CÁC LƯU Ý QUAN TRỌNG khi lên kế hoạch DU LỊCH TỰ TÚC CHÂU ÂU 28 ngày

[GG] Chuyến du lịch Châu Âu của mình đã diễn ra từ 2:20 am ngày 10/5/2024 từ Hồ Chí Minh - Frankfurt (Đức) đến 1:35 am ngày 7/6/2024 Rome - Hồ Chí Minh. Bài viết này mình sẽ chia sẻ lại cách thức mình lên kế hoạch cho chuyến đi này như thế nào.

Ngày đăng: 16-09-2024

212 lượt xem

Cũng đã 3 tháng trôi qua nhưng đến tận bây giờ mình mới bắt tay ghi lại những trải nghiệm quý giá. Du lịch Châu Âu luôn là mơ ước của rất nhiều người, trong đó có mình. Thông thường mọi người thường hay đi tour nhưng mình đã chọn đi tự túc vì muốn được tự mình khám phá nhiều nước nhất có thể, bởi đi tour, chúng ta thường bị hạn chế vể thời gian và số nước. Ví dụ tour dài nhất cũng khoảng tầm 11 ngày 10 đêm. Tour có Đức thì sẽ không có Ý, hoặc có Ý thì sẽ không có Đức.Thật may mắn là visa của mình được tận 28 ngày và vì thế mình đã quyết định dùng toàn bộ số ngày này để trải nghiệm Châu Âu nhiều quốc gia nhất có thể. Cụ thể, mình đã di chuyển qua 7 quốc gia Châu Âu là Đức, Hà Lan, Bỉ, Luxembourg, Pháp, Thụy Sĩ, Ý và 18 thành phố + thị trấn: Frankfurt, Cologne, Amsterdam, Brussels, Bruges, Luxembourg, Paris, Dijon, Mulhouse, Bern, Interlaken, Zurich, Milan, Venice, Florence, Pisa, Vatican và Rome.

Ban đầu mình cũng khá bối rối không biết phải lên kế hoạch từ đâu. Quan trọng là Visa mình sẽ được phép đi bao nhiêu ngày. Lúc xin Visa du lịch tự túc Châu Âu, thật sự mình chưa có cụ thể hóa được là mình sẽ thăm những thành phố nào, chỉ biết trong đầu là muốn đi Đức, Pháp, Ý, Hà Lan. Lúc này mình cũng chưa biết mình sẽ đi từ nước nào trước rồi qua nước nào và kết thúc ở nước nào. Ban đầu mình nộp đơn trên 20 ngày (Đơn xin nghỉ phép của mình xin nghỉ từ 04/05/2024 đến 31/5/2024) nhưng cũng chỉ nghĩ sẽ đi tầm 2 tuần thôi. Mình đã nộp đơn xin Visa từ 27/2, có kết quả Visa chỉ sau 1 tuần nộp đơn. Tức là đầu tháng 3 mình đã chính thức lên kế hoạch cho chuyến hành trình của bản thân vào tháng 5. Tổng cộng mình có hơn 2 tháng để chuẩn bị. Trình tự các công việc mình đã chuẩn bị cho chuyến đi này như sau:

Bước 1. Làm đơn xin nghỉ phép + chuẩn bị các giấy tờ để nộp đơn xin Visa (Bạn có thể tìm hiểu thêm quá trình mình xin visa tại đây: VISA CHÂU ÂU TẠI LSQ ĐỨC - SCHENGEN VISA T3/2024 - Có nên xin Visa du lịch tự túc qua công ty dịch vụ hay không? (deargiang.com)Visa của mình được cấp là Multiple, có giá trị từ 04/05/2024 tới 15/06/2024 với tổng thời hạn lưu trú tại Châu Âu là 28 ngày.

Bước 2. Sau khi có Visa, lên kế hoạch đi những nước nào, đặc biệt phải xác định lộ trình đi, bắt đầu ở nước nào và kết thúc ở nước nào để đặt vé máy bay gấp cho có giá vé rẻ. (Vì mình làm dịch vụ xin visa nên hành trình công ty dịch vụ làm cho mình chỉ là tượng trưng hai nước Đức và Pháp, mỗi nơi ở vài thành phố, mỗi thành phố ở hẳn 1 tuần. Còn vé máy bay và hotel booking công ty dịch vụ cũng chỉ đặt nhưng không thanh toán trước nên họ hoàn toàn có thể tự hoàn hủy sau đó).

Bước 3. Đặt vé máy bay. Vé máy bay chiều đi AIR CHINA của mình từ HCM qua Frankfurt là 8.885.250 vnd. Vé chiều về CHINA EASTERN AIRLINES từ Rome về HCM là 12.113.827 vnd.

Bước 4. Xác định cụ thể hành trình di chuyển, sẽ dừng cụ thể tại các thành phố nào, trong bao nhiêu ngày. Xác định đồng thời quãng đường và thời gian di chuyển giữa các thành phố để xác định tính khả thi về các lựa chọn của mình. Bước này là bước tốn nhiều thời gian và chất xám của mình nhất. Bước này mình chủ động học nhìn bản đồ Châu Âu: các nước nào, thành phố nào trên cùng một tuyến đường thuận tiện di chuyển nhất.

Bước 5. Sau khi đã có lịch trình sơ bộ ở Bước 4, mình dò giá khách sạn tại các điểm đến và giá tàu di chuyển giữa các nước để ra được một bản chi phí ước tính cho toàn bộ chuyến đi. Tổng thiệt hại cho chuyến đi này của mình là 120 triệu bao gồm toàn bộ chi phí làm visa và vé máy bay. Có một số bạn thắc mắc tại sao mình có thể có một chi phí rẻ như vậy. Câu trả lời của mình có lẽ là, do mình chuẩn bị mọi thứ từ trước 2 tháng. Mình mua vé may bay, đặt phòng khách sạn và mua vé tàu cũng trước 1,5 tháng nên mọi chi phí dường như rẻ gấp đôi. Mình ở xen kẽ giữa các hình thức khác nhau như hotel, hostel và air BnB, giá tiền phòng cũng giao động từ trên dưới 1 triệu đến 2 triệu/đêm. Đối với mình thì du lịch là khám phá, nên thời gian mình dành ở trong khách sạn sẽ hạn chế. Vì vậy tiêu chí chọn khách sạn để ngủ của mình chỉ cần an toàn, sạch sẽ, đặc biệt phải gần ga tàu trung tâm. Mình cũng rất quan tâm đến các review của từng khách sạn mình đặt, xem khách hàng nhận xét dịch vụ ở mỗi nơi như thế nào, có thuận tiện đi lại hay không, và phải được khách hàng đánh giá từ 3 sao trở lên. 

Bước 6: Sau khi biết rõ mình muốn gì, mình tiến hành đặt phòng khách sạn. Mình đặc biệt lưu ý việc cho phép bản thân được nghỉ ngơi 2 đêm tại bất kỳ một điểm đến nào (Ngoại trừ Luxembourg và Dijon) để mình có đủ thời gian phục hồi sức lực. Việc phải một mình kéo vali size L, vác thêm một chiếc ba lô trên 7 kg đi bộ từ điểm này tới điểm khác qua các phương tiện công cộng chắc chắn sẽ tác động không nhỏ đến sức khỏe của mình. Mình không muốn đổ bệnh và không thể có đủ năng lượng để đi thăm thú các điểm tham quan mà mình đã tính toán. Ở bước này, mình lưu ý các bạn chỉ nên đặt phòng tại Booking.com, không nên đặt phòng thông qua Agoda.com vì Agoda chỉ thông dụng tại Châu Á. Ở Châu Âu, mình thấy có vài trường hợp, các booking ở Agoda không được các khách sạn ở Châu Âu chấp thuận. 

Bước 7. Mình tiến hành mua vé tàu di chuyển giữa các thành phố và quốc gia. Loại vé di chuyển này có vài phương án: hoặc mua vé Eurail Global Pass, hoặc mua qua một website dịch vụ như Omino, hoặc mua trực tiếp tại các hãng tàu của mỗi quốc gia. Mình đã chọn phương án mua trực tiếp tại các hãng tàu của mỗi quốc gia vì giá rẻ hơn vài euro/chuyến, lịch trình nếu có thay đổi sẽ được thông báo trên app kịp thời, đặc biệt không phải tốn thêm tiền đặt chỗ trước ngoài giá vé đã mua trong bất kỳ chuyến đi nào (Chi phí đặt chỗ có thể hơn chục Euro tùy chuyến). Khi mua vé online bằng thẻ tín dụng (mua trực tiếp trên app hoặc trên website của mỗi hàng tàu đều được), hãng tàu sẽ gởi vé qua email hoặc khách hàng có thể lấy vé điện tử ngay trên app. Trên vé có 1 mã QR. Khi cần di chuyển và sử dụng vé, chỉ cần trình mã QR này cho nhân viên soát vé trên tàu scan code. Nhân viên soát vé sẽ đợi cho hành khách ổn định chỗ ngồi và đi đến từng hàng ghế một để soát vé khi tàu đang di chuyển. Vé này không cần in ra, chỉ cần chụp và lưu lại trên điện thoại là được.

Eurail Global Pass là loại vé cho phép hành khách có thể di chuyển qua mọi quốc gia bất cứ thời gian nào mà không lo sợ trễ tàu hay giá tàu tăng giảm theo từng thời điểm, tuy nhiên Eurail Global Pass buộc bạn phải trả thêm chi phí đặt chỗ trước cho một số chuyến hành trình nhất định. Eurail Global Pass chỉ dùng để di chuyển giữa các quốc gia hoặc thành phố, không dùng để đi lại trên các phương tiện công cộng giữa các điểm tham quan trong một thành phố. 

Bạn có thể tải app Eurail Global Pass về điện thoại và nhập thử hành trình của mình để xác định chính xác chi phí vé tàu phải trả thêm (nếu có) với các trường hợp phải mua thêm phí đặt chỗ. Loại phí này sẽ không được hiển thị khi mua trên Klook tại đây, mà chỉ xuất hiện khi người dùng đăng nhập app và kê khai hành trình của mình.

Lưu ý: Tất cả các vé phương tiện di chuyển công cộng trong nội thành chúng ta không cần mua trước vì giá không tăng giảm theo thời gian mua. Mỗi thành phố giá vé các phương tiện công cộng cũng sẽ khác nhau. Thông thường họ có bán vé theo ngày và mình cũng thường mua vé ngày để thuận tiện di chuyển, chi phí cũng kinh tế hơn so với việc mua từng chặng, đặc biệt đúng với các bạn khách du lịch lần đầu, rất dễ xảy ra tình trạng lên xuống tàu sai trạm khiến tổng số tiền chi cho vé từng trạm sẽ mắc hơn là mua vé ngày.

Bước 8. Mình mua bảo hiểm du lịch, loại mắc nhất của công ty bảo hiểm LIBERTY cũng chỉ có 1.407.000 vnd. Mình mua của một bạn bán bảo hiểm tại Việt Nam thông qua group du lịch Châu Âu tên là Le Trang. Facebook của bạn ở đây

Bước 9. Mình mua sim du lịch Châu Âu qua facebook của bạn Vo Nu Hanh, Đơn của mình là 720K + 15K ship (Gói 1Gb/ngày. Tổng 28Gb tương đương 28 ngày). Gói này không nghe gọi được, chỉ dùng để truy cập internet mà thôi. Chuyến đi của mình không có nhu cầu gọi điện thoại cho ai, chủ yếu zalo và facebook nên mình thấy đây là gói cước hợp lý nhất. 

Bước 10. Mình kiểm tra lại lần nữa folder các giấy tờ và lịch trình trong google drive, liệt kê ra các điều cần phải làm trước chuyến đi du lịch tự túc Châu Âu của mình như một to-do list, bổ sung các món đồ cần phải mua cho chuyến hành trình, và cuối cùng là in hành trình và passport.

Bước 11. Soạn hành lý.

Chuyến đi này mình rất hào hứng nên thật ra mình đã soạn hành lý từ rất sớm chứ không phải đợi xong xuôi tất cả mình mới bắt tay vào sắp xếp chọn lựa áo quần. Việc làm này giúp mình xác định rõ hơn món đồ nào mình cần mang theo, món đồ nào mình nên để lại. Nếu có cơ hội lần sau, mình nhất định sẽ theo phương pháp light packing chỉ hành lý xách tay không hành lý ký gởi, áp dụng triệt để capsule wardrobe: một món đồ có thể phối nhiều kiểu khác nhau, kết hợp sử dụng laundry service ở các điểm đến. Vali của mình rất to, trên 30kg nên rất nặng. Mình mua khá nhiều quà cáp là rượu (chất lỏng) nên còn phải trả một khoản phí phạt hành lý quá cân nặng quy định là 140e bằng credit card tại cổng lên máy bay. Mình nghe nói vali nếu vượt qua phạm vi một số kg nào đó sẽ không được lên máy bay chứ chẳng phải đóng phạt không đâu. Mà chắc tương lai mình sẽ không để điều đó xảy ra.

Ngoài chiếc vali to, mình còn khoác thêm 1 cái balo và 1 chiếc túi xách trước bụng. Mình nghĩ lần sau mình mà có đi du lịch ở đâu nữa thì mình sẽ ưu tiên balo dạng vali đeo vai cho nó khỏe người kết hợp với một chiếc túi trước ngực nữa là đủ ok rồi.

Từ giờ tới cuối năm, thể nào mình cũng phải viết thêm các bài viết cụ thể ở từng nước và các điều lưu ý khác khi du lịch tự túc Châu Âu. Bài viết này có lẽ mình sẽ tạm dừng tại đây. Hy vọng các bạn đã có cho mình những thông tin hữu ích.

GiangGina [Một bài viết của Deargiang.com]

Blogger:GiangGina

Thành lập vào một ngày tháng 6/2014, deargiang.com là nơi mình chia sẻ mọi cảm xúc, kiến thức và mối quan tâm về Digital - Management - Travel cũng như các vấn đề về cuộc sống khác. Các bài viết trên deargiang một phần do mình viết, một phần do mình sưu tầm. Các bài viết này có điểm chung là những kiến thức, những câu chuyện, những quan điểm và những chia sẻ về cuộc sống có giá trị lâu dài. Mình hi vọng các chia sẻ của mình nhận được sự đồng cảm. Mọi đóng góp nếu có vui lòng gởi về email: gianggina@yahoo.com

Thống kê lượt xem

Tổng truy cập 1,346,528

Đang online11