mình - Chuẩn đô đốc Hải Quân Nguyễn Dưỡng.

Ngày đăng: 27-10-2021

1,577 lượt xem

Chẳng là sau khi mình viết một bài về Mẹ nhân ngày 20/10 vừa qua (Bạn có thể click vào đây để đọc thêm), ba mình có nhận xét bài ấy mình viết hay hơn rất nhiều so với bài mình viết về Ông cách đây nhiều năm. Ba nói bài mình viết về Ông năm 2015 đã không làm bật rõ cái tầm của Ông - Một Chuẩn đô đốc thời kỳ đầu Quân chủng Hải Quân Nhân Dân Việt Nam mới thành lập. Ông ngoại mình, Nguyễn Dưỡng - Là chỉ huy trưởng của rất nhiều trận đánh thời kháng chiến chống Pháp, Mỹ & Pol Pot, đồng thời cũng là một trong những vị tướng lĩnh Việt Nam vô cùng liêm khiết, chính trực và quả cảm.

Có lẽ do lúc đó ngòi bút của mình còn non trẻ, kiến thức về lịch sử Việt Nam còn ít ỏi, bản thân cũng không hiểu hết Ông đã đi đánh giặc gian truân như thế nào, cho nên cách hành văn khi ấy chủ yếu là chia sẻ những câu chuyện đời thường trong gia đình xen lẫn tâm tư của một đứa cháu gái ngoại lớn nhất nhà nhằm bày tỏ sự kính trọng và tự hào về người Ông quá cố của mình. 

Bài viết: Ông Ngoại tôi - Chuẩn đô đốc Hải Quân Nguyễn Dưỡng (<<< Click đọc thêm)

Hôm nay nhân dịp được đọc lại một bài viết về Ông do nhà báo Phan Hoàng phỏng vấn và khai bút (Trang 97 - 122 "Phỏng Vấn Tướng Lĩnh Việt Nam" -Tuyển Tập rất nhiều bài phỏng vấn về các vị tướng lĩnh của Việt Nam trong đó có Đại Tướng Võ Nguyên Giáp), được NXB Trẻ xuất bản vào năm 1999 đã khiến mình quyết định phải Digital hóa những thông tin về Ông. Vì đây là những tư liệu vô cùng quý giá nên sau bài viết này, mình sẽ tìm hiểu thêm cách hoạt động của wikipedia để lưu lại cho con cháu đời sau trong gia tộc mình, cho chúng luôn tưởng nhớ và biết rằng, gia đình mình đã có một người Ông, người Cha, người Lính vô cùng khiêm tốn, chính trực, liêm khiết, yêu nước, thương gia đình và lãnh đạo giỏi. 

Với mục đích Digital hóa các thông tin về Ông Ngoại mình, bài viết này chỉ đơn giản là ghi chép lại nguyên văn từ cuốn sách "Phỏng Vấn Tướng Lĩnh Việt Nam" do tác giả Phan Hoàng chắp bút, hoàn toàn không thêm bớt chỉnh sửa hay thêm nội dung theo ý mình. Bài viết này mình muốn dành cho cá nhân mình và gia đình tưởng nhớ về Ông. Mình cũng hy vọng qua bài viết này có thể giúp ích được cho những ai yêu sử Việt Nam có cơ hội được tham khảo những thông tin quý báu về các trận đánh hào hùng của các vị tướng lĩnh nước ta trong quá khứ.

 

 

---

 

CHUẨN ĐÔ ĐỐC NGUYỄN DƯỠNG

 

Từ một cậu bé đánh cá, đưa đò lam lũ trên sông Hương, đi kiếm sống rồi tham gia cướp chính quyền ở thành phố biển Nha Trang trong Cách mạng tháng Tám, Nguyễn Dưỡng đã trở thành một vị tướng với hàm Chuẩn đô đốc, phó tư lệnh Quân chủng Hải quân nhân dân Việt Nam. Từ lính bộ binh chiến đấu ở chiến trường Bình Trị Thiên suốt thời đánh Pháp, Nguyễn Dưỡng đã học tập, phấn đấu thành một trong những chỉ huy cao cấp của quân chủng hải quân có mặt ở những điểm nóng thời đánh Mỹ rồi đánh Pol Pot. Từ thuở đầu xanh cho đến khi tóc bạc, cả đời ông gắn bó với chiến trường. Với tư cách chỉ huy trưởng Căn cứ 2 Hải quân, ông là một trong những “nhân chứng sống” trực tiếp của sự kiện vịnh Bắc Bộ năm 1964. Rồi năm 1979, trên cương vị chỉ huy trưởng Vùng 5 duyên hải, ông đã chỉ huy lực lượng hải quân phối hợp với các quân binh chủng trên bờ góp phần giải phóng Campuchia thoát khỏi nạn diệt chủng. Trong ngôi nhà đối diện với Xí nghiệp Liên hợp Ba Son ở quận Một, Thành phố Hồ Chí Minh được ngồi nghe Chuẩn đô đốc Nguyễn Dưỡng kể về chuyện chinh chiến, tôi cứ ngỡ như đang nghe “thủy tướng” Yết Kiêu thời Trần kể chuyện Sát Thát năm xưa. Vâng, lịch sử không những là một sự liên tục mà còn là sự kế tục.

Điều mà Chuẩn đô đốc Nguyễn Dưỡng hết sức trăn trở, ân hận là sau 30 năm rời gia đình ruổi rong chinh chiến trả nợ nước, khi hồi hương lại không có được một ngày phụng dưỡng cha mẹ để báo hiếu đấng sinh thành dưỡng dục. Cha mất đã lâu. Mẹ vĩnh viễn nằm xuống ở tuổi chín mươi vào tháng 3/1975, đúng hai tháng trước khi ông đặt chân trở lại mảnh đất chôn nhau cắt rốn ở làng Tân Thủy thuộc huyện Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Tuổi Mậu Thìn, Nguyễn Dưỡng sinh ngày 10 tháng 4 năm 1928. Giống như Chử Đồng Tử trong truyền thuyết, thời ấu thơ nắng lửa mưa dầu của Nguyễn Dưỡng trôi qua trên dòng Hương xanh đến vô tình của đất Thần kinh đầy biến động. Lưới cá không đủ nuôi một gia đình tới mười người con, nên mới mười hai tuổi đầu, Nguyễn Dưỡng phải rời con đò tuổi thơ lên tàu vào Nha Trang tìm kế sinh nhai. Cậu thiếu niên xứ Huế cùng một người anh trai học và làm nghề thợ may.

 

 

Mùa thu năm 1945, Cách mạng tháng Tám bùng nổ. Như bao thanh niên khác, Nguyễn Dưỡng hòa vào dòng thác dân tộc, hăng hái tham gia lực lượng địa phương đi cướp chính quyền, giành độc lập tự do cho nước nhà. Từ đó, ông bắt đầu dấn thân vào con đường cách mạng. Chuẩn đô đốc Nguyễn dưỡng tâm sự.

Khi ấy tôi còn trẻ lắm, mới mười bảy tuổi. Tôi cùng một đội vũ trang địa phương tấn công nhà máy đèn do quân Nhật chiếm giữ. Vừa leo lên tường thành, thấy một thằng Nhật giương súng nhắm vào mình, tôi lập tức nhảy xuống. Nó bắn vào tường thành. Mặc dù có tổn thất nhưng cuối cùng ta cũng chiếm được nhà máy đèn và các cơ quan, công xưởng khác do quân Nhật còn chiếm giữ. Đó cũng là trận đánh đầu tiên trong đời tôi.Trong số những người tham gia cướp chính quyền ở Nha Trang, tôi nhớ mãi hình ảnh cô Hòa, cô Hợp là hai cô gái hăng hái nhất, dũng cảm nhất, luôn xung phong đi đầu!.

 

Vì lý do nào sau đó ông lại rời Nha Trang để trở về cố đô, thưa Chuẩn đô đốc?

Chỉ một thời gian ngắn sau ngày nước nhà được độc lập, quân Pháp tái xâm lược. Tôi tham gia chiến đấu ở Mặt Trận Nha Trang cùng với anh Hà Văn Lâu. Đây là mặt trận đầu tiên ở Nam Trung Bộ được mở để ngăn chặn bước tiến quân Pháp. Nhưng cuối cùng mặt trận vỡ, tôi mới về Huế gia nhập vào bộ đội chủ lực Trung đoàn Trần Cao Vân gọi là Trung đoàn 101 do anh Hà Văn Lâu làm trung đoàn trưởng, anh Trần Quý Hai làm chính ủy, về sau trực thuộc Sư đoàn 325. Rồi mặt trận Huế cũng bị vỡ, lực lượng rút vào chiến khu Hòa Mỹ. Tiểu đoàn 18 của tôi lên đóng ở Đồng Truồi, ngọn núi cao chót vót từng đi vào ca dao: 

“Đồng Truồi ai đắp mà cao. Sông Gianh ai bới ai đào mà sâu”.

Tiểu đoàn tôi lúc lên chiến khu còn khoảng bảy mươi người nhưng vì quá đói khát, chết dần hết mười bốn người, chôn cất quanh một gốc cây dâu cổ thụ, không biết bây giờ thân nhân đã đem được hài cốt về chưa? Tôi nhớ một lần Chính ủy Trần Quý Hai từ bên Hòa Mỹ cùng một anh liên lạc khiêng sang Đồng Truồi một đùi nai ướp muối vừa bắn được. Anh em mừng vô kể. Sau này mỗi khi có miếng thịt ăn thì tôi nhớ tới nghĩa cử của anh Trần Quý Hai.

Thời kỳ Mỹ tiến hành chiến tranh phá hoại miền Bắc, khoảng năm 1965 anh Trần Quý Hai lúc đó là phó tổng tham mưu trưởng đi qua sông Gianh để vào Nam. Đang là chỉ huy ở Căn cứ 2 Hải quân, nghe tin tôi liền trực tiếp lấy canô đưa anh sang. Anh ôm tôi nói: “Dưỡng ơi! Mình tổng kết công tác chiến tranh, thấy từ Bắc chí Nam ở đâu cũng cực, nhưng cuối cùng thấy ở Đồng Truồi đúng là quá cực!”.

 


 

Nói đến chiến trường Bình Trị Thiên trong buổi đầu kháng chiến chống Pháp, các cựu binh hay nhắc về trận Hộ Thành và trận Đất Đỏ sau khi thành phố Huế bị thất thủ. Chuẩn đô đốc có trực tiếp tham gia hai trận đánh này?

Có. Trận Đất Đỏ diễn ra vào ngày 29 tháng 3 năm 1947, do Trung đoàn trưởng Hà Văn Lâu và Chính ủy Trần Quý Hai trực tiếp tổ chức chỉ huy. Đây là trận thắng đầu tiên của quân dân Thừa Thiên - Huế. Tuy nhỏ, nhưng kết quả trận Đất Đỏ đã xây dựng được niềm tin vào thắng lợi của cuộc kháng chiến là cái mốc chuyển từ lối đánh phòng ngự thụ động rút chạy, … sang lối đánh du kích chủ động tấn công, kết hợp lợi thế địa hình núi rừng Trường Sơn mà tổ tiên ta ngày xưa đã từng biết tận dụng: “Hoành Sơn nhất đái vạn đại dung thân”!

 

Ngoài trận Đất Đỏ thì những trận đánh nào vào thời gian này để lại dấu ấn sâu sắc trong cuộc đời binh nghiệp của Chuẩn đô đốc?

Thu đông năm 1947, để phối hợp với Chiến dịch Lê Lợi trên chiến trường chính ở Tây Bắc, Bộ tư lệnh Mặt Trận Bình Trị Thiên mở chiến dịch Lê Lai. Bắt đầu chiến dịch, Trung đoàn 95 gồm các tiểu đoàn 227, 302, 310 trên đường cơ động ra Nam Quảng Bình đã liên tục đánh tiêu diệt địch ở các trận Thanh Lê, Dốc Miếu, Bồ Bản. Ngày 25 tháng 12 năm 1949, Tiểu đoàn 227 dưới sự chỉ huy của Tiểu đoàn trưởng Lê Thuyết và Chính trị viên Kinh Kha đã tấn công Thạch Xá Hạ.

Lực lượng Tiểu đoàn 227 gồm ba đại đội: Đại đội 9 do tôi làm đại đội trưởng, Đại đội 117 do anh Trần Văn Trân làm đại đội trưởng, Đại đội 120 do anh Hoàng làm đại đội trưởng đã diệt gọn đoàn xe chi viện giải vây cho Vạn Xuân, tiêu diệt và bắt sống 162 tên địch, phá hủy 15 ô tô và xe bọc thép. Viên chỉ huy là Thiếu tá Bruge cũng bị bắt sống. Đây là trận đánh giao thông vây điểm diệt viện đầu tiên trên chiến trường Bình Trị Thiên thu thắng lợi lớn, hiệu suất chiến đấu cao. Cách đánh này đã được binh đoàn chủ lực cơ động trên chiến trường vận dụng làm cơ sở tác chiến.

Gần một năm sau, nhằm kết thúc Chiến dịch Phan Đình Phùng, Bộ Tư lệnh Mặt trận Bình Trị Thiên tổ chức trận đánh đoàn tàu lửa chở vũ khí của địch ở đồi Như Sơn - Mỹ Chánh vào ngày 24 tháng 10 năm 1950 do anh Lê Thuyết chỉ huy chung. Tiểu đoàn 227 do Tiểu đoàn trưởng Huỳnh Đình Thảo dẫn đầu được phân công trực tiếp tấn công đoàn tàu lửa, với sự phối hợp vây đồn chặn viện của các đơn vị bạn do anh Lê Văn Trì và anh Triệu Huy Hùng chỉ huy. Kết thúc trận đánh, bộ đội thu được toàn bộ vũ khí, trong đó có một khẩu bô-pho do Đại đội 9 chiếm được. Đây là lần đầu tiên bộ đội Bình Trị Thiên thu được pháo địch còn hoàn chỉnh.

 

Suốt 9 năm chống Pháp, Chuẩn đô đốc chỉ gắn bó với Bình Trị Thiên hay có chiến đấu ở chiến trường khác không?

Năm 1954, có một thời gian tôi cùng đơn vị được điều ra chiến đấu ở chiến trường Bắc Bộ, địa phận Hà Nam Ninh, để phối hợp với mặt trận Điện Biên Phủ. Còn chủ yếu là chiến đấu ở Bình Trị Thiên trong lực lượng chủ lực chủ công cơ động trên khắp chiến trường.

 

 

Trong quá trình xây dựng và chiến đấu, theo Chuẩn đô đốc, thời điểm nào đánh dấu sự trưởng thành vượt bậc của các lực lượng vũ trang Bình Trị Thiên?

Vào tháng 3 năm 1952, Chiến dịch Nam Đông kết thúc. Để giải phóng địa bàn Quảng Trạch giáp giới vùng tự do Liên khu 4, Đại đoàn 325 đã tập trung hai trung đoàn 95 và 18 tiêu diệt các vị trí Sen Bàng, Ba Đồn, Mỹ Hòa, Cửa Phủ, Hang Bò và đánh chặn viện kéo ra Quảng Trạch. Sau khi Trung đoàn 95 tiêu diệt Sen Bàng, được giao tiếp tục đánh Ba Đồn. Trung đoàn có hai tiểu đoàn xung lực, trong đó Tiểu đoàn 227 lúc này do tôi là tiểu đoàn trưởng, đã hoàn toàn làm chủ khu đồn chính của thị trấn Ba Đồn vào đêm 31 tháng 5 năm 1952.

Qua đợt hoạt động chiến đấu này, Đại đoàn 325 chủ lực và các lực lượng vũ trang địa phương đã thu thắng lợi lớn, phá vỡ phòng tuyến kiên cố nhất của địch trên vùng Bắc Quảng Bình, mở rộng hành lang chiến lược bắc nam, tiêu diệt và bắt sống gần 1000 tên địch, san bằng 11 đồn bót, giải phóng hoàn toàn huyện Quảng Trạch. Từ đó, vùng tự do Liên khu 4 được mở rộng, lực lượng vũ trang và bán vũ trang trưởng thành vượt bậc, góp phần làm cơ sở đưa kháng chiến đến toàn thắng.

 

Vì sao từ bộ binh Chuẩn đô đốc lại chuyển sang hải quân? Chuẩn đô đốc lần lượt đảm trách những nhiệm vụ gì trong quân chủng non trẻ này?

Sau Hiệp định Genève 1954, tôi được chọn đi học ở Việt Bắc, bổ sung về Sư đoàn 350 tiếp quản và bảo vệ thủ đô Hà Nội. Năm 1956, tôi lại đi học bồi dưỡng văn hóa ở Kiến An, Hải Phòng đến năm 1959 thì về làm việc ở cơ quan tham mưu Cục Hải quân. Năm 1964, Bộ Quốc phòng quyết định thành lập Bộ Tư lệnh Hải quân trên cơ sở Cục Hải quân. Tôi được bổ nhiệm làm chỉ huy trưởng Căn cứ 2 Hải quân, phụ trách vùng biển thuộc Khu 4, từ giáp giới Thanh Hóa cho tới giới tuyến 17. Cuối năm 1969, tôi được đề bạt làm tham mưu phó Bộ Tư lệnh Hải quân, ba tháng sau thì lên tham mưu trưởng.

Năm 1977, bọn Pol Pot xua quân xâm phạm lãnh thổ và giết hại đồng bào ta ở biên giới Tây Nam, tôi được Bộ Quốc phòng điều vào làm chỉ huy trưởng Vùng 5 duyên hải sát biên giới Campuchia. Sau khi giải phóng nước bạn khỏi ách diệt chủng, tôi được đi học Trường Đảng cao cấp Nguyễn Ái Quốc, rồi năm 1980 về làm phó tư lệnh Quân chủng Hải quân, hàm Chuẩn đô đốc tức Thiếu tướng. Cuối năm 1990, bệnh nhồi máu cơ tim phát nặng, tôi được Bộ Quốc phòng đồng ý cho nghỉ dưỡng bệnh.

 

Thưa Chuẩn đô đốc, căn cứ vào đâu mà lấy ngày 07 tháng 5 năm 1955 làm ngày thành lập Quân chủng Hải quân Việt Nam?

Ngày 07 tháng 5 năm 1955 là ngày thành lập Cục Phòng thủ bờ biển trực thuộc Bộ Quốc phòng - Tổng tư lệnh. Tuy nhiên, ngay từ thời cách mạng còn trong trứng nước, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã có quyết định số 125/QĐ ngày 19 tháng 7 năm 1946 “Thành lập trong Quân đội quốc gia một ngành Hải quân Việt Nam”. Đến ngày 10 tháng 8 năm 1950, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Nguyễn Chí Thanh đã ký quyết định thành lập Đội Thủy binh 71 đặt tại làng Cò phố Giàn thuộc huyện Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ. Tên thường gọi lúc đó là Thủy quân Sông Lô.

 

Vậy còn ngày truyền thống 05 tháng 8 năm 1964, thời điểm xảy ra sự kiện vịnh Bắc Bộ?

À, đây là ngày Mỹ phát động chiến tranh phá hoại ra miền Bắc nước ta, dùng máy bay đánh vào các cảng ven biển, trong đó chủ yếu là nhằm vào lực lượng hải quân. Hải quân ta đã cùng nhân dân miền Bắc đánh trả có hiệu quả: bắn rơi máy bay, bắt giặc lái, … Đây là trận thắng có ý nghĩa lớn cả về chính trị lẫn quân sự, cổ vũ mạnh mẽ khí thế quyết chiến quyết thắng của giặc Mỹ của quân và dân ta, có tiếng vang lớn trên thế giới. Thủ tướng Phạm Văn Đồng trực tiếp theo dõi trận đánh đã khen ngợi: “Tôi rất tự hào về tinh thần chiến đấu của hải quân ta. Chiến thắng của các đồng chí có nhiều ý nghĩa to lớn…” Cho nên hải quân lấy ngày 05 tháng 8 năm 1964 làm ngày truyền thống của quân chủng.

 

 

Nghĩa là lịch sử và truyền thống hải quân Việt Nam đã có từ trước, ngay trong những ngày đầu kháng chiến chống Pháp, thậm chí có thể kể đến truyền thống xa xưa, từ thời Ngô Quyền phá quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng, từ Trần Quốc Tuấn, Yết Kiêu, Trần Khánh Dư, Nguyễn Huệ cho đến Nguyễn Trung Trực,...

Đúng vậy. Tôi nhớ hoài một sự kiện đặc biệt, là vào ngày 24 tháng 8 năm 1955 sau khi vừa thành lập quân chủng được mấy ngày, đã xây dựng được hai thủy đội canô là Sông Lô và Bạch Đằng, tiến hành duyệt binh lần đầu ngay trên sông Cấm, với sự có mặt của Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp, Thiếu tướng Phó tổng tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái, Chủ nhiệm tổng cục Nguyễn Chánh, Bí thư Thành ủy Hải Phòng Đỗ Mười. Canô 514 chở Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng các đại biểu đi trên ba chiếc canô, duyệt đội ngũ các thủy đội. Khu vực sông Cấm này giáp với cửa Nam Triệu của sông Bạch Đằng, nơi anh hùng Ngô Quyền lập nên chiến tích ngày xưa.

 

Theo chuẩn đô đốc, từ khi chính thức được thành lập đến nay, quân chủng hải quân đã lập nên những kỳ tích tiêu biểu nào?

Hải quân là một quân chủng được thành lập sớm, đã phục vụ hết sức đắc lực cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Hải quân phụ trách một vùng biển dài trên ba ngàn kilômét, lãnh hải rộng hàng triệu cây số vuông; bảo vệ có hiệu quả vùng biển, hải đảo và bảo đảm cho nhân dân đi lại làm ăn sinh sống an toàn trong chiến tranh cũng như trong hòa bình xây dựng. Đó quả là một kỳ tích.

Hải quân đã kịp thời hình thành đường Hồ Chí Minh trên biển, trong lúc đường Hồ Chí Minh trên dãy Trường Sơn phát triển chưa vào tới các tỉnh cực Nam, nhất là những năm đầu đánh Mỹ. Đã cấp bách vận chuyển người cùng hàng vạn tấn vũ khí, quân trang vào các chiến trường Nam Bộ, cực Nam Trung Bộ, có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc phát triển lực lượng vũ trang đẩy mạnh tác chiến tập trung, đánh bại chiến tranh đặc biệt Mỹ ngụy, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp thống nhất đất nước.

Hải quân cũng sáng lập nên lực lượng đặc công nước, một binh chủng đặc biệt mà không có quốc gia nào có, hiệu quả chiến đấu về tiêu diệt và phá hủy tàu địch không một hạm đội nào của thế giới sánh bằng. Đặc công nước đã góp phần to lớn vào việc giải phóng hệ thống đảo năm 1975, trong đó gồm cả quần đảo Trường Sa.

Ngoài ra, hải quân còn phối hợp với các quân binh chủng và lực lượng trên bờ góp công lớn giúp đỡ cách mạng Campuchia giải phóng đất nước thoát khỏi nạn diệt chủng Pol Pot năm 1979.

 

Trong lần gặp gỡ gần đây giữa Đại tướng Võ Nguyên Giáp với McNamara, cựu bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ, người được xem như một trong những kiến trúc sư cho cuộc chiến xâm lược Việt Nam, đã có đề cập tới sự kiện vịnh Bắc Bộ ngày 5 tháng 8 năm 1964. Khi ấy, với tư cách chỉ huy trưởng Căn cứ 2 Hải quân, là nhân chứng sống trực tiếp của sự kiện lịch sử trên, Chuẩn đô đốc còn nhớ gì về diễn biến tình hình lúc ấy?

Năm 1964, Mỹ đưa quân vào miền Nam, vì muốn ngăn chặn sự tiếp viện từ miền Bắc, nên chúng âm mưu mở rộng chiến tranh phá hoại ra miền Bắc bằng không quân, hải quân của các hạm đội. Từ sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai, chưa một nước nào dám đụng đến lực lượng hạm đội Mỹ, khi chúng dùng làm lợi khí cho hành động sen đầm quốc tế. Mở đầu, Mỹ đã cho tàu Maddox của Hạm đội 7 ra khống chế uy hiếp xâm phạm vùng biển vịnh Bắc Bộ, cách bờ từ năm đến bảy hải lý. Chúng nghênh ngang vượt vĩ tuyến 17 - Quảng Trị ra tận vùng đảo Biển Sơn, Thanh Hóa.

Được sự chuẩn y của Bộ Tổng tham mưu, ngày 02 tháng 8 năm 1964 Bộ Tư lệnh Quân chủng Hải quân đã sử dụng một phân đội tàu phóng lôi đánh đuổi tàu Maddox ra khỏi vùng biển miền Bắc. Hải quân bắn bị thương tàu Maddox, làm hư hỏng một số thiết bị; đồng thời bắn rơi một máy bay hộ tống, làm bị thương một chiếc khác. Quân ta có bốn cán bộ chiến sĩ hy sinh, sáu bị thương, hai tàu bị hỏng. Đây là trận đánh đầu tiên của hải quân sau mười năm xây dựng. Trận đánh diễn ra trong tình hình Mỹ đang xúc tiến âm mưu mở rộng chiến tranh trên cả hai miền Nam Bắc, nên kết quả của nó đã cổ vũ mạnh mẽ quyết tâm đánh Mỹ của quân dân cả nước. Sau trận đánh tôi nhớ anh Nguyễn Chí Thanh đã khen ngợi và nói: “Nhân dân ta, quân đội ta dám đánh Mỹ và biết cách đánh Mỹ, bất cứ binh lực nào và từ đâu đến…” và “Bờ biển của ta chứ không phải ao nhà của chúng…”!

Ngày hôm sau, 04 tháng 8 năm 1964, Mỹ dựng lên sự kiện vịnh Bắc Bộ, khi loan tin hai tàu khu trục của chúng bị hải quân Bắc Việt tấn công lần thứ hai ngoài hải phận quốc tế! Lấy cớ đó, ngày 05 tháng 8 năm 1964, Mỹ huy động máy bay hải quân mở cuộc hành quân Pierce Arrow (Mũi tên xuyên) đánh phá năm điểm miền Bắc: Hòn Gai, Bãi Cháy (thuộc Hồng Quảng), Lạch Trường (Thanh Hóa), Cửa Hội (Vinh - Nghệ An) và cảng Gianh (Quảng Bình). Toàn là các cảng hải quân, trong đó có các điểm thuộc Căn cứ 2 do tôi trực tiếp phụ trách. Cùng phối hợp với các quân binh chủng khác, bộ đội hải quân đã chiến đấu anh dũng, góp phần quan trọng giành thắng lợi trong trận đầu ra quân đối địch với không quân và hải quân Mỹ.

 


 

Chuẩn đô đốc có thể cho biết một trong những chiến công tiêu biểu nhất của hải quân trong kháng chiến chống Mỹ?

Mỹ đã thả hàng chục vạn tấn bom hòng phong tỏa, làm tê liệt vùng biển, hải cảng, sông ngoài miền Bắc. Thực tế trong quá trình chiến tranh, giao thông đường thủy có gặp nhiều khó khăn, nhưng ta vẫn có cách khắc phục để tàu thuyền tiếp tục đi lại làm ăn. Đến khi Mỹ tuyên bố ngừng ném bom, thì chỉ sau hai mươi bốn giờ cửa Nam Triệu vào cảng Hải Phòng - cửa biển lớn nhất đã thông luồng. Sau 48 giờ, hầu hết các cửa sông ven biển tàu thuyền đi lại an toàn. Trong khi đó, nhiều nhà quân sự am hiểu về hiệu suất và thiệt hại của bom từ trường và thủy lôi cho rằng: phải hàng chục hay hai ba chục năm sau tàu thuyền mới có thể đi lại trên các luồng lạch, cửa cảng, bờ biển miền Bắc Việt Nam! Điều này, cả Mỹ cũng bất ngờ…

 

Trong chiến tranh biên giới Tây Nam, hải quân có vai trò ra sao? Nhiệm vụ cụ thể của Chuẩn đô đốc lúc bấy giờ trên cương vị chỉ huy trưởng Vùng 5 Hải quân?

Chỉ ba ngày sau khi miền Nam được giải phóng, tức ngày 03 tháng 5 năm 1975, bọn Pol Pot - Iêng Sary đã xua quân xâm phạm vùng biển, hải đảo nước ta, mà trước tiên là tấn công đảo Phú Quốc. Ngày 10 tháng 5 chúng lại ngang nhiên nổ súng đánh đảo Thổ Chu, tàn sát bắt bớ trên 300 dân. Phía đất liền, vào tháng 4/1975 tập đoàn Pol Pot dùng nhiều sư đoàn vượt biên giới tấn công các tỉnh Tây Nam. Chúng tàn sát một cách dã man hàng ngàn người dân vô tội. Nhiều tàu thuyền, nhà cửa, làng mạc bị tàn phá.

Bên cạnh đó, đứng trước nguy cơ dân tộc Khmer bị diệt chủng, ngày 02 tháng 12 năm 1978, Mặt trận Đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia đã ra lời kêu gọi trong đó có đoạn: “... Thiết tha kêu gọi nhân dân và Chính phủ các nước … hãy tích cực ủng hộ và giúp đỡ mọi mặt cho cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân chúng tôi”!

Trước tình hình ấy, buộc chúng ta phải đánh trả để tự vệ và giúp cách mạng, nhân dân Campuchia thoát khỏi ách diệt chủng của tập đoàn phản cách mạng Pol Pot - Iêng Sary. Chấp hành mệnh lệnh cấp trên, chuẩn bị chiến đấu hiệp đồng quân binh chủng, Bộ Tư lệnh Quân chủng Hải quân quyết định tập trung lực lượng toàn quân chủng chuẩn bị tốt ở hướng Bắc hướng Đông, nhanh chóng kiện toàn các đơn vị phía Nam, để khi chiến đấu là giành thắng lợi.

 

Quân chủng hải quân được giao những mục tiêu cụ thể nào? Trình tự diễn tiến cơ bản các trận đánh ra sao?

Ngày 05 tháng 1 năm 1979, các đơn vị hải quân bước vào chiến đấu đợt hai dưới sự chỉ huy trực tiếp của Tư lệnh Giáp Văn Cương và Phó tư lệnh Hoàng Hữu Thái. Lực lượng sử dụng gồm: Vùng 5 Hải quân do tôi làm chỉ huy trưởng, anh Nguyễn Văn Lắm làm chỉ huy phó chính trị, Hạm đội 171 do anh Phạm Quang Nho làm chỉ huy trưởng, anh Nguyễn Văn Trọng làm chỉ huy phó chính trị, cùng Lữ đoàn 126, trung đoàn bộ binh phối thuộc của Quân khu 9 và một đơn vị không quân…

Ngày 06 tháng 1 năm 1979, dưới sự chi viện hỏa lực của Vùng 5 và Hạm đội 171, Lữ đoàn 126 đã đổ bộ lên Tà Lơn, chuyển hướng tiến quân về cảng Réam và Kompongsom. Lực lượng Vùng 5 và Hạm đội 171 tiếp tục vận chuyển chi viện hỏa lực cho Trung đoàn 101 (thuộc Vùng 5) đổ bộ lên cảng Réam và Kompongsom, đồng thời tổ chức các hải đội tàu chiến đấu tấn công vào tàu và cảng địch. Đến ngày 10 tháng 01, hải quân hiệp đồng với Quân đoàn 2 bộ binh tiến quân trên đất liền ven biển, đánh chiếm hoàn toàn cảng Réam, Kompongsom. Quân ta đánh chiếm nhiều tàu địch thu toàn bộ kho tàng, vũ khí, bắt một số tù binh, số còn lại chạy tán loạn lên thị xã Kô Kông giáp biên giới Thái Lan.

Trong thời gian này, một hải đội thuộc Hạm đội 171 cùng Đoàn 962 của Quân khu 9 tiến quân theo đường sông, đã có mặt tại Phnôm Pênh vào ngày 07 tháng 01, yểm trợ hiệu quả cho bộ binh đổ bộ vượt sông giải phóng hoàn toàn thủ đô nước bạn.

 

Như vậy Chuẩn đô đốc không trực tiếp tiến vào giải phóng Phnôm Pênh?

Không, nhiệm vụ của chúng tôi là tiếp tục tiêu diệt hải quân và các lực lượng phòng thủ ven biển của địch co cụm trên các đảo phía Bắc Kô Kông, trước khi tiến vào giải phóng thị xã Kô Kông. Ngày 16/1, đợt tấn công lần thứ hai bắt đầu. Trong đợt này đã tập trung toàn bộ lực lượng Vùng 5, Hạm đội 171, Lữ đoàn 126, Trung đoàn 66 bộ binh của Quân đoàn 2. Hải quân huy động hơn 120 tàu thuyền chiến đấu, vận tải. Quân chủng Không quân sử dụng các loại máy bay C130, F5, A37 chiến đấu trung bình bốn mươi chiếc mỗi ngày…

Vâng. Đây là trận đánh hợp đồng quân binh chủng quy mô. Từ trên tàu chỉ huy sở Quân chủng Hải quân, theo sự chỉ định của Tư lệnh Giáp Văn Cương, tôi với tư cách chỉ huy trưởng Vùng 5 được máy bay trực thăng chở đến trực tiếp chỉ huy lực lượng hải quân đổ bộ lên bờ chiến đấu. Mở đầu, không quân và hải quân tập trung hỏa lực tiêu diệt các mục tiêu trọng yếu, dọn bãi đổ bộ quân. Tiếp đến, quân đổ bộ lên bờ chiếm đầu cầu, tiến đánh chiếm các đảo và đỉnh cao 237. Cuối cùng, chia quân phong tỏa truy quét các nơi.

Tuy gặp nhiều khó khăn trước sự chống trả của địch, nhưng sau hai ngày đêm liên tục chiến đấu quân ta đã chiếm thị xã Kô Kông vào ngày 18/1/1979. Vùng biển, hải đảo Campuchia hoàn toàn giải phóng đến giáp biên giới Thái Lan. Sư đoàn 164 hải quân và Sư đoàn 101 phòng thủ bờ biển của Pol Pot bị xóa sổ. Quân tình nguyện thu giữ toàn bộ vũ khí, tàu thuyền, lương thực thực phẩm,...ở các đồn trú; đồng thời tìm kiếm tập trung và hướng dẫn hàng chục ngàn người dân địa phương lánh nạn diệt chủng trở về với gia đình, quê hương. Nhiều người trốn tận rừng sâu. Chúng tôi giúp đưa họ trở về chủ yếu bằng tàu đổ bộ của Hải quân.

Kết thúc đợt chiến đấu này, Quân chủng Hải quân đã hoàn thành xuất sắc nghĩa vụ quốc tế và có bước trưởng thành. Sau đó, hải quân ta còn phải giúp xây dựng lực lượng hải quân Campuchia để bảo vệ vùng biển, hải đảo và tiếp tục tiêu diệt tàn quân diệt chủng Pol Pot - Iêng Sary còn sống sót.
 

Thưa Chuẩn đô đốc, trong cuộc đời binh nghiệp của mình, Chuẩn đô đốc có nhiều dịp gặp và làm việc với Chủ tịch Hồ Chí Minh?

Tôi rất may mắn là thời gian phục vụ ở Sư đoàn 350 tiếp quản bảo vệ thủ đô lẫn khi chuyển sang hải quân đều được gặp Bác. Tháng 9/1969, tôi lại được Bộ Tư lệnh Quân chủng Hải quân cử làm trưởng đoàn đại biểu với hơn 100 cán bộ chiến sĩ hải quân lên Quảng trường Ba Đình, Hà Nội tiễn Bác đi xa.
 

Sinh thời, những kỷ niệm nào của lãnh tụ đối với hải quân còn in đậm trong ký ức Chuẩn đô đốc?

Hồ Chủ tịch đến thăm và dạy bảo cán bộ chiến sỹ Quân chủng Hải quân nhân dân Việt Nam nhiều lần. Chẳng hạn, ngày 15/3/1961 Bác đến thăm Bộ Tư lệnh quân chủng ở Hải Phòng. Sau khi nghe Tư lệnh Nguyễn Bá Phát báo cáo tình hình, Bác khen ngợi: “Các chú có nhiều cố gắng thế là tốt. Hiện giờ tàu bè vũ khí của ta chưa nhiều, ta phải từng bước từng bước xây dựng. Trước mắt, ta phải giữ gìn tốt những thứ sẵn có, để có thể đánh địch khi cần thiết”.

Trên đường từ cảng Hải Phòng ra vùng biển Đông Bắc, khi tàu đang đi trên sông Bạch Đằng, Bác xúc động nói: “Hải quân ta phải học tập kinh nghiệm chiến đấu hiện đại nhưng không được quên truyền thống đánh giặc xưa kia của tổ tiên. Các chú phải nhớ xây dựng hải quân của nhân dân Việt Nam, chứ không phải hải quân của thế giới”.

Tàu đưa Bác đến thăm hang Đồ Gỗ, nơi trước đây Trần Hưng Đạo đã cho quân vót cọc cắm dưới lòng sông Bạch Đằng để diệt giặc Nguyên Mông. Vừa đến nơi, Bác quay sang chúng tôi ân cần bảo: “Ngày trước ta chỉ có đêm và rừng. Ngày nay ta có ngày có trời có biển. Bờ biển ta dài tươi đẹp, ta phải biết giữ gìn lấy”.

Ngày 13/11/1962, bộ đội hải quân lại được vinh dự đón Bác ở Vạn Hoa trong dịp Đoàn 135 tàu phóng lôi, đơn vị 200 tàu săn ngầm, tiểu đoàn pháo binh bờ biển...tổ chức luyện tập. Chúng tôi vô cùng xúc động khi Bác đến thăm và được nghe Người kể chuyện Trần Khánh Dư, một danh tướng nhà Trần ở thế kỷ XIII đã dùng mưu đánh chiếm đoàn thuyền lương thực của giặc. Bác căn dặn chiến sĩ hải quân phải ra sức phát huy truyền thống đánh giặc của cha ông: “Là chiến sĩ hải quân, các chú phải biết yêu quý đảo như nhà mình, chịu khó cải tạo xây dựng thành những mảnh đất vừa giàu vừa đẹp, vừa có lợi cho mình vừa có lợi cho đất nước”.
 

 

Chuẩn đô đốc còn nhớ thời điểm Hồ Chủ tịch tự tay lái tàu đưa German Titov, anh hùng phi công vũ trụ Liên Xô, đi thăm vịnh Hạ Long?

Nhớ chứ. Đó là thời khắc hết sức đặc biệt, cũng vào năm 1962, mà cán bộ chiến sĩ hải quân chúng tôi luôn nhớ và chiêm ngưỡng. Từng là một thủy thủ dày dạn đi biển, Bác đã chỉ dẫn cho anh em thủy thủ các động tác cập nhật như: quăng dây, buộc, mở lúc tàu rời, cập bến thế nào cho thật đúng thật tốt. Đặc biệt, trong chuyến thăm ấy có lần Bác còn đội mũ hải quân, tự tay cầm lái tàu dưa German Titov đi thăm thắng cảnh Hạ Long. Lúc tàu đến đảo Cồn Cát, trước vẻ kỳ thú hiếm có của thiên nhiên, Bác cho tàu dừng lại để chiêm ngưỡng và tắm biển. Titov cũng hết sức thích thú. Sau đó, Bác đề nghị cho đảo này mang tên anh hùng Titov.

Bác đã vĩnh viễn đi xa nhưng những lời Bác ân cần dạy bảo, hình ảnh Bác trong trang phục hải quân trực tiếp lái tàu đi biển là vô giá, là bất diệt. Nó sẽ mãi mãi khắc sâu trong tâm khảm những người lính Quân chủng Hải quân nhân dân Việt Nam anh hùng, vang vọng mãi với non sông đất nước, lưu truyền mãi cho con cháu mai sau. 

 

Là một cán bộ kỳ cựu của hải quân, trong tâm khảm Chuẩn đô đốc, tài năng những nhà lãnh đạo nào của quân chủng thực sự làm cho Chuẩn đô đốc khâm phục?

Có nhiều anh, trong đó có các anh Nguyễn Bá Phát, Giáp Văn Cương, Tạ Xuân Thu… đều từng là tư lệnh quân chủng, đã có nhiều công lao trong việc xây dựng và phát triển lực lượng hải quân cũng như quân đội ta.

 

Hình như Thiếu tướng Nguyễn Bá Phát là tư lệnh đầu tiên của Quân chủng Hải quân?

Anh Nguyễn Bá Phát nguyên là tham mưu trưởng Liên khu 5, năm 1955 được Bộ Quốc phòng gọi về Cục Tác chiến phụ trách bộ phận chuyên trách theo dõi vùng biển, sau đó trở thành cục trưởng Cục Phòng thủ bờ biển, rồi tư lệnh Quân chủng Hải quân. Tôi rất kính trọng anh Nguyễn Bá Phát và xem như anh em ruột thịt. Khi xảy ra sự kiện vịnh Bắc Bộ, tôi là chỉ huy trưởng Căn cứ 2 Hải quân thuộc Khu 4, từ Thanh Hóa đến Vĩnh Linh, được đón Tư Lệnh Nguyễn Bá Phát dẫn đầu đoàn cán bộ Bộ Tự lệnh Quân chủng Hải quân vào kiểm tra tình hình Căn cứ 2.

Ngày 05 tháng 8 năm 1964, đang lúc kiểm tra tình hình sẵn sàng chiến đấu của lực lượng tàu thuyền tại bến cảng sông Gianh thì địch bất ngờ tấn công. Tư lệnh Nguyễn Bá Phát đã cùng chúng tôi trực tiếp chỉ huy bộ đội hải quân đánh địch. Hành động đó của tư lệnh quân chủng đã làm tinh thần cán bộ, chiến sĩ phấn khởi, tự tin, dũng cảm chiến đấu đạt hiệu suất cao! Không chỉ là một người tốt, mà anh Nguyễn Bá Phát còn được đánh giá là nhà chỉ huy quân sự tài giỏi, mưu lược.

 

Thưa Chuẩn đô đốc, trong ngành hải quân, phụ nữ hoạt động chủ yếu ở các bộ phận nào?

Thông tin, rađa là hai bộ phận rất hợp với phụ nữ. Hải quân hoạt động ngoài biển, cần sự theo dõi chặt chẽ tàu thuyền và quản lý vùng biển, nên công tác thông tin, rađa rất quan trọng, đòi hỏi sự kiên nhẫn, chính xác. Mà những đức tính này là ưu thế của chị em. Ngoài ra, ngành hậu cần chị em cũng quán xuyến lắm!
 

Bà nhà có cùng hoạt động trong ngành hải quân?

Không phải hải quân nhưng cũng liên quan đến biển (cười). Bà ấy nguyên là cán bộ nữ công của Tổng cục Đường biển.
 

Nhờ vậy mà ông bà đến với nhau?

Đâu có, tôi gặp bà từ khi còn chiến đấu ở Bình Trị Thiên. Bà ấy người Nghệ An, gánh đạn vào tiếp tế chiến trường, chúng tôi quen nhau. Đến khi tôi tập kết ra Bắc, mới gặp lại, hứa hẹn làm bạn đời với nhau. Nhưng phải đợi bốn năm sau (1959), khi tôi học ở Trung Quốc trở về thì mới tổ chức đám cưới. Chúng tôi có hai đứa con gái, hiện có thêm hai con rể và bốn cháu ngoại. Con gái và rể tôi đều làm việc trong Quân chủng Hải quân. Đã về hưu rồi, nhưng bà nhà tôi vẫn rất “hăng”. Bà lãnh đủ thứ chức, từ tổ dân phố đến cấp ủy và cả cán bộ phường, hội họp tối ngày. Đến nỗi hàng xóm ai cũng lấy làm lạ, sao cái bà này say mê công việc đến thế!
 

Chuẩn đô đốc có bực bội không?

Ồ, sao lại bực? (Cười lớn) Tôi luôn động viên khuyến khích nữa đấy chứ. Mỗi lần bà đi họp, tôi đều chở bà đi, có khi mười một giờ đêm lên phường đón bà về. Nhờ vậy mới có hàng chồng giấy khen là đôi vợ chồng hạnh phúc trên phường tặng cho (lại cười kha khả). Thực tình, tôi nhiều tuổi, thấy bà còn có thể làm được việc gì có ích cho xã hội, cho đồng đội, bà con là tôi mừng, tôi khuyến khích. Bà là một người phụ nữ tốt, đảm việc nhà việc nước, hết lòng thương yêu con cháu.
 

Vâng, hình ảnh ông bà thật đúng như hai câu thơ Huy Cận đã viết khi nhà thơ cũng vừa bước vào tuổi tám mươi: “Cây cổ thụ không về hưu với đất - Bậc cao niên không hưu trí với đời”. Đối với việc giáo dục con cháu, ông bà chú trọng đến khía cạnh nào?

Chúng tôi chỉ nói ít thôi, nhưng may là các con tôi nhanh hiểu được lòng ba mẹ. Tôi từng nói rằng, các con đã khôn lớn, định làm gì thì làm, nhưng trước hết phải gìn giữ truyền thống gia đình thay thế dần công việc ba mẹ còn để lại, để khi nhắm mắt ba mẹ được yên lòng. Muốn được là người phụ nữ đức hạnh thì trước hết phải hiểu đức hạnh là sự nghiêm trang của người phụ nữ. Luôn nghĩ và làm những việc đúng việc tốt, tránh xa những cái xấu chưa được cải tạo của xã hội.

Trong đời thường, ví như muốn ăn mặc đúng thời trang thì phải hiểu rằng, thời trang là biểu hiện đạo đức của con người. Chứ thời trang không phải là ăn mặc hở hang, kiểu cọ diêm dúa. Ông bà mình nói “đẹp như tiên” chứ có nói “đẹp như người tiền sử” đâu! Hãy nhìn những bức tranh tiên, dù có đang bay trên mây trên gió thì tiên vẫn luôn hết sức dịu dàng, kín đáo. Áo dài, áo tứ thân của phụ nữ ta mặc đàng hoàng cũng là tiên đấy chứ! Trong những cuộc thi thời trang quốc tế, trang phục truyền thống của phụ nữ Việt Nam luôn được thế giới ca ngợi và đặt ở vị trí trang trọng, ta phải lấy đó làm tự hào và phát huy. Thời gian gần đây, tôi rất có ấn tượng khi nhìn thấy nhiều chị em mặc áo dài truyền thống trong lúc làm nhiệm vụ trên màn ảnh nhỏ truyền hình và một phần trên các sàn diễn. Họ thật đẹp, đẹp như tiên!
 

Ông mình mất vào năm 2003, hưởng thọ 76 tuổi

Tâm sự của Chuẩn đô đốc Nguyễn Dưỡng thật đáng để hậu thế suy nghĩ. Cách sống, cách ăn mặc của mỗi con người là biểu hiện đạo đức thẩm mỹ, mà cũng là một trong những chuẩn mực biểu hiện tri thức và bản sắc văn hóa. Lão tướng cùng bao thế hệ đi trước không tiếc tuổi xuân xương máu chiến đấu cho nền độc lập tự do Tổ quốc, cũng chính là chiến đấu vị sự tồn vong của nền văn hóa truyền thống dân tộc trước sự “xâm thực” bành trướng không ngừng của các thế lực văn hóa ngoại bang. Chẳng phải ngẫu nhiên, trong một kỳ họp Quốc hội gần đây, Tổng bí thư Lê Khả Phiêu đã khẳng định: “Nếu để mất bản sắc dân tộc thì sẽ mất tất cả:. Không gì đau khổ bằng một con người không có cội nguồn, không có quê hương và nhất là không có một nhân cách văn hóa riêng mình.

Tân Bình, tháng 8 năm 1999
Phan Hoàng - Phỏng Vấn Tướng Lĩnh Việt Nam (Tuyển Tập)

------

Tham khảo:

Link sách pdf 1: Phỏng Vấn Tướng Lĩnh Việt Nam
Link sách pdf 2: Phỏng Vấn Tướng Lĩnh Việt Nam

Quân sử Việt Nam: Phan Hoàng - Phỏng Vấn Tướng Lĩnh Việt Nam 

Blogger:GiangGina

Thành lập vào một ngày tháng 6/2014, deargiang.com là nơi mình chia sẻ mọi cảm xúc, kiến thức và mối quan tâm về Digital - Management - Travel cũng như các vấn đề về cuộc sống khác. Các bài viết trên deargiang một phần do mình viết, một phần do mình sưu tầm. Các bài viết này có điểm chung là những kiến thức, những câu chuyện, những quan điểm và những chia sẻ về cuộc sống có giá trị lâu dài. Mình hi vọng các chia sẻ của mình nhận được sự đồng cảm. Mọi đóng góp nếu có vui lòng gởi về email: gianggina@yahoo.com

Thống kê lượt xem

Tổng truy cập 1,369,682

Đang online4