Trường công hay dân lập: nhà tuyển dụng nên chọn trường nào?

[GG] Tôi đang có cảm hứng viết một bài về: trường công lập hay trường dân lập: nhà tuyển dụng nên chọn trường nào? Nhiều ý kiến nói rằng công lập vì đầu vào chất lượng hơn. Tôi thì có một vài ý kiến về vấn đề này.

Ngày đăng: 06-09-2014

6,658 lượt xem

Hôm nay tôi đọc một vài bài báo nói về vấn đề trường công lập hay trường dân lập: nhà tuyển dụng nên chọn trường nào?. Cụ thể là có một bạn sinh viên đang học trường dân lập năm nhất và băn khoăn không biết mình có nên thi lại để vào trường công lập trong năm sau hay không?

Một số cho rằng nên học trường công lập hơn dân lập, một số cho rằng cái bằng ở trường nào không quan trọng.

Bạn ấy nhận được khá nhiều lời khuyên và góp ý: một số cho rằng học trường công lập hẳn nhiên là hơn trường dân lập rồi vì chất lượng đầu vào tốt hơn, còn đầu vào trường dân lập là những bạn sinh viên không đủ khả năng học trường công nên mới phải đầu quân vào một trường chi phí mắc hơn và chất lượng đào tạo không thể nào được đầu tư bài bản như một ngôi trường công lập. Sức lao động là hàng hóa thì người mua hàng là những nhà tuyển dụng ắt hẳn sẽ có những tiêu chí tuyển dụng dựa trên xuất xứ hàng hóa đó chính là ngôi trường mà bạn đã tốt nghiệp. Số khác lại nói rằng, với tư cách là một nhà tuyển dụng, họ không quan tâm ứng viên học trường nào mà cái họ quan tâm là ứng viên có khả năng làm được việc không thôi. Tôi cho rằng đây cũng là một quan điểm đúng. Nhưng thật khó để nói ra được là một người bạn mới vừa phỏng vấn sẽ là, một người làm được việc trong công ty của bạn. 

Tôi không muốn bàn luận ai trong số họ đúng hay sai. Thật ra trong mỗi cách lập luận họ điều có những cái lý đáng để suy ngẫm. Các nhà tuyển dụng tương lai cũng sẽ phải suy ngẫm kĩ khi cầm và xem xét một hồ sơ xin việc của một ai đó rằng, mình nên nhìn vào cái gì trong hồ sơ này.

Theo quan điểm của tôi, với một ứng viên đã có kinh nghiệm, việc nhà tuyển dụng sẽ nhìn vào số năm kinh nghiệm, các loại công việc đã làm trong quá khứ, cách trình bày hồ sơ ấn tượng, logic về ngôn từ trong đơn xin việc, các thành tích ứng viên đạt được và mục tiêu nghề nghiệp mà ứng viên đặt ra, bỏ qua tiêu chí bằng đại học trường nào, nhà tuyển dụng sẽ gọi điện cho bạn mời phỏng vấn. Sau đó, họ sẽ kết hợp các câu hỏi tình huống về chuyên môn trong buổi phỏng vấn để phán đoán năng lực làm việc của mỗi ứng viên. Khả năng phán đoán này phụ thuộc rất lớn vào yếu tố kinh nghiệm của người phỏng vấn. 

Đối với một ứng viên mới ra trường chưa có kinh nghiệm, các ứng viên tốt nghiệp trường công lẫn trường tư đều phải chứng minh được sự năng động của họ trong các hoạt động mà họ đã từng tham gia trong quá trình học tập cũng như các đức tính và kĩ năng hỗ trợ cho công việc thông qua các dự án sinh viên mà họ đã từng thực hiện. Đối với sinh viên kiến trúc, nội thất, đồ họa, một hồ sơ với các sản phẩm về mỹ thuật là các bài tập đã làm trong năm cuối tốt nghiệp với cách trình bày ấn tượng là một lợi thế. 

Qua phần trình bày của mình phía trên, có lẽ tôi là người không quá quan trọng về bằng dân lập hoặc công lập. Tôi nghĩ rằng, trường công hay dân lập sẽ đều có những nhân tố phù hợp với vị trí mà nhà tuyển dụng cần tuyển. Nhà tuyển dụng tuyển ứng viên dựa trên nhiều tiêu chí. Họ không tuyển ứng viên giỏi nhất. Họ tuyển ứng viên có tố chất, có thái độ làm việc, có tính cách phù hợp, có chi phí phù hợp, có định hướng nghề nghiệp trùng với cơ hội phát triển nghề nghiệp của công ty... 

Luận bàn về việc giỏi hay dở của sinh viên tốt nghiệp trường công hay dân lập do yếu tố đầu vào trường công lập tuyển chọn gắt gao hơn, điều này hoàn toàn có thể được nhìn ở một khía cạnh khác.

Bạn thi đại học khối A tức là Toán Lý Hóa để vào học kinh tế hoặc tin học lập trình. Tôi muốn đặt câu hỏi, liệu khối kinh tế và tin học lập trình có cần kiến thức Toán Lý Hóa ở trình độ chương trình lớp 12 của hệ thống giáo dục Việt Nam đang giảng dạy hay không? Bạn áp dụng môn Lý và Hóa thế nào khi bạn học Kế toán hay bạn học để trở thành một lập trình viên Java Developer? Môn Toán đồng ý là môn về logic cần thiết để tính toán và để lập trình, nhưng có cần những kiến thức giải phương trình phức tạp cos sin và vân vân hay không? 

Sinh viên khối kinh tế cần kiến thức về xã hội, khả năng giao tiếp, kĩ năng sử dụng các phần mềm để giải quyết công việc, ngôn ngữ tiếng Anh. Sinh viên tin học lập trình thì cần tư duy logic, môn toán không nhất thiết phải quá đánh đố học sinh, và họ có thể không cần phải giỏi môn Lý và Hóa.

Vả lại một vấn đề khác của xã hội Việt Nam, khi mà định hướng phụ huynh dành cho con em của mình chưa tốt, hệ lụy là học sinh không có đam mê trong việc học. Họ học chủ yếu là để vui lòng bố mẹ và xã hội nên đã không đầu tư nghiêm túc thời gian để học cho có điểm tốt. Việc họ có thể rớt vài điểm không đậu trường công lập có thể được giải thích. Theo tôi, chỉ có 3 loại học sinh: rất giỏi (dư sức đậu trường trường công lập), rất yếu (học trường dân lập), và các bạn còn lại là như nhau. Các bạn như nhau này một số học trường công lập, một số học trường dân lập. Các bạn như nhau này đều có cơ hội để bức phá nếu các bạn được đặt đúng trong một môi trường phù hợp và tìm được niềm đam mê trong công việc mà họ theo đuổi.

Còn nữa, nhờ đam mê mà bạn sẽ cần cù bù thông minh: bạn sẽ thành công

Trường dân lập dạy dở hơn trường công lập? Không hẳn đâu. Một số trường dân lập thuê giáo viên trường công lập về giảng dạy. Giáo trình kiến thức cũng sẽ tương đương. Tuy nhiên trình độ tiếp thu của mỗi học sinh sẽ khác nhau, kể cả phải so sách giữa những học sinh trong cùng 1 trường công lập. Trường dân lập cũng có thể đào tạo ra những nhân tài tùy vào tư duy lãnh đạo của ban điều hành nhà trường. Và từng năm, trường dân lập lẫn công lập sẽ đều có những chuyển biến và thay đổi về tư duy tuyển sinh và đào tạo. 

Kết luận:

Thật lòng, tôi không đánh giá bạn qua một tấm bằng. Đầu tiên tôi nhìn hình bạn. Rồi tôi nhìn kinh nghiệm làm việc của bạn. Nếu bạn không có kinh nghiệm, tôi nhìn vào điểm các môn học có liên quan tới vị trí cần tuyển và quan trọng hơn cả là các hoạt động tập thể mà bạn đã tham gia trong quá trình học tập.

Sau đó, tôi cần mời bạn phỏng vấn để trò chuyện với tôi. Tôi muốn nhìn bạn ở khía cạnh thái độ trong công việc, quan điểm mà bạn chia sẻ với tôi trong cuộc sống và các vấn đề khác. Kiến thức và kĩ năng tôi có thể chia sẻ kinh nghiệm cho bạn, dù bạn có hơi tiếp thu chậm một chút cũng không sao. Nhưng cái tính của bạn, tôi không thể sửa cho bạn được.

Nhiều bạn rất giỏi nhưng đã rớt phỏng vấn nhiều lần. Nhiều bạn, xã hội đánh giá học cũng bình thường, lại có được công việc mong muốn và một cuộc sống hạnh phúc.


 

GiangGina

Blogger:GiangGina

Thành lập vào một ngày tháng 6/2014, deargiang.com là nơi mình chia sẻ mọi cảm xúc, kiến thức và mối quan tâm về Digital - Management - Travel cũng như các vấn đề về cuộc sống khác. Các bài viết trên deargiang một phần do mình viết, một phần do mình sưu tầm. Các bài viết này có điểm chung là những kiến thức, những câu chuyện, những quan điểm và những chia sẻ về cuộc sống có giá trị lâu dài. Mình hi vọng các chia sẻ của mình nhận được sự đồng cảm. Mọi đóng góp nếu có vui lòng gởi về email: gianggina@yahoo.com

Thống kê lượt xem

Tổng truy cập 1,372,365

Đang online3