[GG] Mình mới đi du lịch Thái Lan tự túc với gia đình về (18/1/2019-20/1/2019), đây có lẽ là lần thứ 3 mình đến xứ sở Chùa Vàng nhưng lại là lần đầu tiên mình đi theo dạng tự túc. Cảm giác đi du lịch phải lo tất tần tật từ A-Z nó khác với việc có người lo liệu sẵn lịch trình cho và chỉ việc xách ba lô lên và đi lắm. Vì vậy mình muốn viết xuống đây những cảm nhận và lưu ý dành cho những ai sắp sửa lên kế hoạch du lịch tự túc Thái Lan, đặc biệt là du lịch tự túc Bangkok vì đợt rồi, mình chỉ xếp lịch đi mỗi thành phố thủ đô này.
Ngày đăng: 25-01-2019
2,372 lượt xem
Đơn vị tiền tệ của Thái lan là Bah và vừa rồi mình có thử vừa đổi tiền ở ngân hàng, vừa đổi tiền ở bên ngoài dịch vụ thì mình thấy, nếu như ở ngân hàng bạn đổi được 1 bah = 735 vnđ thì ở ngoài dịch vụ (mình đổi ở Tôn Thất Thiệp) bạn chỉ có thể đổi được 1 bah = 745 vnđ (tức mắc hơn tỉ giá trong ngân hàng - tỉ giá ngày 17/1/2019). Nếu bạn đổi số lượng tiền lớn thì hãy vào ngân hàng đổi nhé, nhớ cầm theo vé máy bay điện tử để được phép đổi trong ngân hàng. Luật này áp dụng cho tất cả các loại tiền tệ của các nước. Đổi trong ngân hàng luôn luôn có lợi hơn so với đổi ở bên ngoài.
Đợt rồi mình mua vé máy bay của AirAsia, chuyến Ho Chi Minh - Bangkok - Don Mueang, vé khứ hồi là 354USD/3 người. Tính ra mỗi người là 2.700.000đ vừa đi vừa về. Thật ra giá vé máy bay này có thể rẻ nữa nếu bạn chịu di chuyến thật sớm và chiều về bạn cũng phải thức dậy thật sớm để ra sân bay. Riêng mình đã chọn một giờ bay khá đẹp. Chiều đi: Sáng bay lúc 9:45am. Chiều về: Chiều bay lúc 7:25pm. Điều này cho phép mình khám phá được Bangkok cũng gần trọn 3 ngày, và đồng thời có thêm thời gian ngủ nướng buổi sáng. Ở Bangkok có 2 sân bay: Don Mueang và Suvarnabhumi. Suvarnabhumi thì xây sau nghe nói hiện đại hơn tuy nhiên cũng vì vậy mà hầu hết các chuyến bay quốc tế có đáp tới sân bay này đều sẽ mắc hơn nếu đáp tới sân bay Don Mueang. Mình thì không quan trọng là sân bay nào, cứ thấy hợp lý về kinh tế thì chọn thôi.
Sân bay Don Mueang
Sân bay Suvarnabhumi
Để tìm được giá vé mong muốn, mình đã sử dụng website https://www.skyscanner.com.vn. Website này cho phép bạn so sánh giá vé của các hãng máy bay có đường bay tới Bangkok. Lưu ý sẽ luôn có một khoản phí nhỏ khi bạn thanh toán online.
Còn về khách sạn, mình luôn book phòng trên agoda.com mỗi khi có nhu cầu du lịch tự túc ở bất kỳ nơi đâu. Nếu muốn chi phí tốt, bạn nên đi cặp theo số chẵn, như 2 hoặc 4 người. Không nên đi lẻ vì book phòng sẽ mắc hơn. Riêng trường hợp của 3 mẹ con mình thì mình book một căn phòng có 3 giường đơn để cho thoải mái, mà cả 3 mẹ con đều có không gian chung ấm áp, tiện cho việc thảo luận những điểm đến tiếp theo trong chuyến hành trình. Bạn cũng nên chọn nơi ở gần MRT (Tàu điện dưới lòng đất) hay BTS (Tàu điện trên không) vì ở Bangkok, 2 phương tiện này sử dụng đi lại rất tiện. Ba mẹ con mình đã book khách sạn Atlas Bangkok Hotel, chỉ 2 phút đi bộ ra BTS Nana mà thôi. Và từ Nana, bạn ra Siam Area, BigC cũng rất gần, cũng chỉ mất thêm có 2 trạm di chuyển. Link hotel cho bạn tham khảo tại đây.
Hotel mình ở gần Nana, để ra Siam Center, BigC, Siam Paragon, Platinum, Pratunam, Palladium, Central World, bạn chỉ cần bắt BTS tới Chit Lom và đi bộ trên Sky-walk, con đường trên không giữa trung tâm thủ đô, có nhiệm vụ kết nối các tòa nhà nổi tiếng lại với nhau.
Rất may mắn là Thái Lan có hệ thống tàu điện cao tốc, thuận tiện cho việc di chuyển tới các điểm thăm quan chính của thủ đô. Như có đề cập ở trên, hệ thống tàu điện cao tốc ở Thái Lan được chia ra làm 2 loại: Loại dưới lòng đất (MRT) và loại trên không (BTS). Không như ở Singapore, khi bạn đổi từ MRT sang BTS, bạn phải mua vé khác. Mà vé của 2 phương tiện này cũng không giống nhau. Vé MRT là một miếng nhựa hình tròn, còn vé BTS thì giống như các thẻ MRT ở Singapore hay các thẻ ngân hàng bên mình hay sử dụng. Ở Thái Lan không có loại vé tàu điện mà có thể top-up mỗi lần thẻ hết tiền, chỉ có một loại vé gọi là One-Day Pass, theo mình rất là bất tiện, mà tính ra mình không thấy One-Day Pass tiết kiệm hơn. Lý do thời gian trong ngày có hạn nên cả ba mẹ con đi nhiều lắm (từ 9:30am tới 10pm) cũng không hết số tiền nếu bạn phải chi cho One-Day Pass.
Lần này ở Thái Lan mình có dự tính trải nghiệm thử bus dù nhìn thấy xe bus bên đó còn xấu hơn cả Việt Nam mình nhưng không tài nào bắt nổi bus cả. Nên là phương tiện chủ yếu chính của 3 mẹ con vẫn là MRT, BTS và ... Grabtaxi. Bên Thái Lan cũng có Grab như ở Việt Nam nha các bạn. Có điều mình cảm thấy Grab bên Thái mắc hơn ở Việt Nam thì phải. Từ sân bay mà về tới khách sạn mất khoảng 30 phút nhưng mình đã phải trả 441bah (327.000vnd) bao gồm 120bah phí cầu đường (89.000vnd). Còn taxi, nghe nói phải trả giá, hoặc bảo bác tài bật bảng đo km nên mình ngại không muốn sử dụng, phần mình dở cái khoản trả giá lắm, phần nữa là mấy anh tài người Thái nói tiếng Anh cũng không tốt, nên mình sợ khoản khua chân múa tay.
Rất may ở Thái Lan, bản đồ tàu điện ngoài chữ tượng hình của người Thái còn có cả phiên âm alphabet nên rất dễ sử dụng. Mình luôn mua vé ở quầy để tranh thủ hỏi đường các cô nhân viên ở đó luôn
Trung bình một ngày, ba mẹ con di chuyển tốn khoảng đâu đó trên dưới 100K vnd/người, tùy ngày đi nhiều hay ít, có nán lại ở đâu lâu không. Mỗi vé đâu đó nếu chuyến dài tầm 40bah/người (29.600vnd), còn đoạn đường ngắn khoảng 2 trạm rồi dừng thì là khoảng 25bah/người (18.500vnd). Mình nghĩ giá này hơi đắt nếu áp dụng tại Việt Nam mình. Nếu được, Việt Nam mình trong tương lai nên tham khảo giá Uber bike ấy, rẻ hơn thì càng tốt, vì chính phủ không nên kiếm tiền từ vé (đang khuyến khích người dân dùng phương tiện công cộng để đi lại mà), nên kiếm từ khoản cho thuê quảng cáo tại các trạm tàu điện ấy vì nó sẽ giúp chính phủ và các nhà đầu tư kiếm được khối tiền dư giả cho việc duy trì hệ thống tàu điện rồi.
Ngoài tiền vé máy bay, khách sạn là các bạn có thể đặt và trả tiền trước khi đặt chân tới đất nước Thái Lan, bạn cần chuẩn bị thêm khoản tiền cho việc di chuyển và ăn uống. Trung bình một ngày hãy cứ chuẩn bị rộng rãi cỡ 150Bah tiền đi lại, thêm khoảng 300Bah (222.000vnd) tiền ăn uống - thật ra có thể rẻ hơn hoặc có thể mắc hơn tùy theo phong cách sống của từng người. Mức chi tiêu của người Thái cũng tương đương như ở Việt Nam. Rẻ nhất là vào các cửa hàng tiện lợi 7/11 hay Family Mart, bình dân thì khoảng 40bah/tô bún (30.000vnd), còn vào nhà hàng thì cứ xác định từ 150bah (111.000vnd) trở lên. Còn mua sắm thì vô định lượng.
Trước khi qua Thái Lan, mình cũng có ngâm cứu mấy cái chợ Pratinum, Pratunam rồi Palladium các kiểu (trong 3 cái tên mình mới vừa liệt kê thì khu Palladium là dễ mua nhất, còn Pratunam giống như khu chợ Quận 5 ấy, không có máy lạnh), nhưng mình thấy chợ cuối tuần Chatuchak là tuyệt vời nhất. Chatuchak là khu chợ cuối tuần lớn nhất Đông Nam Á với diện tích hơn 1.3km. Địa điểm khu chợ: 587/10 Kamphaeng Phet 2Rd, Chatuchak, Bangkok. Vì là chợ cuối tuần nên chỉ mở cửa từ 09:00 - 18:00 (thứ 7, chủ nhật), 18:00 - 24:00 (thứ 6). Chatuchak chính là một thiên đường mua sắm với rất nhiều mặt hàng thời trang và phụ kiện mà bạn hoàn toàn có thể đến đây để trở thành một con buôn. Bạn có thể tìm thấy những chiếc kính mát thời trang rất đẹp giá chỉ 39Bah hay những chiếc váy đầm duyên dáng giá cũng chỉ từ 100Bah (tức chỉ 75.000 vnd) mà thôi. Đồ ăn thì cũng rất phong phú, không lo đang giữa chừng shopping bị đói bụng.
Chatuchak Weekend Market
Để đi đến đây có 2 cách. Cách 1 là cách mình đã đi: bắt tàu điện tới BTS trạm Mo Chit, sau đó đi ra bằng cổng số 1, tiếp tục đi dọc khu công viên (đi bộ cũng hơi lâu đấy) sau đó bạn sẽ tới khu chợ Chatuchak. Để đi vào khu shopping quần áo, trước tiên bạn sẽ phải đi xuyên qua khu ẩm thực 2 bên đường. Đi cách này có lợi thế là bạn có thể đi được từ đầu tới cuối chợ mà không sót đoạn nào. Tuy nhiên có 1 cách thứ 2 vào thẳng khu trung tâm của chợ luôn, bằng cách bắt thẳng tàu điện tới trạm MRT Kamphaeng Phet.
Còn bạn nào muốn mua đồ hiệu thì xin mời vào thẳng Central World, Siam Center, Siam Paragon ... mấy nơi này cũng ở gần Pratinum, Pratunam, Palladium và Big C lắm.
Về việc mua quà gì cho đồng nghiệp và người thân ở nhà, dễ nhất là cứ thẳng tiến BigC vì trong BigC có bán những hộp dầu gió bé xinh giá khoảng 15Bah (11.000vnd) hoặc những món đồ ăn vặt cho dân văn phòng, giá khoảng 12Bah/hộp (8.880vnd).
Dầu gió là món hàng rất nổi tiếng tại Thái Lan
DAY 1:
Trước khi ghé trung tâm thương mại Terminal 21 (gần hotel nơi mình ở), mình đã quay lại khu BigC để shopping lần cuối.
Terminal có kiến trúc như một sân bay, với mỗi tầng là một thành phố nổi tiếng Istanbul, Tokyo, London,…