[GG] Ngoài những gì mà bạn có thể mắt thấy tai nghe về những điều đẹp đẽ từ Sếp thì Sếp cũng có tính "sĩ diện" và "che đậy" một số nỗi khổ thầm kín. Sếp ở đây có thể là một chủ doanh nghiệp, hoặc trưởng phòng, hoặc giám đốc của một công ty con nào đó. Sếp trong bài viết này sẽ bao gồm nhiều cấp độ nha các bạn. Bài viết này mình sẽ chia sẻ với các bạn về Tài chính của sếp và những câu chuyện tế nhị bên lề.
Ngày đăng: 24-07-2014
3,466 lượt xem
Có phải Sếp thì luôn luôn giàu có và lúc nào cũng rủng rỉnh tiền bạc? Làm Sếp là được đi xe xin, được ở nhà lầu, được mặc đồ hiệu, ăn uống cao lương mĩ vị? Làm Sếp là chỉ tay nắm ngón. Làm sếp là chỉ cần rung đùi ngồi chờ tiền bay vào túi? Có lẽ đúng với một số Sếp giỏi làm ăn phát đạt và có thời vận. Tuy nhiên đã bảo làm Sếp là không dễ rồi mà.
SẾP lớn stress về vấn đề tài chính:
Dạo kinh tế buôn bán ế ẩm, công ty không có doanh thu, hoặc doanh thu có nhưng rất ít nhưng tháng nào sếp cũng phải gồng gánh một khoản chi phí cố định như tiền thuê văn phòng, tiền điện, lương nhân viên, ... Các bạn nhân viên luôn đoán mò là sếp thiếu gì tiền, đâu phải sếp chỉ có thu nhập duy nhất ở cty này. Sếp có thu nhập ở các dự án khác nào đó mà mình không thấy thôi. Chứ sếp đã mở công ty hoành tránh thế này, ai lại không tính toán trước được là có tiền để trả lương cho nhân viên không. Nếu khả năng tài chính không có, chắc sếp chẳng dại gì tuyển nhiều nhân viên và phòng ban như vậy đâu, đừng lo. Chắc hẳn nhiều bạn sẽ rất vô tư khi nghĩ như vậy.
Mặc khác sếp phải làm việc với đối tác, đi ăn uống, bàn bạc công việc, tiền chi phí tiếp khách lúc nào cũng khủng. Ô tô, iphone, Mac Book mua từ những tháng làm ăn phát đạt. Mỗi lần đi thì cũng tốn tiền xăng rồi tiền gởi xe. Nhưng mà không chi và không giữ thể diện thì đối tác nhìn mình ra gì? Không chi thì làm sao có dự án. Mà dự án tiền tỉ, đâu phải hôm nay ngày mai là kí cái rẹt. Phải từ từ, thế nào cháo cũng nhừ. Nhất định dự án này là của mình rồi, không thằng đối thủ nào dám chen ngang, mình chi đẹp thế này cơ mà.
Hay như: biết là dự án này cũng khó mà đạt được, nhưng mà cũng phải cố mà quan hệ thôi chứ sao, tương lai không lường trước được. Chả nhẽ thành công bao năm rồi mà chỉ vì 3 năm tam tai mà sụp đổ hết, đâu thể được. Số phận là do mình. Mình tạo ra cơ hội. Thế nào rồi cũng sẽ có dự án đem về cho cty làm và có thu nhập ngay ấy mà. Chẳng lẽ lại kém may mắn và xui xẻo hoài.
Ở đây mình không bàn tới việc kết quả cuối cùng là sếp có lấy dự án về và thu được tiền về hay là không, nhưng mà, việc gần tới tháng phải trả lương cho nhân viên rồi nhưng sếp vẫn phải gồng thêm một vài tháng trích từ tiền túi ra để trả lương nhân viên ... một chữ OẢI nhưng mà không dám thốt ra hay bày tỏ với ai.
SẾP nhỏ stress vì yêu cầu cấp trên giao quá khó để thực hiện:
Trường hợp này hay gặp đối với cấp trưởng phòng. Có thể giám đốc áp chỉ tiêu doanh số quá cao và trưởng phòng không cách nào khác ngoài phải thực hiện. Có thể Giám Đốc đưa ra chỉ tiêu như vậy bởi vì đây là quyết định từ Chủ tịch hội đồng quản trị để làm hài lòng các cổ đông. Có vô vàn lý do. Thế là dẫn đến stress vì sợ bị mất chức hoặc bị đuổi việc. Bị đuổi việc thì ôi chao, sao về nói chuyện với vợ con, mình là trụ cột tài chính cơ mà. Hay mấy đứa bạn cùng hội làm ăn, nó biết mình bị mất việc thì còn thể diện gì, thật mất uy tín quá.
SẾP lớn và SẾP nhỏ stress vì nhân viên không đoàn kết:
Nhân viên ghen ghét, tị nạnh nhau, không chịu trợ giúp nhau trong công việc, đổ thừa trách nhiệm cho người này người kia là điều khiến sếp rất buồn phiền. Có lẽ do thời gian vừa qua, sếp một mặt vì bận quá nhiều việc bên ngoài, phần vì tin tưởng nhân viên của mình không có như vậy, chỉ khi tình cờ nghe được một mẫu đối thoại của nhân viên mà sếp mới giật mình và quan sát nhiều hơn. Đúng là trong thời gian vừa qua kinh doanh đi xuống là do hậu quả của việc này đây. Sếp cần phải chấn chỉnh lại thôi. Nhân viên có đoàn kết thì mới kiếm ra tiền và thưởng nhân viên đi du lịch nước ngoài được ;)
SẾP lớn stress với những mối quan hệ:
Một số sếp thường thích đem một số mối quan hệ bên ngoài vào cty, cho họ một số chức vụ với mong muốn, sếp sẽ kiếm lời trên các mối quan hệ đó. Tuy nhiên, một số cá nhân thật sự làm được việc, còn số khác thì không. Những thành phần không làm được việc ảnh hưởng khá lớn đến những nhân viên hiện tại của công ty. Sếp vì giữ mối quan hệ nên đã có những động thái bênh vực, thiên vị. Đến khi nhận ra mình đã quyết định sai khi tuyển dụng những người này vào, sếp khó mở lời đuổi họ vì ... sếp vẫn còn một chút hi vọng từ mối quan hệ của họ. Tình hình ngày càng trầm trọng hơn và kết quả là sếp bị rối, không biết nên quyết định như thế nào vì cái cây nó cũng đã mọc rễ khá là sâu rồi.
Tóm lại: Sếp tỏ ra rất là mạnh mẽ kiên cường. Nhưng sếp ơi, nhân viên tinh ý họ biết hết. Nhất là những cộng sự đắc lực trong công việc của sếp ấy. Chẳng việc gì phải tỏ ra mạnh mẽ như thế sếp à. Sếp có thể đã rất thành công trong quá khứ. Nhưng những thành công ấy không bảo chứng việc sếp sẽ thành công mãi mãi mà không bao giờ thất bại hoặc phạm phải sai lầm.
Sếp cũng là một con người như các bạn nhân viên sếp tuyển vào. Con người thì tay chạm phải nước nóng sẽ phải rụt tay lại như một phản xạ. Sếp sai thì sếp thừa nhận là sếp sai. Sếp stress thì sếp hãy tâm sự với những nhân viên quan trọng của cty mà sếp tin tưởng và lắng nghe lời khuyên từ họ. Có thể những lời khuyên đó rất shock kiểu như đóng cửa công ty chẳng hạn, thì sếp cũng nên suy nghĩ, để có khi lại giải quyết được vấn đề tài chính. Anh hùng 10 năm trả thù chưa muộn. Lần sau sếp có thể bắt đầu gầy dựng lại khi mọi thứ đã ổn định thì chúng em lại quay trở về trợ giúp sếp. Sếp tuyệt đối đừng nên làm mất uy tín và lòng tin của chúng em về sếp nhé.
Thế đấy, làm sếp khổ lắm, đâu phải chuyện đùa. Làm kinh doanh đâu phải lúc nào cũng thắng. Và Sếp của chúng ta cũng chỉ là một con người bình thường mà thôi.
Hình ảnh chỉ mang tính chất minh họa
GiangGina
Click để đọc thêm Làm SẾP có cần phải xây dựng thương hiệu bản thân? Tôi nghèo ổn định nhưng tôi thấy vui vẻ