Visits, Visitors, Clicks, Pageviews, Unique Pageviews, Sessions & Bounce Rate

[GG] Bài viết này giúp bạn phân biệt các thuật ngữ như: Visits, Visitors, Clicks, Pageviews, Unique Pageviews, Sessions & Bounce Rate ... trong quá trình phân tích các dữ liệu Google Analytics.

Ngày đăng: 29-03-2016

5,931 lượt xem

Bất kỳ Admin của một trang web nào cũng phải làm quen với các khái niệm này. Tuy nhiên, những thuật ngữ và chỉ số trên vẫn bị hiểu nhầm hay sử dụng một cách không chính xác. Dữ liệu khách truy cập trong tài khoản Google Analytics có thể dễ dàng bị diễn giải nhầm do nhiều thuật ngữ giống nhau được sử dụng trong các báo cáo khác nhau. Vì vậy các bạn cần lưu ý các khái niệm sau:

1. Clicks: Nhấp chuột & Visits: Lượt truy cập 

- Clicks: cho chúng ta biết có bao nhiêu lượt khách truy cập click vào mẫu quảng cáo. 

- Visits: là số lượt truy cập (phiên truy cập duy nhất) vào website của chúng ta. Mỗi lượt truy cập tương đương với 30 phút hoạt động trên trang web của người dùng. Như vậy một người có thể click vào mẫu quảng cáo nhiều lần nhưng nếu như thời gian họ ở trên trang không quá 30 phút thì số Clicks vẫn tăng nhưng Visits sẽ không tăng. 

Giả sử bạn truy cập vào website http://deargiang.com lúc 8 giờ, sau 2 phút, bạn có việc phải ra ngoài và 28 phút sau mới quay trở lại. Sau đó bạn truy cập vào một trang khác trên site của mình ở phút thứ 31 (tức là lúc 8h31ph). Như vậy lượt truy cập thứ 2 đã được khởi tính (Visits). Nói tóm lại, trong 30 phút hoạt động trên website, bạn có vào bao nhiêu trang (trên site mình) đi chăng nữa thì cũng chỉ được tính là 1 lượt của phiên ban đầu (Visit) cho dù bạn có tắt trình duyệt rồi mở lại cũng thế. Nếu bạn tắt trình duyệt, tắt tab, và chỉ tương tác với site từ phút thứ 31 trở đi thì mới được tính làm lượt truy cập thứ 2.

2. Điểm khác biệt giữa Visits & Sessions (Phiên truy cập)

Theo định nghĩa chuẩn của Google thì 1 session cũng tương đương 30 phút hoạt động trên site của người dùng với điều kiện là không có một truy cập sang domain khác chen giữa do người dùng click vào một đường link dẫn sang một trang web khác trên site hiện tại (Outbound link).

Nói một cách dễ hiểu hơn, khi truy cập website ABC.com, bạn duyệt liên tiếp các trang A > B > C. Sau đó tại trang C, bạn click vào một link dẫn đến trang web XYZ.com. Ngay lúc này 1 session đã kết thúc vì bạn đã truy cập một trang ngoài (domain khác). 

Sau đó, bạn trở lại trang ABC.com để tiếp tục duyệt các trang khác, lúc này session thứ 2 đã được khởi tính nhưng bạn vẫn thuộc lượt truy cập thứ 1 (vì tất cả tác vụ bạn thực hiện vẫn nằm trong phạm vi 30 phút tính từ lúc bạn bắt đầu truy cập ABC.com). Ngươi ta vẫn thường xem visit và session gần giống nhau, nhưng nếu xét cho kĩ lượng thì số lượng session có thể nhiều hơn visit trong cùng một lượt truy cập.

3. Visitors: Khách truy cập

- Visitors hay Unique Visitors hoặc Absolute Unique Visitors là số người truy cập không trùng lắp vào trang website của bạn trong một đơn vị thời gian. Ví dụ 1 ngày trang của bạn có 500 người vào xem thì Visitor/ngày sẽ là 500. Nếu trong một tháng được chọn để báo cáo, bạn truy cập blog mình 5 lần thì Google sẽ chỉ tính bạn là 1 visitor trong khoảng thời gian đó.  Một Unique Visitor được khởi tính dựa trên 2 yếu tố đó là mốc thời gian mà người dùng bắt đầu truy cập trang web + số ID ngẫu nhiên trên máy tính của bạn.

Thực ra có nhiều tranh cãi về chỉ số này, vì thực sự có ai biết chắc rằng trong khoảng thời gian đó người dùng không xóa Cookies trình duyệt hay thay đổi IP. Biết đâu cũng người dùng đó (nhân dạng) lại truy cập website bạn thông qua máy tính của bạn bè hay ra máy tính của dịch vụ Internet. Dù sao thì con số này cũng  có độ chính xác mang tính tương đối có thể chấp nhận được trong ngành quảng cáo trực tuyến.

4. Pageviews: Số lần xem trang

Giả sử khi có một người truy cập trang web của mình, pageview lúc này là 1. Khi họ load lại trang đó, nó sẽ được tính thêm 1 lượt pageview mới. Một website thông thường sẽ có rất nhiều trang. Mỗi trang được được load thông qua một địa chỉ URL. Mỗi lần bạn F5 trang web hay truy cập một URL nào đó thì đều được tính là một page view. Nói cách khác 1 page view = 1 lần request trang web về server từ trình duyệt của người dùng, bất kể đó là trang đã truy cập rồi.

5. Unique Pageviews: Số lần xem trang duy nhất / Số trang duy nhất được xem

Nếu trong 1 session bạn xem trang A, B, C sau đó quay lại trang A rồi sang trang B, thì Google sẽ chỉ tính số trang bạn đã xem là 3 trang đó là A, B và C, loại bỏ các trang được xem lại. Cứ như thế, sang session khác, quy tắc tính này lại được lặp lại.

Như vậy, thông thường Page Views sẽ là con số lớn nhất trong các chỉ số, tiếp theo là Unique Page ViewsVisits rồi tới VisitorsNắm rõ được các định nghĩa này thì các bạn sẽ có thể nói chuyện một cách chuyên nghiệp và chính xác hơn với advertiser.

6. Page per Visit = Page Views/Visits

Chỉ số này khẳng định mức độ hấp dẫn của nội dung, khiến người dùng phải đi sâu vào tìm hiểu và thưởng thức website. Đối với các quảng cáo đặt cố định thì việc người dùng vào sâu trong trang sẽ tăng hiệu quả ấn tượng của quảng cáo. Bởi lẽ, với cùng một người dùng vào 3 trang liên tiếp trên site thì tại cùng vị trí đó (quảng cáo độc quyền, không chia sẻ) thì banner sẽ “đập vào mặt” họ 3 lần. 

7. Bounce Rate 

Là tỷ lệ % lượng truy cập vào website hoặc từ trang web khác tới website của bạn và rời bỏ website của bạn mà không xem bất cứ một trang nào khác. Có nghĩa là tỉ lệ người truy cập không tìm thấy thông tin hữu ích trên website của bạn. VD: Website của bạn ngày hôm qua có thể đem đến cho bạn 100 visitors, trong đó có 65 người sẽ tiếp tục duyệt xem các trang khác còn 35 người thì không, và theo cách tinh đó Bounce Rate có tỉ lệ là 35%.

 

8. Để giảm tỉ lệ Bounce Rate, ta phải:

- Cải thiện lại tốc độ load trang của website, giảm tình trạng khách chờ đợi tải trang quá lâu và thoát ra lập tức.

- Hãy đầu tư về mặt nội dung cho thật tốt liên quan đến những gì mà khách truy cập tìm kiếm đến. Những bài viết hời hợt sẽ không giữ chân người dùng lâu. 

- Bên cạnh đó thiết kế phải thật rõ ràng, dễ nhìn. Các tiêu đề, navigate link phải cuốn hút và kích thích khách truy cập click vào đó.

- Kết hợp với việc tận dụng cấu trúc Internal Links một cách thích hợp. Giả sử, khách truy cập đến với site của bạn với một tìm kiếm cụ thể nào đó nhưng nội dung lại không phù hợp, và nếu có một số liên kết đến với các chủ đề có liên quan sẽ giúp giữ chân được họ ở lại site bạn lâu hơn.

- Tự động tạo ra các bài viết liên quan bằng việc tagging các từ khóa thích hợp, chế độ scroll up hoặc xem thêm ... Điều này có công dụng rất lớn trong việc cung cấp một danh sách các bài viết bổ sung có liên quan đến chủ đề bài viết hiện tại.

Phân tích & Tổng hợp: GiangGina

Blogger:GiangGina

Thành lập vào một ngày tháng 6/2014, deargiang.com là nơi mình chia sẻ mọi cảm xúc, kiến thức và mối quan tâm về Digital - Management - Travel cũng như các vấn đề về cuộc sống khác. Các bài viết trên deargiang một phần do mình viết, một phần do mình sưu tầm. Các bài viết này có điểm chung là những kiến thức, những câu chuyện, những quan điểm và những chia sẻ về cuộc sống có giá trị lâu dài. Mình hi vọng các chia sẻ của mình nhận được sự đồng cảm. Mọi đóng góp nếu có vui lòng gởi về email: gianggina@yahoo.com

Thống kê lượt xem

Tổng truy cập 1,379,590

Đang online10