Du lịch phượt Singapore cần lưu ý những gì và nên đi những đâu?

[GG] Singapore, đối với tôi mà nói, không phải là một đất nước xa lạ. Tôi đã từng sinh sống, học tập và làm việc tại đây một khoảng thời gian, nhưng chuyến đi gần đây nhất vẫn để lại trong tôi ấn tượng sâu đậm, dù không phải là lần đi “sung sướng” nhất nhưng có lẽ là lần đi “no mắt” nhất, “hữu ích” nhất của tôi từ trước tới giờ.

Ngày đăng: 19-01-2018

2,516 lượt xem

Ngẫm lại lần đầu đặt chân đến đất nước này, không kinh nghiệm, tôi và gia đình đã có những trải nghiệm “bồng bột” và “tốn kém”. Vì chuyến đi này khá hữu ích, nên tôi muốn chia sẻ cho các bạn đây một số bí quyết bỏ túi, theo tôi là đáng giá, hi vọng chúng cũng sẽ hữu ích cho tất cả các bạn.

Nếu bạn nào đi rồi và lỡ cảm thấy Singapore nhàm chán và chẳng có gì thú vị, có thể bạn sẽ thay đổi suy nghĩ sau khi đọc bài viết này. Bài viết cung cấp các kiến thức cần biết khi đi du lịch Singapore. Càng chuẩn bị kỹ lịch trình, bạn sẽ cảm thấy, Singapore có rất nhiều điểm đến và hoạt động hay ho, nhất là đối với những ai yêu thích khám phá sự phát triển của một thành phố được mệnh danh là phát triển nhất Đông Nam Á, đặc biệt là ngành dịch vụ du lịch. Bài viết dành tặng cho các bạn đi du lịch Singapore tự túc nhé.

Phương tiện di chuyển

Để bay từ Việt Nam sang Singapore, bạn có thể sử dụng dịch vụ giá rẻ của hãng hàng không Tiger Airway hoặc các hãng hàng không quốc gia Vietnam Airway hay Singapore Airway. Giá của Tiger Airway nếu canh vé đặt sớm, bạn chỉ phải trả hơn 200 đô la Mỹ một chút cho một cặp vé khứ hồi. Khi đã đặt chân đến Singapore rồi thì phương tiện di chuyển phổ biến nhất tại đảo quốc này chính là Bus và tàu điện ngầm MRT. Chúng rất thuận tiện cho không những khách du lịch mà còn cả người dân bản địa. Hãy bắt MRT tại sân bay Changi Airport để đi thẳng vào trung tâm thành phố.

Bản đồ tàu điện ngầm tại Singapore

Ở đây, có rất nhiều trạm tàu điện và trạm xe bus; và tại mỗi trạm, bạn dễ dàng tìm thấy bản đồ chi tiết các ga đi và đến.

Hệ thống MRT tại Singapore

Ở đây, có rất nhiều trạm tàu điện và trạm xe bus; và tại mỗi trạm, bạn dễ dàng tìm thấy bản đồ chi tiết các ga đi và đến.

Quẹt thẻ MRT trước khi vào trạm

Xe bus tại Singapore

 

A post shared by Giang Gina (@gianggina) on

Thường các trạm xe bus và tàu điện ngầm MRT bắt đầu giờ làm việc vào khoảng 5:30 am và kết thúc vào khoảng 12:00 am tùy trạm. Để cho việc di chuyển dễ dàng, khách du lịch và người dân nơi đây thường mua thẻ EZ_link là một chiếc thẻ nhựa và chiếc thẻ này được sử dụng chung cho hai phương tiện di chuyển là Bus và MRT. Bạn có thể mua thẻ này tại sân bay Changi Airport khi mới vừa đặt chân tới đây. Một thẻ có mệnh giá 12 đô, trong đó 5 đô là chi phí thẻ không hoàn lại và 7 đô là khoản tiền được nạp sẵn. (Tỉ giá tham khảo 1SGD = 16.100 VND – Tháng 2/2017)

Trung bình mỗi ngày, bạn có thể tốn khoảng từ 5 tới 7 SGD cho vấn đề di chuyển, và vì vậy, bạn sẽ cần phải nạp thêm tiền cho thẻ tại quầy dịch vụ ngay tại trạm MRT, hoặc tại máy nạp tiền tự động trong cùng khu vực.

Nạp tiền tại quầy

Nạp tiền tại máy

Ngoài ra, bạn cần mua 1 SIM card 3G để tiện định vị vị trí cần tham quan qua google map. Đây là cách khá nhiều phượt thủ sử dụng. 1 SIM Card vào khoảng 38 SGD bao gồm 7 ngày sử dụng internet 3G dung lượng 16MB.

Chi phí ăn uống

Ở Singapore có rất nhiều loại foodcourt khác nhau, rẻ nhất là foodcourt gần khu vực nhà dân, và mắc hơn là foodcourt trong các trung tâm thương mại. Giá thức ăn dao động từ 3SGD tới 10SGD cho một món (tùy món và tùy nơi bạn chọn). Nếu vào nhà hàng, giá sẽ trên 10 SGD/món. Là quốc gia đa văn hóa, Singapore có 3 dân tộc chính sinh sống đông nhất: Trung Quốc, Malaysia và Ấn Độ. Người Việt Nam qua Singapore học tập và làm việc cũng rất nhiều. Ngoài ra, bạn có thể gặp rất nhiều người quốc tịch khác nhau đến từ Châu Âu, Mỹ, Úc, Ả Rập… Chính vì sự đa dạng này mà thức ăn nơi đây cũng phong phú không kém.

Foodcourt bình dân

Foodcourt tại Vivo City Singapore

 

A post shared by Giang Gina (@gianggina) on

 

A post shared by Giang Gina (@gianggina) on

 

A post shared by GiGi (@ggtravelblog) on

Khách sạn tại Singapore

Hiện nay, khách du lịch tự túc đi một mình có thể tìm kiếm những nhà nghỉ hostel hoặc dorm (dạng phòng nghỉ tập thể có giường tầng, chứa khoảng 4 tới 10 người/ phòng) vì chi phí thấp, khoảng từ 300K tới 600K VND/đêm. Nếu bạn đi 2 người, có thể thuê hẳn một phòng khách sạn với nội thất cơ bản, giá nhỉnh hơn một chút nhưng có sự riêng tư và thoải mái hơn. Với những du khách không quá lo lắng về ngân sách, hãy tìm kiếm những khách sạn từ 3 sao trở lên để tận hưởng những dịch vụ tiện ích tốt hơn.

 

NÊN ĐI ĐÂU, THĂM QUAN NHỮNG GÌ DU LỊCH SINGAPORE 4 ngày 3 đêm?

Để chuyến đi du lịch Singapore không nhàm chán, thì việc chuẩn bị lịch trình thật kỹ đi đâu, làm gì rất quan trọng. Và bạn nên đầu tư mua vé tại một số điểm đến để có thể cảm nhận được dịch vụ du lịch, cũng như cách thức tổ chức du lịch cho du khách tại nơi đây chuyên nghiệp như thế nào. Dưới đây là hành trình gợi ý của tôi cho một chuyến 4 ngày 3 đêm, mà theo tôi là mở mang được tầm mắt rất là nhiều:

Ngày 1: Botanic Garden + Night Safari + Clark Quay

Botanic Garden:

Bạn nên đặt vé máy bay bay chuyến sáng sớm tại Việt Nam để có thể check in khách sạn đầu giờ chiều tại Singapore. Sau khi check in, bạn nên ăn sáng tại foodcourt gần khu vực khách sạn để nạp nhanh năng lượng cho buổi chiều thăm quan Vườn thực vật Botanic Garden. Nơi đây không bán vé vào cổng nên chúng ta không tốn chi phí này. Botanic Garden nằm ngay cạnh MRT Botanic Garden trên line màu xanh của trạm xe điện ngầm nên du khách rất dễ dàng di chuyển đến nơi đây. Địa điểm du lịch này rất thích hợp cho những ai yêu thích thiên nhiên, cây cối và khoảng không rộng lớn.

 

A post shared by GiGi (@ggtravelblog) on

Night Safari: 

Night Safari có thể nói là điểm sáng ngày đầu tiên của chúng tôi (tôi đi cùng với một người em) trong chuyến đi này. Vé dành cho người lớn là 45 SGD và trẻ em từ 3 tới 12 tuổi là 30 SGD. Để đến được nơi đây, các bạn phải bắt bus số 138 nếu đi từ trạm dừng MRT Ang Mo Kio hoặc bus số 927 tại trạm dừng MRT Choa Chu Kang. Đây là sở thú đêm, và du khách sẽ được hướng dẫn tham quan theo từng nhóm trên những chiếc xe điện không cửa. Yêu cầu của sở thú là các bạn không được phép chụp hình có flash để tránh ảnh hưởng thị giác của các con vật tại đây. Những con vật trong sở thú này không bị nuôi nhốt trong chuồng, kể cả sư tử, ngoại trừ hổ. Nếu để ý kỹ chúng ta vẫn thấy có một vài cọng dây kim loại bao quanh khu vực các con thú sinh sống, nhưng vì các cọng dây ấy rất mảnh, lại ban đêm, nên hầu như rất khó để phát hiện ra, tạo cảm giác con người và muôn thú hòa quyện làm một. Giờ hoạt động sớm nhất của sở thú ban đêm là vào 7:15 pm và trong cuộc hành trình này, tôi đã chọn giờ sớm nhất để có thể để dành thời gian đi thăm quan Clark Quay sau đó.

Night Safari

Đoạn đường di chuyển bằng xe bus từ MRT mất khoảng 20 phút, và bạn sẽ tốn thêm khoảng 2 tiếng nữa để thăm quan Night Safari, bao gồm thưởng thức một show diễn thú trước giờ thăm quan nữa. Nếu bạn không muốn qua Clark Quay sau đó, bạn hoàn toàn có thể nán lại Safari ăn tối và xem màn trình diễn múa lửa tại đây. Giá thức ăn trong khu vực này trên 10SDG/món.

Đây là điểm đến theo tôi là hết sức thú vị, và tôi có thể so sánh trực tiếp sở thú nước bạn và sở thú nước mình, cách họ nuôi dưỡng các con thú, và đặc biệt cách họ tổ chức cho du khách tham quan chuyên nghiệp như thế nào.

Clark Quay

Chúng tôi mặc dù đã thấm mệt vì phải di chuyển nhiều trong ngày đầu tiên, nhưng với quan điểm phải đi được thật nhiều nơi nhất có thể nên ngay sau khi kết thúc các hoạt động tại Night Safari, chúng tôi di chuyển về Clark Quay để ăn tối. Lý do chúng tôi chọn đi Clark Quay vào ban đêm vì nơi đây là khu phố đêm, hoạt động vào ban đêm rất sôi nổi với rất nhiều nhà hàng, quán bar, vũ trường. Bạn cũng có thể ngắm nhìn khung cảnh nhộn nhịp về đêm của Singapore một cách thú vị nhất. Trạm dừng MRT Clark Quay nằm trên line tím giúp du khách dễ dàng di chuyển mà không phải bắt thêm chuyến xe bus nào khác.

 

A post shared by GiGi (@ggtravelblog) on

Nếu không ngại phải bắt taxi về sau 12 giờ đêm, bạn có thể thư thái thưởng thức ẩm thực, hoặc chơi một số trò mạo hiểm nơi đây. Bữa ăn tối của chúng tôi là món Kabab với khoai tây chiên kèm phô mai khoảng 15SGD/suất.

 

A post shared by GiGi (@ggtravelblog) on

Nếu bạn yêu thích lối sống về đêm? Clark Quay chính là điểm đến dành cho bạn.

Ngày 2: National Library + Bugis Street + Universal Studio + China Town

National Library + Bugis Street

Dự định của sáng ngày thứ 2 của chúng tôi là đi thăm kiến trúc thư viện quốc gia Singapore kết hợp mua sắm vì chúng ở ngay cạnh nhau. Các bạn có thể đến đây bằng tàu điện ngầm và dừng tại trạm Bugis MRT. Thư viện quốc gia hoành tráng dành cho mọi người dân tại đảo quốc và bạn cũng không phải mua bất kì vé nào để vào cổng. Không khí trong thư viện cũng rất tĩnh lặng với các tầng, khu vực rộng để phục vụ cho các mục đích khác nhau: đọc sách, nghiên cứu, tìm tư liệu …

 

A post shared by GiGi (@ggtravelblog) on

 

A post shared by GiGi (@ggtravelblog) on

Sau đó bạn có thể ghé Bugis street (chợ Bugis) hoặc Bugis Junction (Shopping Mall) ngay đối diện để mua sắm và ăn trưa, tiếp thêm năng lượng cho chuyến đi lý thú buổi chiều là thăm quan Universal Studio.

Bugis Junction

Universal Studio

Đây chính là điểm sáng thứ 2 trong chuyến đi này của chúng tôi vì nó rất xứng đáng đồng tiền bát gạo. Chuyến đi này, chúng tôi hồ hởi nhất là được đến thăm Universal Studio vì nghe đồn nơi đây rất tuyệt.

Và thực tế là nó rất tuyệt!.

Để đến đây, các bạn có thể bắt tàu điện ngầm dừng ở trạm MRT HarbourFront (line tím). Để vào trong khu vực này, bạn phải mua vé vào Sentosa vì Universal Studio nằm trong Sentosa. Vé tàu điện vào Sentosa là 4SGD/người/lần trong ngày, mua tại lầu thượng của khu trung tâm thương mại Vivo City Singapore. Còn vé vào cổng Universal Studio bạn có thể đặt mua trên mạng hoặc tại quầy với trị giá là 76SGD/người lớn và 56SGD/trẻ em từ 4 tới 12 tuổi.

Khi vào đây, các bạn phải sẵn sàng máy ảnh đủ bộ nhớ để có thể chứa thật nhiều khoảnh khắc đẹp ở các khu Hollywood, New York, Sci-Fi City, Ancient Egypt, Lost World, Far Far Away và Madagascar. Tất cả các trò chơi trong này từ vòng quay ngựa gỗ, tàu lượn siêu tốc, xe điện đụng, các màn trình diễn ca hát, nhảy múa của các vũ công chuyên nghiệp, hay các bộ phim 4D tranformer, camera light action, v.v… tất cả đều miễn phí. Bạn chỉ phải bỏ tiền để mua đồ lưu niệm hay thức ăn, nước uống trong khu vực này. Đối với các trò mạo hiểm, các bạn sẽ phải gởi đồ đạc bên ngoài khu locker, miễn phí cho 65 phút đầu tiên.

 

A post shared by GiGi (@ggtravelblog) on

Đã đến được đây rồi, đã mua được vé vào cổng tham quan rồi, các bạn nên thám hiểm tất cả các trò chơi và thưởng ngoạn tất cả các màn trình diễn, không thì tiếc lắm bạn nhé.

 

A post shared by GiGi (@ggtravelblog) on

Universal Studio chính là công trình tái hiện các khung cảnh, nhân vật… trong các tác phẩm điện ảnh quan trọng của hãng phim Universal nổi tiếng, giống tương tự công trình Disney Land ở Mỹ. Bạn có thể phải mất cả ngày để tham quan và thưởng thức tất cả các trò chơi và màn trình diễn trong khu vực này.

China Town

Chúng tôi dự tính sau khi thăm quan xong Universal sẽ ghé Thủy cung S.E.A aquarium cùng trong khu vực Sentosa, nhưng vì thời gian không cho phép bởi Thủy cung đóng cửa vào lúc 7pm nên buộc chúng tôi phải di chuyển đến địa điểm kế tiếp là China Town – khu phố của người Hoa để ăn tối và trải nghiệm một chút văn hóa người Trung Hoa tại Singapore. Vì phải đi bộ rất là nhiều nên thật tình thì chúng tôi cũng không có đủ thời gian để trải nghiệm hết khu vực này vì đôi chân lúc này đã quá mỏi và đau nhức. Các bạn đi du lịch nên chuẩn bị một đôi giày bệt hoặc giày thể thao êm ái nhất có thể nhé.

Ngày 3: S.E.A Aquarium + Sentosa Beach + Casino + Orchard Road + Little India

S.E.A Aquarium

Vì lý do ngày hôm trước chúng tôi không lường được việc cần phải dành nhiều thời gian thăm quan Universal Studio, và đôi chân quá mỏi nên không chịu nghe lời đi nhanh và nhiều khắp các nơi chúng tôi đã dự kiến trong khuôn viên đảo Sentosa nên buộc phải dời chuyến thám hiểm thủy cung sang ngày thứ 3 trong chuyến hành trình này, tốn thêm 4SGD vé vào cổng Sentosa cho mỗi người. Khác với Universal Studo, thủy cung đem đến cho du khách một cảm giác yên bình lý thú. Vé vào cổng Thủy cung là 38 SGD / người.

 

A post shared by GiGi (@ggtravelblog) on

 

A post shared by GiGi (@ggtravelblog) on

Sentosa Beach

Có khoảng vài bãi biển trong Sentosa và thật tình mà nói thì các bạn có thể dành cả ngày tại đây cũng được nữa. Có một số điểm tôi đã bỏ bớt vì đã thăm quan rồi ở những chuyến đi trước, như đi thăm con sư tử Merlion lớn tại đây. Chúng tôi chỉ dành khoảng 2 tiếng tắm biển và tắm nước ngọt tại hồ bơi gần đó để tận thưởng nốt cảm giác thư thái của buổi sáng thứ 7 trong lành, sau đó ăn trưa là hamburger tại McDonald’s Sentosa.

Casino

Ở Singapore có 2 Casino, một ở Sentosa, và cái thứ hai ở Marina Bay. Vì chúng tôi đã tới đây nên cũng muốn biết Casino ở Singapore như thế nào. Với khách du lịch, bạn chỉ cần xuất trình passport, mặc áo không hở vai, không xách ba lô là có thể vào bên trong. Nếu có hành lý, bạn có thể gởi ở khu vực locker với giá 6 SGD cho 2 tiếng. Vào trong nếu thấy hứng thú thì mua chips (mệnh giá nhỏ nhất là 5SGD/chip). Thường người chơi chi từ 100SGD trở lên để mua các đồng tiền casino. Đứng xem người khác chơi cũng là một cái thú đấy!

Orchard Road

Orchard Road được mệnh danh là quận trung tâm của Singapore, nơi tập trung các thương hiệu thời trang xa xỉ nổi tiếng của thế giới như Chanel, Gucci, Prada, LV, Hermes… Bạn có thể mua sắm nhiều món đồ lưu niệm và quần áo khác nhau tại ION mall và Takashimaya cũng trong khu vực này. Đặc biệt ở Orchard Road có món bánh mì sandwich kẹp kem rất ngon mà lại rất rẻ, chỉ 1.20 SGD. Tôi khuyên bạn đã đến được đây rồi thì nên thử món kem ngon rẻ này nhé.

 

A post shared by GiGi (@ggtravelblog) on

 

Bánh mì sandwich kẹp kèm với các mùi vị khác nhau: chocolate, vani, xoài, …

Little India 

Vì còn ít thời gian nên sau khi dạo phố một vòng tại Orchard Road, chủ yếu là window shopping, và cả thời gian massage chân, chúng tôi liền ghé Little India để mua một chút quà bánh cho mọi người tại Việt Nam. Khu tiểu Ấn nổi tiếng với trung tâm mua sắm 24/7 Mustafa, cái gì cũng bán, từ hàng kim khí điện máy, tới nữ trang vàng, kim cương, mỹ phẩm, quần áo, giày dép, thực phẩm, v.v… Bạn có thể đến Mustafa bằng tàu điện ngầm tới trạm dừng Farrer Park MRT, chỉ cách Little India MRT một trạm. Một lời khuyên thật lòng cho những ai có nhiều thời gian hơn, đừng như chúng tôi, chạy hộc tốc tới lạc cả chân, đến Farrer Park MRT rồi còn ngồi xoa bóp chân, chỉ để tới đây được chừng 40 phút và phải đón chuyến xe MRT cuối cùng trong ngày về khách sạn, cũng chỉ kịp mua một chút quà bánh. Nếu bạn là một shopper thực thụ, một tiếng trong khu vực này có thể không đủ. Còn chúng tôi, đến đây với tâm thế tìm hiểu một chút về cộng đồng người Ấn tại Singapore mà thôi. Hiện tại một phần tòa nhà của Mustafa đang được xây dựng mới, hứa hẹn sẽ là một trung tâm mua sắm, đã hùng vĩ, sẽ lại càng hùng vĩ hơn trong tương lai, là niềm tự hào của dân tộc Ấn tại đảo quốc Singapore.

Mustafa Centre shopping mall tại Little India.

 

Ngày 4: Marina Bay: Marina Bay Sands + Garden by The Bay + Helix Bridge 

Do chúng tôi phải đón chuyến bay lúc 4:00 pm nên nguyên buổi sáng tới 1:30 pm, chúng tôi có thể thong thả check out khách sạn và dành cả buổi thăm quan cụm công trình là các tòa nhà cao trọc trời tại khu vực Marina Bay.

 

A post shared by GiGi (@ggtravelblog) on

 

A post shared by GiGi (@ggtravelblog) on

 

A post shared by GiGi (@ggtravelblog) on

Đối với dân kiến trúc thì khu vực Marina Bay là một điểm đến nên đi khi du lịch Singapore. Có thể nói, nơi đây tập trung các công trình kiến trúc nổi tiếng bậc nhất của đảo quốc này. Dù bạn có phải đi từ điểm A sang điểm B cách nhau vài chục cây số nhưng vẫn sẽ cảm thấy không mệt lắm vì “no mắt” với nhiều công trình hùng vĩ được chăm chút tỉ mỉ từng khu vực trên quãng đường di chuyển từ nơi này sang nơi khác. Bạn cũng có cơ hội thưởng ngoạn thành phố Singapore xanh, sạch đẹp từ trên cao. Trong khu vực Marina Bay, nếu sợ mỏi chân, bạn có thể mua vé xe điện để đi vòng quanh.

 

A post shared by GiGi (@ggtravelblog) on

Trong khu shopping mall của Marina Bay có cả một dòng sông nhân tạo chảy chính giữa tòa nhà, giúp du khách thoải mái thư giãn.

Cầu Helix Bridge cũng nằm trong khu vực Marina Bay, nên rất thuận tiện cho việc kết hợp thăm quan

Changi Airport

Thật sự là thăm quan xong khu vực Marina Bay và cầu Helix Bridge thì chúng tôi cũng không còn thời gian nữa và phải gấp rút đón MRT đến sân bay check in. Những giờ phút cuối cùng của chúng tôi tại chuyến đi lần này đã được tận dụng triệt để bằng màn mua sắm túi xách gấp rút trong vòng 15 phút tại một shopping store khu vực Changi Airport. Bản thân Changi Airport cũng là một shopping mall rất lớn với rất nhiều mặt hàng thời trang. Dù mua sắm nhưng các bạn nên nhớ thời gian lên máy bay trước 30 phút giờ bay có ghi trong vé máy bay nhé.

Những điều cần lưu ý khác khi đi du lịch Singapore:

1. Chuẩn bị một bình nước lớn trước tại khách sạn mỗi ngày. Bạn có thể mua nước 2 SGD/bình cho ngày đầu tiên hoặc đem sẵn bình nhựa rỗng tại Việt Nam, đun nước tại khách sạn trước mỗi chuyến đi.

2. Khi thưởng thức thức ăn trong foodcourt tại Singapore sẽ không có khăn giấy miễn phí như ở Việt Nam nên bạn cần chuẩn bị trước khăn giấy tại Việt Nam, hoặc mua tại Singapore với giá 2SGD một bịch khăn giấy ướt.

3. Bạn nên chuẩn bị giày dép thật thoải mái, tránh mang giày cao gót vì phải đi bộ rất nhiều. Mỗi ngày bạn có thể phải đi bộ tầm trung bình 30km.

4. Đối với mục đích đi thăm quan những công trình kiến trúc thì nên đi buổi sáng sẽ chụp hình được rõ hơn. Đi buổi tối chỉ cảm nhận được không khí ấm áp khi lên đèn mà không chụp được nhiều chi tiết của công trình ấy và các công trình xung quanh.

5. Chuẩn bị bộ nhớ máy ảnh hoặc điện thoại thật tốt, nếu không đủ sẽ tiếc lắm vì có rất nhiều nơi đẹp đẽ muốn chụp thật nhiều tại Singapore.

6. Các loại vé thăm quan có thể mua trước online tại Việt Nam, tránh việc xếp hàng mất thời gian không cần thiết.

7. Khách sạn có thể book phòng tại Agoda. Cũng như vé máy bay, nếu bạn biết lịch trình chuyến đi và mua vé càng sớm, chi phí vé máy bay và khách sạn sẽ càng rẻ.

8. Nên đổi tiền Việt sang đô Singapore trước tại Việt Nam, hoặc nếu không bạn nên cầm tiền USD sang đổi tại Singapore để không bị thiệt thòi nhiều về tỉ giá.

Tổng chi phí trong chuyến đi này của chúng tôi mỗi người hết 7,5 triệu VND 

Kết luận:

Có rất nhiều khu du lịch khác thú vị và hấp dẫn không kém tại Singapore mà trong khuôn khổ bài viết và chuyến đi này không thể review hết. Nếu có một chuyến đi khác bổ ích và thú vị hơn, người viết bài sẽ lại tiếp tục review cho các bạn nhé. Tuy nhiên, các địa điểm trong chuyến đi này của người viết bài là những địa điểm nổi bật nhất tại Singapore dành cho những bạn mới lần đầu tiên đặt chân tới đảo quốc xinh đẹp. Vì người viết bài đã từng sinh sống và học tập tại Singapore trong vòng 2 năm cách đây 8 năm, và chuyến đi này tôi lên kế hoạch để giới thiệu Singapore cho một người bạn đồng hành lần đầu xuất ngoại.

Hi vọng với bài viết này, những bạn nào chuẩn bị đi du lịch Singapore, sẽ có được cho mình những bí quyết và kiến thức quý giá.

---

Một bài viết của GiangGina

Xuất bản: 

Xem thêm:  Khám phá 10 địa điểm du lịch tại Singapore trong 3 ngày

Blogger:GiangGina

Thành lập vào một ngày tháng 6/2014, deargiang.com là nơi mình chia sẻ mọi cảm xúc, kiến thức và mối quan tâm về Digital - Management - Travel cũng như các vấn đề về cuộc sống khác. Các bài viết trên deargiang một phần do mình viết, một phần do mình sưu tầm. Các bài viết này có điểm chung là những kiến thức, những câu chuyện, những quan điểm và những chia sẻ về cuộc sống có giá trị lâu dài. Mình hi vọng các chia sẻ của mình nhận được sự đồng cảm. Mọi đóng góp nếu có vui lòng gởi về email: gianggina@yahoo.com

Thống kê lượt xem

Tổng truy cập 1,379,781

Đang online3