Làm SẾP có cần phải xây dựng thương hiệu bản thân?

[GG] Thời nay, có cơ hội làm "sếp" dễ lắm. Cứ làm chủ một doanh nghiệp nào đó là được làm sếp rồi. Gọi là doanh nghiệp có vẻ to tát, chứ chỉ cần mở một quán trà chanh, hoặc là một tiệm bán bánh tráng cuộn và thuê một vài bạn nhân viên làm việc là được lên chức sếp ngay và luôn. Cơ hội để nhân viên đang làm việc hoặc nhân viên cũ chia sẻ hình ảnh về sếp là rất lớn. Doanh nghiệp của bạn có phát đạt hay bị ảnh hưởng xấu thế nào là tùy vào "cách làm sếp" của bạn.

Ngày đăng: 22-07-2014

2,463 lượt xem

Mấy ngày nay râm ran câu chuyện của một tiệm bán bánh tráng cuộn, nhân viên cũ tố cáo sếp mình không làm đúng quy trình an toàn vệ sinh thực phẩm, đạo đức kinh doanh yếu thể hiện việc không tôn trọng sức khỏe của khách hàng (cho trứng cút vào chậu lau nhà, sử dụng trứng cút và bánh tráng đã bị chuột gặm tiếp tục bán cho khách... ). Mình không muốn bàn quá sâu về sự việc cụ thể này tuy nhiên, nó gợi cho chúng ta nhiều điều đáng để suy ngẫm: Làm sếp cũng cần phải biết xây dựng thương hiệu cho bản thân.

Xây dựng thương hiệu bản thân của các sếp nó như thế nào?

Cũng giống như các sản phẩm khác, từ sản phẩm hữu hình - sản phẩm tiêu dùng đến sản phẩm vô hình - sản phẩm về dịch vụ, các ông chủ / bà chủ của nó đều phải đầu tư khá nhiều ý tưởng, chất xám và tiền bạc để làm marketing cho thương hiệu: nào là thành lập facebook, post bài trên diễn đàn, thuê người nổi tiếng để phát ngôn cho thương hiệu của mình, rồi thì quảng cáo trên báo chí, thậm chí quảng cáo trên cả truyền hình, công chúng còn muốn được biết trải nghiệm của các khách hàng khác. Nếu tất cả review đều tốt, hẳn bạn sẽ không ngần ngại rút ví để mua sản phẩm đó và chia sẻ kinh nghiệm của bản thân với mọi người xung quanh, nhất là bạn bè và họ hàng thân thiết. Làm sếp cũng vậy.

Sếp giỏi ắt sẽ có nhiều nhân viên giỏi. Vì vậy, để biết anh sếp này giỏi như thế nào, hãy nhìn dàn nhân viên của anh ấy. Sếp không cần phải xây dựng thương hiệu của mình bằng việc quảng cáo hình ảnh bản thân rầm rộ trên báo chí. Sếp cần biết quan tâm tới nhân viên của mình đúng lúc và đúng cách. Trong cách điều hành và xử lý công việc, sếp biết phân xử công bằng, giao việc đúng người, nghiêm khắc với những nhân viên làm sai quy định, có những quyết định đúng lúc hợp tình hợp lý. 

Nghe có vẻ khó nhỉ. Mà có việc gì dễ để thành công đâu. Vì thế mà người ta mới nói, cơ hội làm sếp rất dễ nhưng mà làm sếp rất khó, không phải ai cũng làm được đâu.

Làm sếp khó như thế nào?

Khi chúng ta làm việc tốt ít ai nhớ lâu nhưng lỡ có làm một việc xấu mất uy tín thì thôi rồi. Làm sếp mà không chuyên nghiệp thì cũng dễ bị nhân viên không xem trọng hoặc thậm chí là đi nói xấu sếp với người khác. Nếu nói xấu về chuyện đời tư của sếp như việc hôm nay sếp đi với em nào, chân dài tới đâu, cô ta có bị dính bầu hay chưa ... cũng chẳng phải là điều gì to tát. Nhưng để nhân viên nói xấu sau lưng sếp rằng là: sếp gì mà chẳng khi nào thấy lên công ty, gởi email mà chẳng thèm trả lời, nhân viên mới tuyển sao chẳng biết nói tiếng Anh, không biết sử dụng excel để hoạch định mà lương tháng 1000 USD, sao công việc nào sếp cũng ôm đồm mà nhân viên 1000 USD sếp trả lương sao không thấy làm việc có hiệu quả công việc mà sếp giao vậy, sao sếp vẫn còn giữ lại tiếp tục làm việc, hay là giữa hai người có mối quan hệ ngầm nào?.... Chắc chẳng sếp nào muốn bị phàn nàn và hiểu sai về mình đâu nhỉ. Thế mới nói, làm sếp khó lắm, đâu phải chuyện đùa.

Làm kinh doanh chữ tín là tất cả

Mất chữ tín là mất tất cả. Nếu bạn đã hứa với ai điều gì, hãy thực hiện lời hứa đó. Sếp hay nhân viên thì xét về khía cạnh con người, cả hai đều cần phải được tôn trọng. Không phải ai có nhiều tiền hơn thì tự cho mình cái quyền không giữ chữ tín hoặc cư xử bề trên. Giữa sếp và nhân viên thì sự khác biệt lớn nhất chính là túi tiền của mỗi người. Sếp mà không có nhân viên giỏi cùng chung tay xây dựng cty, thử hỏi sếp có tiền không? Nhân viên thì cần phải làm tốt công việc mình được trả lương. Ngoài ra, nếu là một người sếp biết quan tâm tới nhân viên, sếp sẽ được nhiều hơn mất. Trong lúc khó khăn (làm sao tránh khỏi trong kinh doanh), nhân viên sẽ thông cảm với sếp. Nhưng để có được sự thông cảm từ nhân viên, bạn phải thật sự là một người sếp tốt và biết quan tâm tới nhân viên của mình cũng như những đóng góp ý kiến của họ.

Sếp tốt luôn chỉ dạy nhân viên làm điều đúng đắn và có đạo đức nghề nghiệp

Thương hiệu của sếp là đây. Chắc bạn rất muốn ngẩng cao đầu đối chất với nhân viên của mình nếu như bị vu khống đúng không? Sếp làm ăn kinh doanh đàng hoàng, không nợ lương ai, không gian dối với khách hàng, luôn biết quan tâm đến nhu cầu của khách hàng, của nhân viên và những người xung quanh, thì khi có những điều tiếng không hay, nhân viên sẽ là những người bảo vệ bạn đầu tiên. Vậy bạn có thích xây dựng thương hiệu bản thân được mọi người yêu mến như thế này? 

Tóm lại, làm sếp rất cần thiết xây dựng thương hiệu bản thân. Còn vì sao ư? Hãy đọc lại những gì tôi đã viết ở trên.

GiangGina

Click để đọc thêm Nỗi khổ của SẾP

Blogger:GiangGina

Thành lập vào một ngày tháng 6/2014, deargiang.com là nơi mình chia sẻ mọi cảm xúc, kiến thức và mối quan tâm về Digital - Management - Travel cũng như các vấn đề về cuộc sống khác. Các bài viết trên deargiang một phần do mình viết, một phần do mình sưu tầm. Các bài viết này có điểm chung là những kiến thức, những câu chuyện, những quan điểm và những chia sẻ về cuộc sống có giá trị lâu dài. Mình hi vọng các chia sẻ của mình nhận được sự đồng cảm. Mọi đóng góp nếu có vui lòng gởi về email: gianggina@yahoo.com

Thống kê lượt xem

Tổng truy cập 1,369,872

Đang online2